Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 2639/QĐ-UBND năm 2011 về Kế hoạch phát triển văn hóa giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành

Số hiệu 2639/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/12/2011
Ngày có hiệu lực 01/01/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2639/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 22 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA GIAI ĐOẠN 2012-2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 06/5/2009 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới;

Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg, ngày 05/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015 định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết 05/2005/NQ-CP, ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại tờ trình số 86/TTr-SVHTTDL, ngày 23 tháng 11 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch phát triển văn hóa giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Lưu Quang

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN VĂN HÓA GIAI ĐOẠN 2012-2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2639/QĐ-UBND, ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh)

I. Thực trạng hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006-2011

1. Những kết quả đạt được:

Trong những năm qua, với tác động tiêu cực của tình trạng suy thoái kinh tế thế giới cũng như trong nước, cùng những khó khăn nội tại của tỉnh nhà, nhưng với tinh thần đoàn kết nhất trí, chủ động khắc phục khó khăn, hoạt động văn hóa trong tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Kế hoạch phát triển văn hóa của tỉnh giai đoạn 2006-2010. Một số kết quả tiêu biểu đạt được như sau:

a) Hoạt động bảo tồn, bảo tàng và phát huy các giá trị di sản, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản được chú trọng và quan tâm đúng mức. Việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa không dừng lại ở trách nhiệm của một ngành, một địa phương mà đã có sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, các ngành, các cấp. Đặc biệt, từ khi triển khai Đề án phân cấp quản lý di tích, tình trạng xâm hại di tích được phát hiện và xử lý kịp thời. Đến ngày 30 tháng 10 năm 2011, toàn tỉnh kiểm kê 365 di tích, lập hồ sơ xếp hạng 57 di tích cấp tỉnh, 23 di tích được công nhận cấp quốc gia; 65,2% di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 59,6% di tích cấp tỉnh đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp.

Hoạt động bảo tàng, giáo dục truyền thống từng bước được nâng lên về chất lượng, địa bàn hoạt động được mở rộng đến cơ cở.

Di sản văn hóa phi vật thể được gìn giữ và phát huy, có 04 chương trình nghiên cứu bảo tồn và đưa vào dữ liệu phi vật thể cấp quốc gia như bảo tồn và phát huy nhạc lễ tôn giáo Cao Đài Tây Ninh, các món ăn chay Tây Ninh, bảo tồn dân ca dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh, điều tra văn hóa phi vật thể Tây Ninh. Các lễ hội truyền thống, trong đó nhiều lễ thức xưa được phục hồi, gìn giữ; lễ hội lịch sử cách mạng được phát huy, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

b) Hệ thống thiết chế văn hóa công lập từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư và ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cơ sở.

Trong những năm qua, các thiết chế văn hóa từng bước được hoàn thiện, hoạt động đi vào nề nếp, nâng cao chất lượng. Đến nay, hệ thống trung tâm văn hóa được xây dựng từ tỉnh đến cơ sở, toàn tỉnh có: 91 Trung tâm văn hóa (01 Trung tâm văn hóa tỉnh, 08 Trung tâm văn hóa - thông tin huyện, 82 Trung tâm văn hóa - thể thao - học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn) và 09 Nhà văn hóa dân tộc; 01 đoàn nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp; 01 Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng; 01 Thư viện tỉnh, 09 Thư viện huyện, 95 tủ sách xã; 01 Bảo tàng tỉnh. Các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện trọng đại của đất nước, sự kiện văn hóa của địa phương, đặc biệt, đã phục vụ tốt cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ XII, XIII, Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Tua Hai,... Đồng thời, thông qua hoạt động các thiết chế văn hóa đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nâng cao mức hưởng thụ, khơi dậy tiềm năng sáng tạo văn hóa trong nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phát triển phong phú.

c) Môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào nề nếp, chất lượng, lớn mạnh, ngày càng được sự quan tâm của Đảng, chính quyền và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Thông qua phong trào, các yếu tố văn hóa và nhân tố con người được coi trọng; quyền làm chủ được phát huy, góp phần đẩy mạnh dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; những nét đẹp truyền thống trong mối quan hệ ứng xử, tình cảm giữa người và người được gìn giữ và ngày càng được nhân rộng; góp phần hình thành đạo đức, nhân cách con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa yêu nước, năng động, sáng tạo và giàu lòng nhân ái. Các giá trị truyền thống tốt đẹp về gia đình Việt Nam được gìn giữ và kế thừa; gia đình văn hóa trở thành lực lượng nồng cốt thực hiện các phong trào thi đua, nhiều gương gia đình văn hóa tiêu biểu trở thành các nhân tố điển hình tiên tiến ở cơ sở. Phong trào đã tập hợp, đoàn kết các lực lượng, khơi dậy và phát huy được tính tích cực sáng tạo, nguồn lực của nhân dân, tạo ra sức mạnh toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đến 30/10/2011, toàn tỉnh có 92,1% ấp văn hóa (tương đương 455 ấp), 93,76% gia đình văn hóa, 26,73% xã, phường, thị trấn văn hóa (tương đương 25 xã, phường, thị trấn), phần lớn các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch.

[...]