Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2726/QĐ-UBND năm 2015 về Đề án củng cố tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Số hiệu 2726/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/12/2015
Ngày có hiệu lực 21/12/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Cao Văn Trọng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2726/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 21 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN CỦNG CỐ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC HỘI QUẦN CHÚNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Kết luận số 102-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Bộ Chính trị (Khoá XI) về hội quần chúng;

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP;

Căn cứ Kế hoạch số 333-KH/TU ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ tại Công văn số 77-CV/TU ngày 26 tháng 11 năm 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2688/TTr-SNV ngày 10 tháng 12 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án củng cố tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện Đề án.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

ĐỀ ÁN

CỦNG CỐ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC HỘI QUẦN CHÚNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2726/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

I. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC HỘI QUẦN CHÚNG

1. Tình hình tổ chức và hoạt động:

- Thời gian qua, các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh về số lượng và đa dạng về lĩnh vực hoạt động. Tính đến 20/12/2014, toàn tỉnh có 1.451 hội quần chúng, bao gồm: 43 hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, 103 hội có phạm vi hoạt động trong huyện và 1.309 hội có phạm vi hoạt động trong xã; 59 hội được xác định có tính chất đặc thù (hoạt động trong phạm vi tỉnh: 16, hoạt động trong phạm vi huyện: 43). Tổng số hội viên: 352.870 người; tổng số người làm việc chuyên trách tại hi: 1.785 người; số biên chế được cơ quan có thm quyền giao: 138 người (tnh: 57; huyện: 81). Các hội khi thành lập có tuân thủ điều kiện, thủ tục và cơ cấu tổ chức theo quy định của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và các văn bản của Trung ương, của tỉnh. Ban lãnh đạo được bầu theo nhiệm kỳ, điều hành hoạt động của hội theo Điều lệ và theo quy định của pháp luật. Việc thay đổi nhân sự, pháp nhân, sửa đổi, bổ sung Điều lệ hội đều có báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Phụ lục I);

- Đa số các hội trên địa bàn tỉnh hoạt động nhờ vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Mức hỗ trợ tuỳ thuộc vào lĩnh vực hoạt động, nhiệm vụ được giao và khả năng ngân sách của địa phương. Một số hội thực hiện tốt việc gây quỹ hội trên cơ sở hội phí của hội viên và nguồn thu từ dịch vụ công theo quy định của pháp luật, để tự trang trải kinh phí cho tổ chức và hoạt động. Đối với các hội được giao biên chế thì người làm công tác hội được xếp lương theo ngạch công chức, viên chức, được nâng lương thường xuyên, nâng lương trước hạn và được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Đối với người làm công tác hội có tính chất đặc thù thì hưởng chế độ thù lao theo Công văn 162/UBND-VHXH ngày 13/01/2012 của UBND tỉnh. Đối với người làm công tác hội không có tính chất đặc thù hưởng chế độ theo Công văn số 2030/UBND-VHXH ngày 02/6/2010 của UBND tỉnh. Riêng đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã thì chỉ có Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ được hưởng thù lao như những người hoạt động không chuyên trách; các tổ chức hội còn lại không có thù lao;

- Các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh hoạt động theo quy định của pháp luật và tuân thủ tôn chỉ, mục đích trong Điều lệ hội đã được phê duyệt; đảm bảo quyền và lợi ích của các hội viên khi tham gia tổ chức hội. Thực hiện các nguyên tắc hoạt động: Tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, không vì mục đích lợi nhuận; hội hoạt động thuộc lĩnh vực nào chịu sự quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực đó; hàng quý, 6 tháng, năm có báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động cho UBND và cơ quan có liên quan; việc sử dụng kinh phí, báo cáo quyết toán tài chính của hội đều có gửi cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhìn chung, các hội quần chúng có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trên nhiều phương diện: Tập hợp, phản ánh yêu cầu, nguyện vọng và chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; tích cực tuyên truyền, tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy tính dân chủ và huy động các nguồn lực để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

2. Những tồn tại, hạn chế:

- Các tổ chức hội phát triển nhanh về số lượng, nhưng một số hội có hiệu quả hoạt động chưa cao, đặc biệt là hội cấp xã; chưa cải tiến nội dung, phương thức hoạt động nên còn mang tính hình thức; quản lý hội viên chưa chặt chẽ; một số hội chưa đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động; thiếu gắn kết và phối hợp với các ngành nên vai trò, vị thế, uy tín còn hạn chế;

- Có hội thành lập chưa đúng quy định; có hội thành lập, nhưng không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, chưa thu hút, tập hợp được nhiều hội viên; một số hoạt động chưa được các hội viên đồng tình, ủng hộ; Ban lãnh đạo hội chưa phát huy vai trò nòng cốt, năng động, sáng tạo trong điều hành hoạt động; chế độ thông tin, báo cáo về tổ chức và hoạt động, về tài chính… cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương chưa được thực hiện tốt;

- Một số hội có tên gọi, tôn chỉ, mục đích giống như hội có tính chất đặc thù, hoạt động trong phạm vi tỉnh, được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động, nhưng do huyện cho phép thành lập, đồng thời, thành lập sau khi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định hội có tính chất đặc thù có hiệu lực, nên chưa đủ cơ sở để xác định là hội có tính chất đặc thù. Từ đó dẫn đến tình trạng, cùng một hội, nhưng chế độ, chính sách khác nhau, tạo sự so bì giữa các hội;

- Kinh phí hoạt động, chế độ thù lao cho các chức danh chuyên trách của các hội, chế độ, chính sách đối với những người được điều động từ các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, sang làm việc tại các tổ chức hội, còn nhiều bất cập; một số hội chưa đảm bảo được các điều kiện về cơ sở vật chất để hoạt động, như: Phòng làm việc, bàn ghế, tủ hồ sơ, máy tính; nhất là các hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

[...]