Quyết định 27/2008/QĐ-BGTVT về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 27/2008/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 04/12/2008
Ngày có hiệu lực 07/01/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Hồ Nghĩa Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------

Số: 27/2008/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành Giao thông vận tải đường thủy nội địa trong phạm vi cả nước.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu, được hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có tên giao dịch viết bằng tiếng Anh: VIETNAM INLAND WATERWAYS ADMINISTRATION, viết tắt là VIWA.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án quốc gia, các đề án phát triển về giao thông vận tải đường thủy nội địa.

2. Chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật khác về giao thông vận tải đường thủy nội địa; ban hành theo thẩm quyền các văn bản quản lý chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa.

3. Xây dựng trình Bộ trưởng ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, và quy chế quản lý chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.

4. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải đường thủy nội địa.

5. Về kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa:

a) Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đã được Bộ trưởng phê duyệt;

b) Trình Bộ trưởng quyết định phân cấp quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, tổ chức quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia;

c) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa do Bộ quyết định đầu tư hoặc được phân cấp;

d) Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa;

đ) Trình Bộ trưởng công bố đóng, mở cảng thủy nội địa, vùng đón trả hoa tiêu đối với cảng đường thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài và công bố đóng, mở tuyến đường thủy nội địa. Thực hiện việc công bố cảng thủy nội địa, cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa và thông báo luồng giao thông đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật;

e) Cho ý kiến bằng văn bản đối với các dự án xây dựng công trình trên đường thủy nội địa quốc gia theo quy định của pháp luật;

g) Hướng dẫn cơ quan chuyên ngành của địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa địa phương. Tổng hợp tình hình phát triển, quản lý, bảo trì hệ thống đường thủy nội địa trong phạm vi cả nước.

6. Về phương tiện thủy nội địa:

a) Trình Bộ trưởng quy định đăng ký và quản lý các loại phương tiện thủy nội địa;

b) Hướng dẫn thực hiện việc đăng ký, quản lý phương tiện thủy nội địa (trừ phương tiện, thiết bị phục vụ vào mục đích an ninh, quốc phòng và tàu cá).

7. Về đào tạo, sát hạch, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trong Giao thông vận tải đường thủy nội địa (trừ người điều khiển phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ vào mục đích an ninh, quốc phòng và tàu cá):

a) Trình Bộ trưởng quy định điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và người vận hành phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong giao thông vận tải đường thủy nội địa.

b) Trình Bộ trưởng quy định nội dung chương trình đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho thuyền viên, người lái phương tiện và người vận hành phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong giao thông vận tải đường thủy nội địa; quy định việc sát hạch, cấp và quản lý bằng, chứng chỉ chuyên môn đối với thuyền viên, người lái phương tiện trong giao thông vận tải đường thủy nội địa.

[...]