ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 273/QĐ-UBND
|
Tuyên Quang, ngày
30 tháng 7 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỦY SẢN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN
2019-2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số
899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Tái cơ cấu
ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số
1434/QĐ-TTg ngày 22/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục
tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số
2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về
việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia
tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Thông báo số
10090/TB-BNN-VP ngày 25/12/2018 ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tại buổi làm việc với tỉnh Tuyên Quang;
Căn cứ Nghị quyết số
16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVI) về
phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025;
Căn cứ Quyết định số
208/QĐ-UBND ngày 14/7/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái
cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng
và phát triển bền vững, giai đoạn 2015-2020;
Căn cứ Thông báo số 799-TB/TU
ngày 08/10/2018 của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị giao ban các cơ quan khối
kinh tế tỉnh quý III năm 2018;
Căn cứ Kết luận số 333-KL/TU
(Kỳ thứ 40) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 26/2/2019 về Đề án phát triển thủy sản
tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019-2025;
Căn cứ Nghị quyết số
10/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích
phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;
Căn cứ Nghị quyết số
12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản
xuất hàng hoá đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;
Căn cứ Nghị quyết số
05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát
triển hợp tác xã nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Căn cứ Quyết định số
208/QĐ-UBND ngày 14/7/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án
"Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang theo hướng nâng cao giá trị
gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015-2020";
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch
và Đầu tư tại Báo cáo số 313/BC-SKH ngày 10/7/2019 về kết quả thẩm định Đề án
phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019-2025,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang
giai đoạn 2019-2025, với các nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM,
MỤC TIÊU
1. Quan điểm
- Phát triển thủy sản theo hướng
nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trên cơ sở khai thác có hiệu
quả, phát huy tiềm năng về diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản
theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị thủy sản, đáp ứng nhu cầu
thực phẩm an toàn tại địa phương, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, giải
quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nuôi.
- Khuyến khích các thành phần
kinh tế đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa tập trung, xây dựng nhãn
hiệu sản phẩm, phát triển ngành nghề chế biến để nâng cao giá trị hàng hóa thủy
sản, trong đó phát huy vai trò của các thành phần kinh tế tư nhân, nhất là các
doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tham gia đầu tư phát triển thủy sản. Đẩy
mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
- Phát triển thủy sản gắn với
du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường bền vững.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
- Phát triển thuỷ sản theo hướng
nuôi thâm canh các loài cao sản ở ao, hồ; mở rộng diện tích nuôi thâm canh các
loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, gắn với nhu cầu thị trường, như cá:
Chiên, Lăng, Anh Vũ,… phấn đấu diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm
2025 đạt trên 12.200 ha.
- Tập trung sản xuất giống cá đặc
sản; đẩy mạnh nuôi thương phẩm cá đặc sản tại những nơi có điều kiện tự nhiên
phù hợp.
- Bảo tồn, tái tạo và phát triển
nguồn lợi thuỷ sản theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi
trường. Nâng cao trình độ sản xuất, thu nhập và đời sống của người nuôi trồng
thủy sản trên địa bàn tỉnh.
- Mở rộng các kênh tiêu thụ thủy
sản tại các chợ chợ đầu mối, nhà hàng, siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch ở
trong, ngoài tỉnh và các thành phố lớn; hướng tới xuất khẩu loài cá có giá trị
kinh tế cao như: cá Rô Phi...; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gắn với chỉ dẫn địa
lý cá đặc sản của tỉnh để tạo thành sản phẩm hàng hóa hoàn chỉnh có sức cạnh
tranh trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập của người nuôi trồng thủy sản.
2.2. Mục tiêu cụ thể
2.2.1- Đến năm 2020
- Diện tích nuôi trồng thủy sản
đạt 11.288 ha. Số lồng nuôi cá phấn đấu đạt 2.200 lồng (số lượng lồng nuôi cá đặc
sản, cá có giá trị kinh tế cao trên sông, hồ thủy điện chiếm 50%).
- Sản lượng thủy sản 8.246 tấn/năm
(trong đó sản lượng cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao 785 tấn/năm, cá truyền
thống 7.461 tấn/năm).
- Sản xuất giống thuỷ sản: Toàn
tỉnh sản xuất, dịch vụ được 70 triệu con cá truyền thống; 0,6 triệu con cá giống
đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao.
2.2.2- Giai đoạn 2021 - 2025
- Diện tích nuôi trồng thủy sản
đạt 12.274 ha. Số lồng nuôi cá 2.728 lồng (số lượng lồng nuôi cá đặc sản, cá có
giá trị kinh tế cao trên sông, hồ thủy điện đạt trên 50%).
- Sản lượng thủy sản đạt 19.087
tấn/năm (trong đó cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao 1.306 tấn/năm, cá truyền
thống 17.781 tấn/năm).
- Sản xuất giống thuỷ sản: Đến
năm 2025, toàn tỉnh sản xuất, dịch vụ được 80 triệu con cá truyền thống; 01 triệu
con cá giống đặc sản.
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nhiệm
vụ
1.1. Phát triển sản xuất
giống
- Đầu tư hệ thống nghiên cứu, sản
xuất giống thủy sản tại Trại cá Hoàng Khai thuộc Trung tâm Thủy sản (ưu tiên sản
xuất giống cá đặc sản). Phấn đấu đến năm 2020 làm chủ được công nghệ và sản xuất
đáp ứng cho nhu cầu con giống nuôi thương phẩm của nhân dân đối với giống cá:
Chiên, Lăng Chấm, Anh Vũ, Bỗng, Lăng, Quả, Rô phi,... trong đó 100% đối tượng
cá đặc sản là giống chất lượng cao, sạch bệnh.
- Thực hiện liên kết trong sản
xuất giống thủy sản giữa Trung tâm Thủy sản tỉnh với các doanh nghiệp, hợp tác
xã, người nuôi có nhu cầu về con giống; hàng năm rà soát, thống kê nhu cầu con
giống trên địa bàn tỉnh để Trung tâm Thủy sản có phương án sản xuất, cung ứng đầy
đủ, kịp thời.
1.2. Phát triển nuôi trồng
thủy sản
1.2.1- Đối với ao, hồ nhỏ
chuyên nuôi thủy sản
Thực hiện nuôi thâm canh cá Rô
Phi đơn tính theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh nuôi thâm canh, bán thâm canh, đảm
an toàn vệ sinh thực phẩm các loại cá truyền thống (cá Trắm, cá Chép,...). Xây
dựng các mô hình nuôi bán thâm canh, an toàn vệ sinh thực phẩm các loài cá đặc
sản (cá Lăng Chấm, cá Anh Vũ, cá Bỗng...) hiệu quả từ đó nhân ra diện rộng.
- Đến năm 2020, diện tích ao, hồ
nhỏ chuyên nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh 2.023 ha, phấn đấu năng suất bình quân
toàn tỉnh đạt 2,5 tấn/ha, trong đó nuôi thâm canh đạt 3,9 tấn/ha, nuôi bán thâm
canh đạt 2,9 tấn/ha, nuôi quảng canh cải tiến đạt 2,1 tấn/ha. Tổng sản lượng
nuôi trồng ao, hồ nhỏ chuyên nuôi thủy sản đạt trên 5.064 tấn.
- Đến năm 2025, diện tích ao, hồ
nhỏ chuyên nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh 1.950 ha, phấn đấu năng suất bình quân
toàn tỉnh đạt 3,2 tấn/ha, trong đó nuôi thâm canh đạt 4,0 tấn/ha, nuôi bán thâm
canh đạt 3,0 tấn/ha, nuôi quảng canh cải tiến đạt 2,2 tấn/ha. Tổng sản lượng
nuôi trồng ao hồ nhỏ chuyên nuôi trồng thủy sản đạt 5.505 tấn.
1.2.2- Đối với nuôi cá lồng/bè
trên hồ thủy điện
- Đến năm 2020, số lồng nuôi
trên hồ thủy điện 1.326 lồng, trong đó huyện Na Hang 888 lồng, huyện Lâm Bình
130 lồng, huyện Chiêm Hóa 308 lồng; năng suất bình quân 5,0 tấn/lồng 108m3,
đạt 0,3 tấn/lồng 9-12m3. Sản lượng 722 tấn (trong đó: cá đặc sản, cá
có giá trị kinh tế cao chiếm trên 70% ).
- Đến năm 2025, số lồng nuôi
trên hồ thủy điện 2.358 lồng, trong đó: huyện Na Hang 1.200 lồng (dự kiến có
200 lồng tròn Na Uy công nghệ cao, thể tích 1.884m3 nuôi cá Rô phi
do Tập đoàn Mavin đầu tư; 1.000 lồng do tổ chức, cá nhân nuôi), huyện Chiêm Hóa
405 lồng, huyện Lâm Bình 135 lồng, huyện Yên Sơn 280 lồng, huyện Hàm Yên 336 lồng;
năng suất bình quân lồng tròn Na Uy công nghệ cao 50 tấn/lồng; 5,7 tấn/lồng
108m3, 0,4 tấn/lồng 9-12m3. Phấn đấu sản lượng đạt 11.234
tấn (trong đó: sản lượng cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao đạt 995 tấn).
1.2.3- Đối với nuôi cá lồng/bè
trên sông
- Đến năm 2020, số lồng nuôi thủy
sản trên sông 874 lồng, năng suất bình quân đạt 0,27 tấn/lồng 9-12m3.
Sản lượng 249 tấn (trong đó: cá đặc sản chiếm trên 70% sản lượng).
- Đến năm 2025, số lồng nuôi thủy
sản trên sông 370 lồng, năng suất bình quân 0,33 tấn/lồng 9-12m3. Sản
lượng 123 tấn (trong đó: cá đặc sản chiếm trên 74%).
1.3. Về khai thác, bảo tồn
và phát triển nguồn lợi thủy sản
- Triển khai các hoạt động về
quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo Quyết định số
188/QĐ-TTg ngày 13/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện nghiêm việc cấm sử
dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ
nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới (Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014
của Thủ tướng Chính phủ); Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản quy phạm
pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy
sản, ưu tiên thả giống cá đặc sản; bảo tồn nguồn gen giống cá đặc sản của tỉnh.
2. Giải
pháp chủ yếu
2.1. Về giống thủy sản
- Xây dựng hệ thống sản xuất giống
cá đặc sản đạt tiêu chuẩn tại 01 Trại sản xuất trực thuộc Trung tâm Thủy sản
(Trại cá Hoàng Khai); cải tạo, nâng cấp thành Trung tâm giống thủy sản cấp I.
- Tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng
tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế
cao, làm chủ được công nghệ sản xuất các giống cá: Chiên, Lăng Chấm, Rầm Xanh,
Anh Vũ, Chạch sông, Bỗng bằng phương pháp sinh sản nhân tạo để đảm bảo đáp ứng
được nhu cầu về giống cá đặc sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh; tăng cường
liên kết với các cơ quan chuyên môn, các viện nghiên cứu và các trung tâm giống
để nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất giống cá đặc sản, cá có giá trị
kinh tế cao.
- Đối với giống cá đặc sản đã
cho sinh sản nhân tạo thành công, sớm hoàn thiện hồ sơ, trình công bố tiêu chuẩn
kỹ thuật để triển khai nhân rộng các mô hình.
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao
năng lực và cập nhật kiến thức, công nghệ sản xuất giống mới cho cán bộ quản
lý, công nhân viên của Trung tâm Thủy sản tỉnh.
- Đầu tư nghiên cứu phát triển
giống, nhập giống mới, công nghệ mới để rút ngắn thời gian sản xuất. Vận hành
và sử dụng có hiệu quả các Trại sản xuất giống thủy sản.
- Tăng cường quản lý chất lượng
giống thủy sản theo Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 về quản lý giống
thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy
sản; thực hiện tốt công tác kiểm dịch giống thủy sản theo quy định tại Thông tư
26/2016/TT- BNNPTNT ngày 30/6/2016 Quy định về kiểm dịch động vật thủy sản, sản
phẩm động vật thủy sản.
2.2. Về nuôi trồng thủy sản
- Đối với ao hồ nhỏ chuyên nuôi
thủy sản: Nuôi thâm canh, bán thâm canh đối với các loài cá truyền thống (cá Rô
phi, cá Trắm, cá Chép,...). Nâng cao năng suất, sản lượng cá tại ao, hồ nuôi quảng
canh hiện có, trên cơ sở nâng cấp hệ thống thủy lợi, áp dụng công nghệ nuôi
tiên tiến. Nuôi các loài cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều
kiện tự nhiên theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
- Đối với nuôi cá lồng/bè hồ thủy
điện: Nghiên cứu, thuần hóa, nuôi khảo nghiệm cá Rầm Xanh, Anh Vũ trong lồng tại
nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp, dự kiến đến năm 2024 hoàn thiện được hướng dẫn
kỹ thuật nuôi thương phẩm. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi cá lồng
với số lượng hợp lý. Phương thức nuôi đơn loài, sử dụng thức ăn công nghiệp, thức
ăn sẵn có tại địa phương để nuôi các loài cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao
(cá Bỗng, cá Lăng, cá Quả,...); tập trung phát triển các loài cá đặc sản (cá
Chiên), cá có giá trị kinh tế cao trên hồ thủy điện trên sông Lô, sông Gâm thuộc
địa phận huyện Hàm Yên, Yên Sơn; phát triển lồng nuôi có kích cỡ lớn (trên 100m3);
đẩy mạnh liên kết sản xuất, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong
phát triển chuỗi giá trị cá đặc sản.
- Đối với nuôi cá lồng/bè trên
sông: Phát triển nuôi cá lồng, bè trên sông Lô-Gâm ở những nơi phù hợp, phương
thức nuôi chủ yếu là đơn loài, đối tượng nuôi là các loài cá đặc sản (cá Chiên,
cá Lăng Chấm).
2.3. Về khoa học và công
nghệ
- Trên cơ sở những đề tài khoa
học đã được ứng dụng, thực hiện thành công, hoàn thiện quy trình sản xuất giống
cá đặc sản bằng phương pháp sinh sản nhân tạo các loài cá đặc sản, cá có giá trị
kinh tế cao (như cá: Chiên, Lăng Chấm, Anh Vũ, Rầm Xanh, Chạch sông,...) từng
bước đáp ứng nhu cầu về con giống cho các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
- Chuyển giao tiến bộ khoa học
kỹ thuật, hỗ trợ người dân kết nối, tiếp cận với các dịch vụ nghiên cứu, chuyển
giao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi thương phẩm các đối tượng thủy sản đặc
sản, cá có giá trị kinh tế cao; chuyển giao kỹ thuật cho nông dân về nuôi nâng
cao năng suất, chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Tập trung nghiên cứu công nghệ
chế biến, bảo quản các sản phẩm thủy sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản
và mở rộng thị trường tiêu thụ.
2.4. Tổ chức hoạt động sản
xuất thủy sản
- Phát triển các hình thức tổ
chức sản xuất, dịch vụ; hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã và trang trại. Tổ chức
sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó doanh
nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết
theo chuỗi giá trị.
- Khuyến khích các tổ chức, cá
nhân nuôi trồng thủy sản trên sông, hồ thủy điện thành lập tổ chức xã hội nghề
nghiệp như: Hội nuôi nuôi cá lồng trên sông, hồ thủy điện… để bảo vệ quyền lợi
và quản lý nhãn hiệu tập thể, giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đồng
thời tăng cường sự giám sát tuân thủ quy định pháp luật của cộng đồng, góp phần
cùng tham gia vào công tác quản lý, nâng cao ý thức trong việc tuân thủ đúng kỹ
thuật đối với nuôi trồng thủy sản ở địa phương.
- Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản
theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn với sản
lượng hàng hoá lớn.
2.5. Về chế biến, tiêu thụ
sản phẩm thủy sản
2.5.1- Về chế biến thủy sản
- Khuyến khích các doanh nghiệp,
hợp tác xã nuôi trồng thủy sản sơ chế, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm thủy sản,
đặc biệt là mặt hàng chế biến sẵn phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; thực hiện
đăng ký nhãn hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản; tăng cường công
tác quảng bá thương hiệu; mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm.
- Thực hiện chế biến, tiêu thụ
thủy sản trong mối liên kết chuỗi sản xuất nuôi trồng, khai thác và chế biến,
thương mại sản phẩm thủy sản, tập trung chế biến các loài cá đặc sản, cá có giá
trị kinh tế cao.
2.5.2- Về tiêu thụ sản phẩm
- Duy trì và mở rộng các kênh
tiêu thụ thủy sản tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối.
- Đưa các sản phẩm cá đặc sản,
cá có giá trị kinh tế cao được xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý
và truy xuất nguồn gốc vào các kênh phân phối như: siêu thị, các cửa hàng thực
phẩm sạch tại các thành phố lớn và hướng tới xuất khẩu.
2.6 Xây dựng, quảng bá và
bảo vệ thương hiệu, xúc tiến thương mại, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm
- Tuyên truyền, quảng bá sản phẩm
cá đặc sản của tỉnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường
công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cá đặc sản đến với thị trường
các tỉnh, thành phố; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản
phẩm.
- Xây dựng, quản lý và phát triển
nhãn hiệu chứng nhận thủy sản hồ thủy điện Tuyên Quang; chỉ dẫn địa lý cá đặc sản
tỉnh Tuyên Quang tạo thành sản phẩm thủy sản đặc trưng của tỉnh; xây dựng và gắn
mã code QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
2.7. Nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực cho sản xuất thủy sản và hoạt động khuyến ngư
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập
huấn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật của các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản
trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng các dự án khuyến
ngư, trong đó tập trung hỗ trợ, chuyển giao các giống cá có chất lượng và năng
suất cao vào sản xuất và nuôi thương phẩm.
2.8. Giải pháp về sản xuất
và cung ứng thức ăn
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh thức ăn thuỷ sản có chất lượng
tốt. Khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản sử dụng máy chế biến thức ăn nhằm
tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
2.9. Giải pháp về bảo vệ
và phát triển nguồn lợi thủy sản
- Tiếp tục triển khai các dự án
sinh sản nhân tạo đối với cá đặc sản, cá bản địa quý hiếm để chủ động nguồn giống
thả ra vùng nước tự nhiên; bảo tồn nguồn gen cá bản địa quý hiếm của tỉnh và của
quốc gia; đăng ký thực hiện bảo tồn, lưu giữ nguồn gen một số đối tượng cá bản
địa quý hiếm với Bộ Khoa học và Công Nghệ, Tổng cục Thuỷ sản, Sở Khoa học và
Công nghệ tỉnh và các cơ quan có liên quan để bảo tồn được nguồn gen các loài
cá bản địa quý hiếm của tỉnh.
- Xây dựng các mô hình đồng quản
lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên sông, hồ thủy điện nhằm bảo vệ nguồn lợi
thủy sản tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển thủy
sản bền vững.
III. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
Tổng nhu cầu vốn: 63.320 triệu
đồng, trong đó:
- Nguồn ngân sách Trung ương:
26.790 triệu đồng.
- Nguồn ngân sách địa phương:
11.020 triệu đồng.
- Nguồn huy động khác (doanh
nghiệp, dân đóng góp,...): 25.510 triệu đồng.
1. Giai đoạn 2019 - 2020:
10.600 triệu đồng, cụ thể:
- Ngân sách Trung ương: 2.155
triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 2.750
triệu đồng.
- Nguồn huy động khác (doanh
nghiệp, dân đóng góp,...): 5.695 triệu đồng.
2. Giai đoạn 2021 - 2025:
52.720 triệu đồng, cụ thể:
- Ngân sách Trung ương: 23.835
triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 8.270
triệu đồng.
- Nguồn huy động khác (doanh
nghiệp, dân đóng góp,...): 20.615 triệu đồng.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện,
thành phố để triển khai thực hiện Đề án; xây dựng các dự án; rà soát các cơ chế
chính sách liên quan đến phát triển thủy sản của tỉnh trình cấp có thẩm quyền
xem xét, phê duyệt.
2. Sở Tài chính: Chủ
trì, phối hợp với Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tham mưu phân bổ
các nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định, thực hiện các dự án thành phần
của Đề án Phát triển thủy sản, giai đoạn 2019 - 2025.
3. Sở Khoa học và Công
nghệ:
- Hướng dẫn đăng ký, xây dựng
các đề tài, dự án thủy sản, trong đó ưu tiên cá đặc sản tham gia các chương
trình: Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi; Bảo tồn nguồn gen cá bản địa
quý hiếm của tỉnh gửi Bộ Khoa học và Công nghệ theo thời gian quy định.
- Phối hợp với Sở Tài chính đề
xuất ưu tiên bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ thực hiện các đề tài
nghiên cứu, dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống cá đặc sản,
xây dựng nhãn hiệu tập thể cá sông Lô - Gâm và cá hồ thủy điện Tuyên Quang.
- Chủ động mời gọi các nhà khoa
học, các tổ chức khoa học và công nghệ liên kết nghiên cứu, thực hiện các đề
tài khoa học, chuyển giao công nghệ để phát triển sản xuất giống thủy sản truyền
thống, giống cá đặc sản có chất lượng tốt, sạch bệnh để cung cấp cho nhu cầu
nuôi thương phẩm.
4. Trung tâm xúc tiến đầu
tư, Sở Công Thương: Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu,
tiêu thụ sản phẩm thủy sản (đặc biệt là sản phẩm cá đặc sản); tạo điều kiện cho
các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản tiếp cận với thị trường
trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
5. Sở Tài nguyên và Môi
trường: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm hướng
dẫn các huyện, thành phố, các tổ chức nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh
trong việc lập hồ sơ giao, cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định
của Luật Đất đai và các quy định khác có liên quan.
6. Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố
- Xây dựng kế hoạch thực hiện
các nội dung trong Đề án phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
- Vận dụng linh hoạt cơ chế,
chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa
phương để thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa
bàn.
- Tạo điều kiện thuận lợi để
thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước
ngoài tham gia đầu tư phát triển thủy sản.
- Bố trí bổ sung nguồn vốn ngân
sách địa phương để tổ chức thực hiện các nội dung, chương trình phát triển nuôi
trồng thủy sản tại địa phương.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân huyện, thành phố và các cơ quan đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (báo cáo)
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư; (báo cáo)
- Bộ Tài chính; (báo cáo)
- Thường trực Tỉnh uỷ; (báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (báo cáo)
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh; (báo cáo)
- UBMT Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh;
- Như Điều 3;
- Các Phó VP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng Tin học - Công báo;
- Chuyên viên NLN;
- Lưu VT, (Hòa)
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đình Quang
|
PHỤ LỤC:
DANH MỤC MỘT SỐ DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định phê duyệt Đề án phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang
giai đoạn 2019-2025)
1. Dự án đầu tư xây dựng
hệ thống sinh sản nhân tạo các loài cá đặc sản và hệ thống ương dưỡng cá giống
tại Trại cá Hoàng Khai thuộc Trung tâm Thủy sản tỉnh phù hợp với đặc điểm sinh
học của các loài cá đặc sản.
2. Dự án xây dựng lồng
ương dưỡng cá đặc sản tại những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp với đặc tính
sinh học của cá đặc sản.
3. Dự án lưu giữ, sinh sản
nhân tạo một số loài cá bản địa quý hiếm (cá Anh Vũ, cá Bỗng, cá Chiên, cá Lăng
Chấm, cá Rầm Xanh, cá Chạch sông) để lưu giữ, bảo tồn nguồn gen và phát triển
công nghệ sản xuất giống cá đặc sản tại cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện thuộc
Trung tâm Thủy sản.
4. Đề tài nghiên cứu, tiếp
nhận các quy trình kỹ thuật sản xuất giống đối với các loài có giá trị kinh tế
cao (cá Chạch sông, Nheo, Quả, Lăng Đen...).
5. Dự án nuôi thương phẩm
các loài cá đặc sản (cá Anh Vũ, Bỗng, Chiên, Lăng Chấm, Rầm Xanh) ở các loại
hình mặt nước phù hợp.
6. Dự án phát triển sản
xuất thủy sản hàng hóa theo chuỗi khép kín gắn với loại hình tổ chức sản xuất
tiên tiến từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
7. Dự án nuôi trồng thủy
sản theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường gắn với du lịch sinh thái,
du lịch cộng đồng.
8. Dự án quan trắc và cảnh
báo môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản.
9. Dự án xây dựng mô
hình đồng quản lý nghề cá trên sông Lô - Gâm, hồ thủy điện Tuyên Quang nhằm bảo
vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh
Tuyên Quang.
10. Dự án thả cá tái tạo
nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2020-2025.
11. Dự án xây dựng nhãn
hiệu cá đặc sản tỉnh Tuyên Quang gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý cá đặc sản tỉnh
Tuyên Quang.
12. Dự án xây dựng, quản
lý và phát triển nhãn hiệu tập thể thủy sản hồ thủy điện Tuyên Quang.