BỘ
THỦY SẢN
******
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc - Tự do - Hạnh phúc
******
|
Số:
28/2006/QĐ-BTS
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15/6/2004;
Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02/5/2003 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 107/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ về tổ chức và
hoạt động của Thanh tra Thủy sản;
Căn cứ ý kiến của Tổng Thanh tra tại Văn bản số 2488/TTCP-PC ngày 15/12/2006;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này "Quy định tạm thời về tiêu chuẩn Thanh tra viên Thủy sản".
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh Thanh tra,
Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các Vụ, Cục, cơ quan đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các
Sở Thủy sản hoặc Sở có chức năng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương quản lý nhà nước về thủy sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ TIÊU CHUẨN THANH TRA VIÊN THỦY SẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2006/QĐ-BTS ngày 29 tháng 12 năm 2006 của
Bộ trưởng Bộ Thủy sản)
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
Quy định này
quy định về tiêu chuẩn Thanh tra viên Thủy sản.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này
áp dụng đối với Thanh viên Thủy sản thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong lĩnh vực
thủy sản.
Điều 3. Các ngạch
Thanh tra viên Thủy sản
Thanh tra
viên Thủy sản gồm các ngạch sau đây:
1. Ngạch
Thanh tra viên.
2. Ngạch
Thanh tra viên chính.
3. Ngạch
Thanh tra viên cao cấp.
TIÊU CHUẨN THANH TRA
VIÊN THỦY SẢN
Điều 4. Tiêu chuẩn chung
của Thanh tra viên Thủy sản
Người được bổ
nhiệm vào ngạch Thanh tra viên Thủy sản phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
1. Có phẩm chất
đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm trong công việc, liêm khiết, trung thực,
công minh, khách quan;
2. Tốt nghiệp
đại học, có kiến thức quản lý nhà nước và kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm
trong các lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công tác thanh tra được giao như:
kinh tế, khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản hoặc sinh học và các chuyên
ngành khác liên quan đến hoạt động thủy sản;
3. Có nghiệp
vụ thanh tra;
4. Có ít nhất
hai năm làm công tác thanh tra đối với người mới được tuyển dụng vào ngành Thanh
tra (không kể thời gian tập sự); nếu là cán bộ, công chức, viên chức công tác ở
cơ quan quản lý nhà nước chuyển sang cơ quan Thanh tra Thủy sản thì phải có ít
nhất một năm làm công tác thanh tra;
5. Có sức khỏe
đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Điều 5. Tiêu chuẩn ngạch
Thanh tra viên
Người được bổ
nhiệm vào ngạch Thanh tra viên Thủy sản phải:
1. Có đủ các
tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 của Quy định này;
2. Có khả
năng thực hiện các nhiệm vụ thanh tra đối với những việc có quy mô hẹp, độ phức
tạp trung bình, có khả năng phân tích, đánh giá tình hình hoạt động, quản lý của
cấp cơ sở;
3. Có chứng
chỉ về nghiệp vụ thanh tra; có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; có
chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A; có chứng chỉ tin học trình độ A.
Điều 6. Tiêu chuẩn ngạch
Thanh tra viên chính
Người được bổ
nhiệm vào ngạch Thanh tra viên chính Thủy sản phải:
1. Có đủ các
tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 của Quy định này;
2. Có khả
năng thực hiện các nhiệm vụ thanh tra đối với những việc có quy mô rộng, tình
tiết phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực; có khả năng tổ chức, phân tích tổng
hợp, đúc rút kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra, đề xuất được những vấn đề cần
sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện công tác quản lý của Ngành; tham gia nghiên cứu
xây dựng và hướng dẫn nghiệp vụ cho Thanh tra viên; có khả năng đảm nhiệm Phó
hoặc Trưởng đoàn thanh tra;
3. Có chứng
chỉ về nghiệp vụ thanh tra nâng cao; có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên
viên chính; có trình độ lý luận chính trị trung cấp; có chứng chỉ ngoại ngữ
trình độ B; có chứng chỉ tin học trình độ B.
Điều 7. Tiêu chuẩn ngạch
Thanh tra viên cao cấp
Người được bổ
nhiệm vào ngạch Thanh tra viên cao cấp Thủy sản phải:
1. Có đủ các
tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 của Quy định này;
2. Có khả
năng thực hiện các nhiệm vụ đối với những việc có quy mô lớn, tình tiết phức tạp,
liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; có khả năng phân tích, khái quát, tổng
hợp được tình hình quản lý nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; chủ trì tổ chức được việc
tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra và đề xuất những vấn
đề cần sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các văn bản pháp luật về thanh tra,
tham gia nghiên cứu xây dựng và hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra cho Thanh tra
viên chính; có khả năng đảm nhiệm Trưởng đoàn thanh tra;
3. Có chứng
chỉ về nghiệp vụ thanh tra cao cấp; có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên
viên cao cấp; có trình độ lý luận chính trị cao cấp; có chứng chỉ ngoại ngữ
trình độ C; có chứng chỉ tin học trình độ B.
Điều 8. Thẩm quyền bổ nhiệm,
miễn nhiệm Thanh tra viên Thủy sản
Thanh tra
viên Thủy sản được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn
của Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ và theo tiêu chuẩn tại quy định này.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Tổ chức thực hiện
và trách nhiệm thi hành
1. Bộ Thủy sản
có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan có
liên quan ban hành tiêu chuẩn các ngạch Thanh tra viên Thủy sản hướng dẫn, kiểm
tra việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch Thanh tra viên Thủy sản
theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chánh
Thanh tra Bộ Thủy sản chủ trì phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và các
cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định này, định kỳ
báo cáo Bộ trưởng.
3. Trong quá trình
thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh cần kịp thời báo cáo Bộ Thủy sản (qua
Thanh tra Bộ) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.