Quyết định 2729/QĐ-UBND năm 2011 về Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia Bình đẳng giới giai đoạn 2012-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành

Số hiệu 2729/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/12/2011
Ngày có hiệu lực 09/01/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Nguyễn Thảo
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2729/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 30 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI GIAI ĐOẠN 2012-2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bình đẳng giới ngày 29/11/2006;

Căn cứ Quyết định số 2351/QĐ-TTg, ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ vế việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đọan 2011–2015;

Căn cứ Quyết định số 1241/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ vế việc phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đọan 2011–2015;

Xét đề nghị của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 2067 /TTr-SLĐTBXH, ngày 08/12/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2012-2015.

Điều 2. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh và UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này../.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thảo

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2012–2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2729/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

A. ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH VÀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG THỜI GIAN QUA

I. ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH

1. Thuận lợi

Trong những năm qua, tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh tiếp tục chuyển biến ở hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế ổn định và phát triển; các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội đều đạt kết quả tốt; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác bảo đảm an sinh xã hội được đẩy mạnh, các hoạt động chăm lo cho đối tượng chính sách, hộ nghèo được tăng cường tốt hơn; nhiều vấn đề xã hội bức xúc cơ bản được giải quyết...Trong đó, lực lượng nữ đóng vai trò tích cực. Thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội tỉnh Đảng bộ Tây Ninh lần thứ IX đã tạo thời cơ và vận hội mới; các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ngày càng phù hợp, đi vào cuộc sống, tạo động lực cho các ngành, các địa phương phát triển, giúp cho công tác bình đẳng giới được thực hiện thuận lợi hơn. Nhận thức của cả hệ thống chính trị về bình đẳng giới ngày càng được tăng cường. Bình đẳng giới được nhận thức không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của công cuộc đổi mới. Sự tham gia của cộng đồng vào các vấn đề xã hội theo tinh thần xã hội hóa được mở rộng hơn. Hệ thống chính sách, tổ chức bộ máy thực hiện bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện.

Với những thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW, ngày 07/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Tây Ninh đến năm 2010, các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ mà tỉnh đề ra đã đạt được những kết quả quan trọng. Vai trò, địa vị của phụ nữ trong tỉnh được nâng lên một bước. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đã được cải thiện tích cực, thể hiện rõ nhất ở tỷ lệ nữ tham gia vị trí lãnh đạo ở các cấp, lực lượng nữ tham gia quản lý nhà nước ngày càng tăng và từng bước khẳng định được vị thế của mình; khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động - việc làm đã được cải thiện, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Phụ nữ tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng ngày tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho gia đình và xã hội; trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoảng cách giới trong các cấp học, bậc học dần được thu hẹp, tỷ lệ nữ được học tập nâng cao trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ ngày càng tăng. Trong lĩnh vực y tế, bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn là trọng tâm của tỉnh. Sức khỏe bà mẹ không ngừng được cải thiện, tỷ suất mẹ chết có liên quan đến thai sản đã giảm dần qua các năm, tỷ lệ phụ nữ tiếp cận với các dịch vụ y tế tăng. Trong lĩnh vực văn hóa, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có nhiều đổi mới, cải tiến về nội dung và chất lượng.

Các sáng kiến, mô hình về thực hiện bình đẳng giới ngày càng phong phú, được tổng kết, rút kinh nghiệm và vận dụng trong thực tế, từ đó, góp phần xóa bỏ khoảng cách giới. Trong gia đình, vị trí, vai trò của phụ nữ được tôn trọng và được tham gia nhiều vào các quyết định quan trọng, nam giới ngày càng ý thức hơn trách nhiệm xây dựng một gia đình bình đẳng, hạnh phúc.

2. Khó khăn

Trong thời gian qua, với quyết tâm cao, mặc dù đã đạt và vượt một số chỉ tiêu, mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, song Tây Ninh vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn và thử thách lớn trong việc thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong giai đoạn tới.

- Những định kiến và chuẩn mực cũ xuất phát từ tư tưởng “Trọng nam, khinh nữ” tồn tại trong ý thức, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, hạn chế các cơ hội học hành ở trẻ em gái, chưa tạo những điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội và có địa vị, thu nhập bằng với nam giới. Tình hình ngược đãi và bạo lực gia đình vẫn tồn tại cả ở thành thị và nông thôn và trong tất cả các nhóm xã hội.

- Công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn thiếu cả về kiến thức và kinh nghiệm để thực hiện. Bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ của các cấp mới củng cố, kiện toàn, cán bộ thiếu kiến thức, kỹ năng để triển khai công việc được giao ...

Bên cạnh đó, những vấn đề xã hội liên quan trực tiếp đến phụ nữ đã nảy sinh như: Tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong phụ nữ và trẻ em; phụ nữ lấy chồng nước ngoài vì mục đích vụ lợi, mặt khác ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng làm phát sinh tình trạng nghèo, đói, thất học, không có việc làm.... phụ nữ và trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp.

[...]