Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 2730/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 2730/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/12/2020
Ngày có hiệu lực 09/12/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Phạm Văn Thủy
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2730/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 09 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 122/TTr-STP ngày 26 tháng 11 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Tư pháp (Cục BTTP);
- TT: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
-
Ban Chỉ đạo CCTP Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Nội chính
Tỉnh ủy;
- TAND, Viện KSND, Cục THADS tỉnh;
-
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh;
- Kho bạc NN tỉnh, Cục Thuế tỉnh, BHXH tỉnh;
-
Báo Sơn La, Đài PT-TH tỉnh;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;

- Lưu: VT, NC, Hằng
30b.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phạm Văn Thủy

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 2730/QĐ-UBND ngày 09/12/2020 của UBND tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở lý luận

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động Bổ trợ Tư pháp và nhiệm vụ hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Nhằm cụ thể hóa và đưa ra các kế hoạch, giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, ngày 25 tháng 3 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”.

Ngày 08 tháng 01 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 02 năm 2020) thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ. Theo đó, chế định Thừa phát lại được chính thức triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (Nghị định số 08/2020/NĐ-CP) quy định Công việc Thừa phát lại được làm gồm: “Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”.

Việc thành lập tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại ở nước ta thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc cải cách tư pháp, xã hội hóa một số hoạt động của cơ quan nhà nước; thể hiện sự nỗ lực của cơ quan chức năng từ Quốc hội, Chính phủ đến các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động Thừa phát lại.

Hiện nay, mô hình Thừa phát lại đang được hình thành và phát triển tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần tích cực, hiệu quả trong việc chia sẻ trách nhiệm, công việc với Nhà nước và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định:“Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình UBND tỉnh phê duyệt”. Sở Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Cục Thống kê và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

2. Cơ sở thực tiễn

2.1. Điều kiện về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh

Sơn La là một tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc, Việt Nam, toàn tỉnh có 01 thành phố (thành phố Sơn La) và 11 huyện (Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp và Vân Hồ). Tổng diện tích tự nhiên là 1.413 km2; có 274 km đường biên giới tiếp giáp 2 tỉnh: Hủa Phăn và Luông Pha Bang, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Dân số toàn tỉnh khoảng 1,2 triệu người với 12 dân tộc anh em cùng chung sống.

Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2018 đạt 49.789 tỷ đồng, năm 2019 đạt 50.572 tỷ đồng, năm 2020 ước đạt 56.009 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 40,2 triệu đồng/người/năm, năm 2019 đạt 40,5 triệu đồng/người/ năm, năm 2020 ước đạt 44,1 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng.

[...]