Quyết định 3882/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thương mại tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025

Số hiệu 3882/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/09/2017
Ngày có hiệu lực 06/09/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Đặng Xuân Phong
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3882/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 06 tháng 09 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH THƯƠNG MẠI TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 308/BC-SKH ngày 26/6/2017 và của Sở Công Thương tại Tờ trình số 125/TTr-SCT ngày 05/6/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển thương mại tỉnh Lào Cai trên cơ sở đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch phát triển đô thị, giao thông, du lịch,... trên địa bàn tỉnh; phù hợp với những định hướng phát triển thương mại của vùng trung du miền núi phía Bắc và của cả nước.

- Phát triển thương mại theo hướng hiện đại và văn minh; lấy dịch vụ xuất nhập khẩu và dịch vụ du lịch làm trọng tâm với điểm nhấn là Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai; phát huy vai trò là điểm nút quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cầu nối giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc.

- Phát triển tương xứng với tiềm năng và khai thác tối đa lợi thế về sản xuất sản phẩm, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, có giá trị gia tăng cao, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bảo đảm sự gắn kết với sự phát triển đa dạng các loại hình sở hữu đối với doanh nghiệp thương mại, thương mại gắn với đầu tư. Phát triển một cách đồng bộ và hợp lý cơ cấu bán buôn và bán lẻ; cơ cấu thương mại hiện đại và truyền thống.

- Phát triển theo hướng vừa nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành, vừa đảm bảo hiệu quả xã hội, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo thêm việc làm cho người lao động, ổn định cuộc sống của người dân nông thôn, người có thu nhập thấp; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập chủ quyền quốc gia, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu chung:

Phát triển ngành thương mại tỉnh Lào Cai theo hướng hiện đại, tương xứng với vai trò là điểm khởi đầu của tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đóng góp ngày càng lớn vào hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc; phấn đấu đến năm 2020, thương mại của tỉnh đạt trình độ phát triển khá so với các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc và đến năm 2025 so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước; nâng khả năng thu hút và phát luồng hàng hóa trong vùng; bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, người sản xuất trên địa bàn tỉnh; thương mại ngày càng phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại; tạo tiền đề vững chắc để tham gia hợp tác phát triển kinh tế trong vùng, trong nước và nước ngoài.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

+ Giá trị tăng thêm (GTTT) ngành dịch vụ tăng bình quân 11-12%/năm giai đoạn 2017 - 2020 và 13,5%/năm giai đoạn 2021 - 2025; Tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tỉnh vào khoảng 42,5% (năm 2020) và gần 50% (năm 2025).

+ Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 14,5% giai đoạn 2017 - 2020, đạt 28.500 tỷ đồng năm 2020 và tăng bình quân 13,6%/năm giai đoạn 2021 - 2025, đạt 50.263 tỷ đồng năm 2025. Bảo đảm lưu thông hàng hóa ổn định, thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đưa tỷ trọng bán lẻ của các loại hình bán lẻ hiện đại trong tổng mức bán lẻ lên khoảng 30 - 40% năm 2020 và xấp xỉ 50% năm 2025.

+ Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 tăng bình quân 15 - 16%/năm và đạt 4.600 triệu USD năm 2020 (trong đó xuất khẩu địa phương tăng bình quân 15%/năm và đạt 270 - 275 triệu USD năm 2020); giai đoạn 2021 - 2025 tăng bình quân trên 16%/năm và đạt 9.745 triệu USD năm 2025. Đến năm 2020, số lượng website thương mại điện tử chiếm khoảng 35% tổng số website của tỉnh.

* Định hướng phát triển ngành thương mại

(1) Định hướng phát triển các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại

- Xây dựng đội ngũ thương nhân với nhiều phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh đa dạng phù hợp với quá trình phát triển sản xuất trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có đủ năng lực gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm, nhất là nông sản, có khả năng gắn kết và thúc đẩy phát triển các kênh phân phối truyền thống có quy mô nhỏ hiện nay.

- Tạo điều kiện để các thương nhân phát triển hệ thống phân phối đồng bộ từ khâu tổ chức nguồn hàng cung cấp cho thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, tổ chức lưu thông và cung cấp các dịch vụ logistics, dịch vụ bán hàng thuộc các lĩnh vực, ngành hàng quan trọng trong tỉnh.

- Phát triển các doanh nghiệp thương mại bán lẻ của các thành phần kinh tế theo những hình thái và quy mô thích hợp với từng loại thị trường, khuyến khích các loại hình kinh doanh hiện đại như chuỗi siêu thị vừa và nhỏ; các trung tâm thương mại; chợ tổng hợp, chợ chuyên doanh; chi nhánh bán lẻ của nhà sản xuất; mạng lưới bán hàng lưu động,...

(2) Định hướng phát triển các dịch vụ hỗ trợ của ngành thương mại

- Chuyên nghiệp hóa các dịch vụ phụ trợ phù hợp với các quá trình chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngành thương mại trên địa bàn tỉnh.

[...]