Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2014 tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 19/CT-TTg |
Ngày ban hành | 30/07/2014 |
Ngày có hiệu lực | 30/07/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Hoàng Trung Hải |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2014 |
CHỈ THỊ
TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 01/1998/CT-TTG NGÀY 02 THÁNG 01 NĂM 1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC NGHIÊM CẤM SỬ DỤNG CHẤT NỔ, XUNG ĐIỆN, CHẤT ĐỘC ĐỂ KHAI THÁC THỦY SẢN VÀ TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRONG THỜI GIAN TỚI
Để bảo tồn, bảo vệ các loài thủy sản quý, hiếm, có giá trị kinh tế; các hệ sinh thái đặc thù, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ngày 02 tháng 01 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản quy định cấm hành vi sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện và các phương pháp có tính hủy diệt khác trong hoạt động thủy sản. Căn cứ Luật Thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2012 về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.
Do công tác quản lý được tăng cường, hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản từng bước được ngăn chặn. Tuy nhiên, tình hình sử dụng xung điện khai thác thủy sản vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt là tại một số thủy vực hồ tự nhiên, hồ chứa thủy điện; thủy lợi, sông, suối vùng nội đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; tác động xấu đến các hệ sinh thái đặc thù. Nguyên nhân chính là công tác chỉ đạo quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thực sự quyết liệt ở một số địa phương; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng triển khai chưa đồng bộ.
Để triển khai thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Luật Thủy sản, tiếp tục ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ, ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Trước mắt tập trung thanh tra, kiểm tra tại các tỉnh nội đồng và vùng ven biển.
2. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xác định vùng cấm, thời gian và ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản; thành lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020; các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng nhằm phục hồi các hệ sinh thái điển hình như rừng ngập mặn, san hô, cỏ biển, các bãi giống, bãi đẻ của giống loài thủy sản tại các thủy vực tự nhiên.
3. Thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, hàng năm thả bổ sung giống ra các thủy vực ngoài tự nhiên. Giai đoạn đầu tập trung thả bổ sung một số loài thủy sản bản địa, loài có giá trị kinh tế nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài đã bị khai thác cạn kiệt tại các lưu vực sông và hồ chứa trên phạm vi toàn quốc.
4. Tập trung tuyên truyền sâu, rộng nội dung Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg đến mọi tầng lớp cán bộ, công, nông, ngư dân; các tổ chức đoàn thể, xã hội từ Trung ương đến địa phương. Lồng ghép, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg với Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, Ban, ngành Trung ương và chính quyền địa phương triển khai phổ biến Luật Thủy sản và các quy định của Chính phủ về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh trong việc vận động, tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đấu tranh ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản bằng chất nổ, chất độc, xung điện và các ngư cụ bị cấm sử dụng. Chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sử dụng chất nổ, xung điện, các phương tiện và các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản tại các thủy vực ngoài tự nhiên.
6. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng Cảnh sát biển và Công an phối hợp với lực lượng Thanh tra, Kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương; chính quyền địa phương các cấp tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xung điện, chất nổ, các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, Đài phát thanh, Đài truyền hình từ trung ương đến địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản; các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
8. Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ, các Sở Công thương trong toàn quốc thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển chất nổ công nghiệp trái phép.
9. Bộ Tài chính bố trí kinh phí hàng năm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ liên quan theo phân cấp ngân sách hiện hành để thực hiện các hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản; tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư thuộc nhiệm vụ chi của Trung ương.
10. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bố trí vốn đầu tư cho các nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia do Trung ương quản lý.
11. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Có kế hoạch và phân công cụ thể cho các Ban, ngành và các lực lượng có chức năng kiểm tra, kiểm soát ở địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về cấm sử dụng chất nổ, xung điện vào khai thác thủy sản. Đồng thời tiến hành rà soát, bổ sung và lập quy hoạch khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản; xây dựng các khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa; xây dựng và hình thành các mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng do địa phương quản lý. Bố trí ngân sách địa phương theo phân cấp hiện hành để thực hiện các hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản; tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư thuộc nhiệm vụ chi của địa phương.
12. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện, tổng hợp tình hình và kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan triển khai, thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |