Quyết định 2778/2007/QĐ-UBND phê duyệt Đề án duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở và từng bước phổ cập giáo dục trung học giai đoạn 2007 - 2015 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 2778/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/08/2007
Ngày có hiệu lực 13/08/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Hồng Quân
Lĩnh vực Giáo dục

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2778/2007/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 3 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN DUY TRÌ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ TỪNG BƯỚC PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2007 - 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 16/6/2005;

Căn cứ Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001 - 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 06/2007/NQ-HĐND ngày 04/7/2007 của Hội đồng Nhân dân tỉnh khoá XI, Kỳ họp thứ 10 về “chính sách thực hiện đề án duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục trung học giai đoạn 2006 - 2015”;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1397/SGD&ĐT-GDTrH ngày 18/7/2007 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 266/BC-STP-KTVB ngày 14/02/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở và từng bước phổ cập giáo dục trung học tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2007 - 2015 với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Mục tiêu.

1. Mục tiêu tổng quát:

1.1. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS): Đến năm 2010, huy động 95% (đối với vùng thuận lợi), 85% (đối với vùng khó khăn) trẻ 6 tuổi vào lớp 1; không có trẻ 11 - 14 tuổi bỏ học tiểu học; huy động 100% (đối với vùng thuận lợi), 90% (đối với vùng khó khăn) số trẻ đã hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 và 90% (đối với vùng thuận lợi), 80% (đối vùng khó khăn) thanh thiếu niên 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS (2 hệ). Duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng các lớp THCS.

1.2. Thực hiện phổ cập giáo dục trung học: Phấn đấu đến năm 2010 có 3 huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là huyện) đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học; đến năm 2015 có 80% số huyện trong tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học; phấn đấu hầu hết công dân đến hết tuổi 21 đạt trình độ học vấn trung học (trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp hoặc đào tạo nghề dài hạn), góp phần nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Về cá nhân:

Phấn đấu đến năm 2015 có 85% (đối với vùng thuận lợi), 75% (đối với vùng khó khăn) thanh niên (18 - 21 tuổi) có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hoặc bổ túc THPT hoặc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc đào tạo nghề dài hạn.

2.2. Đối với xã, phường, thị trấn:

- 100% xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.

- Huy động ít nhất 95% (đối với vùng thuận lợi), 85% (đối với vùng khó khăn) số đối tượng phổ cập đã tốt nghiệp THCS vào học THPT, bổ túc THPT, TCCN và dạy nghề. Trong đó có ít nhất 15% (đối với vùng thuận lợi), 10% (đối với vùng khó khăn) vào học nghề dài hạn và ít nhất 15% (đối với vùng thuận lợi), 10% (đối với vùng khó khăn) vào học các trường TCCN.

- Nâng cao chất lượng giáo dục, phấn đấu tăng tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 18 đến hết 21 có bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT hoặc bằng tốt nghiệp TCCN hoặc bằng tốt nghiệp đào tạo nghề dài hạn.

2.3. Đối với huyện, thị xã, thành phố:

- 100% số huyện duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS.

- Đến năm 2015 có ít nhất 90% (đối với vùng thuận lợi), 75% (đối với vùng khó khăn) số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học.

- Có ít nhất 50% (đối với vùng thuận lợi), 40% (đối với vùng khó khăn) số trường tiểu học; 40% (đối với vùng thuận lợi), 30% (đối với vùng khó khăn) số trường THCS đạt chuẩn quốc gia.

- Mỗi huyện có ít nhất 02 trường THPT (đối với vùng thuận lợi), 01 trường THPT (đối với vùng khó khăn) đạt chuẩn quốc gia, 01 Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên (HN&GDTX).

2.4. Đối với tỉnh:

- Toàn tỉnh duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS.

[...]