Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 890/QĐ-UBND-HC năm 2020 về phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2020 -2025

Số hiệu 890/QĐ-UBND-HC
Ngày ban hành 16/06/2020
Ngày có hiệu lực 16/06/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Văn Dương
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 890/QĐ-UBND-HC

Đồng Tháp, ngày 16 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại;

Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2020 - 2025 (sau đây gọi tắt là Đề án), với nội dung chủ yếu sau:

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở lý luận

Nhằm tạo cơ sở pháp lý và đảm bảo sự phát triển bền vững lĩnh vực Thừa phát lại theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2020 - 2025 được xây dựng dựa trên các cơ sở pháp lý sau:

- Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;

- Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chế định Thừa phát lại, Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;

- Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008, Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014;

- Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

2. Cơ sở thực tiễn

2.1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

a) Đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội

- Đồng Tháp là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, tổng diện tích tự nhiên là 3.383,85 km2, quy mô dân số 1.693.313 người; có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, và 143 đơn vị hành chính cấp xã. Năm 2019, GRDP của tỉnh đạt 6,47%/năm và GRDP/người đạt 50,46 triệu đồng/người.

- Thời gian qua, Đồng Tháp đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp và mô hình Hội quán đã tạo sự tăng trưởng cao về kinh tế, mở rộng giao thương và giao dịch tại địa phương. Vì vậy, đã phát sinh các tranh chấp, vướng mắc pháp lý có liên quan. Do đó, việc đưa ra lộ trình phát triển Văn phòng Thừa phát lại là cần thiết, phù hợp với quy định và tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

b) Tình hình thực tiễn thực hiện chế định Thừa phát lại

- Năm 2016, việc thực hiện chế định Thừa phát lại được triển khai thực hiện theo “Đề án thực hiện chế định thừa phát lại giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” theo Quyết định phê duyệt số 1358/QĐ-BTP ngày 29 tháng 8 năm 2017 của Bộ Tư pháp.

- Từ bất cập trong quá trình thực hiện Thừa phát lại theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định một số nội dung quan trọng như: mở rộng phạm vi lập vi bằng và hình thức đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại, khắc phục khó khăn trong quản lý Nhà nước về Thừa phát lại, đồng thời, đặt ra các tiêu chí để căn cứ xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Vì vậy, để đảm bảo tính phù hợp, tính thống nhất với quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng “Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025”.

2.2. Nhu cầu thực tiễn hoạt động Thừa phát lại đối với ngành Tòa án, Viện Kiểm sát và Thi hành án dân sự

Phát triển Văn phòng Thừa phát lại là một trong những nhiệm vụ xã hội hóa nhằm chuyển giao, giảm tải lượng công việc ở một số lĩnh vực quản lý công của các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án dân sự, đồng thời, tạo nguồn chứng cứ hợp pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cơ quan truy tố, xét xử và thi hành án dân sự. Do đó, việc xây dựng Đề án dựa trên nhu cầu người dân và các cơ quan truy tố, xét xử, thi hành án.

a) Về tống đạt văn bản tố tụng

- Công tác tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cấp tỉnh và cấp huyện được đồng bộ chuyển giao cho Văn phòng Thừa phát lại Đồng Tháp (được thành lập theo Quyết định số 15/QĐ-UBND-TL ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp) thực hiện từ giữa năm 2018. Trong năm 2019, ngành Tòa án đã giải quyết 13.289 vụ việc, số lượng tống đạt là 34.463 văn bản, tăng 9% so với năm 2018 (tính chung cả số lượng văn bản do Thư ký Tòa án và Thừa phát lại thực hiện).

[...]