Quyết định 2796/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 2796/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/12/2014
Ngày có hiệu lực 30/12/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Đàm Văn Bông
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2796/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 30 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BCT ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại;

Xét Báo cáo số 284/BC-HĐTĐ ngày 13 tháng 10 năm 2014 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 162/TTr-SCT ngày 30 tháng 12 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển thương mại tỉnh Hà Giang phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Phát triển thương mại tỉnh Hà Giang nhằm thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội.

3. Phát triển thương mại trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tiềm năng của tỉnh, đồng thời phải thích ứng với xu thế tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.

4. Phát triển thương mại trên cơ sở khơi dậy và thu hút mọi tiềm năng, nguồn lực của các thành phần kinh tế, đặc biệt khuyến khích và thu hút khu vực kinh tế tư nhân.

5. Phát triển thương mại phải coi trọng cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái và việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển thương mại phải kết hợp với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển mạnh thị trường trong tỉnh theo hướng đáp ứng mọi nhu cầu của sản xuất, đời sống; bảo đảm lưu thông hàng hoá thông suốt, bảo đảm cân đối cung cầu về những mặt hàng trọng yếu cho sản xuất và đời sống, đặc biệt là hàng hóa phục vụ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, ngày càng có nhiều hàng hoá mẫu mã đẹp, chất lượng cao, giá cả hợp lý, đủ sức cạnh tranh.

- Củng cố trật tự, kỷ cương thị trường; xây dựng ngành thương mại phát triển theo hướng văn minh - hiện đại, thu hút các nguồn lực của thương nhân trong và ngoài nước vào phát triển hạ tầng thương mại.

- Phát triển thị trường trong tỉnh trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển thị trường trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước, gắn hiệu quả kinh doanh thương mại với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng GRDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; phát triển mạnh các dịch vụ cửa khẩu; chú trọng phát triển các sản phẩm xuất khẩu qua chế biến, có giá trị gia tăng cao hơn.

- Xây dựng và phát triển mạnh thương mại nội địa theo hướng văn minh và từng bước hiện đại dựa trên các cơ cấu ngành hợp lý với sự tham gia của các thành phần kinh tế, vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết của nhà nước. Trên cơ sở đó, nâng cao vai trò của ngành thương mại trong việc tạo giá trị gia tăng đóng góp vào GRDP của tỉnh; thu hút lao động xã hội, tạo việc làm mới; kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng; điều khiển và dẫn dắt sản xuất định hướng theo nhu cầu thị trường. Phấn đấu đến năm 2020, Hà Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc và đạt mức trung bình của cả nước với cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; đến năm 2030 xây dựng Hà Giang trở thành một tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá, đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc và cả nước; đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh và quốc phòng luôn bảo đảm.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành thương mại tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 10,5%/năm, chiếm tỷ trọng 17,35% trong khu vực dịch vụ và chiếm 7,36% trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP); giai đoạn 2021 - 2030 là 10,0%/năm, chiếm tỷ trọng 20,5% trong khu vực dịch vụ và 10,8% trong GRDP của tỉnh;

- Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt 400 triệu USD; đến năm 2020 đạt 880 triệu USD và đến năm 2030 đạt trên 2 tỷ USD;

- Phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13 - 15%/năm và giai đoạn 2021 - 2030 đạt 12%/năm;

- Gia tăng tốc độ lưu chuyển hàng hoá đảm bảo nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong tỉnh: Đến năm 2020 có 10% - 15% hàng hoá lưu chuyển qua các loại hình thương mại hiện đại.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

[...]