BỘ TƯ PHÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2579/QĐ-BTP
|
Hà Nội,
ngày 28 tháng 10 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN “NGÀY PHÁP LUẬT
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” NĂM 2013 CỦA BỘ TƯ PHÁP
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm
2012;
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13
tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04
tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục
pháp luật,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức thực hiện
“Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2013 của Bộ Tư
pháp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế các
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ
Tư pháp, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ liên quan tới
Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thi hành);
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (để báo cáo);
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (để phối hợp);
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Báo Nhân dân;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền (để chỉ đạo thực hiện);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Lưu: VT, Vụ PBGDPL.
|
BỘ TRƯỞNG
Hà Hùng Cường
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC THỰC HIỆN “NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM” NĂM 2013 CỦA BỘ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2579/QĐ-BTP ngày 28 tháng 10 năm 2013 của Bộ
trưởng Bộ Tư pháp)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
1.1. Triển khai thực hiện có hiệu quả quy định về
“Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (sau đây gọi là Ngày
Pháp luật) trong Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị định số 28/2013/NĐ-CP
ngày 04/04/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (Nghị định số 28/2013/NĐ-CP) và các nhiệm
vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2013.
1.2. Thu hút sự quan tâm, nâng cao nhận thức của
toàn xã hội và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị
thuộc Bộ Tư pháp về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật; cổ vũ, khuyến khích
toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Bộ triệt để
tôn trọng, chấp hành Hiến pháp và pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật;
góp phần tạo chuyển biến mới về hiệu quả thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực
hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan Bộ Tư pháp và của ngành Tư pháp.
1.3. Công bố Ngày Pháp luật đầu tiên của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Qua đó, giới thiệu về sự hình thành, mục đích, ý
nghĩa, vai trò của Ngày Pháp luật nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục
ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
2. Yêu cầu
2.1. Quán triệt đầy đủ nội dung, yêu cầu về Ngày
Pháp luật được quy định tại Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị định số
28/2013/NĐ-CP và Công văn số 6902/BTP-PBGDPL ngày 25/9/2013 của Bộ Tư pháp về
việc tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
năm 2013 (sau đây gọi là Công văn số 6902/BTP-PBGDPL).
2.2. Các hoạt động phải được thực hiện đồng bộ,
thống nhất, thiết thực, tiết kiệm, đảm bảo hiệu quả, trong đó xác định cơ quan
Bộ Tư pháp có vai trò trung tâm, nòng cốt để triển khai các hoạt động hưởng ứng
Ngày Pháp luật trong toàn quốc.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI
THỰC HIỆN NGÀY PHÁP LUẬT
1. Tổ chức Lễ công bố Ngày Pháp luật nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt
Nam
1.1. Nội dung:
- Giới thiệu mục đích, ý nghĩa của “Ngày Pháp luật
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;
- Công bố Ngày Pháp luật và chủ đề Ngày Pháp luật
năm 2013;
- Thông tin khái quát về quá trình toàn dân tham
gia xây dựng, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, những nội dung mới
và vai trò của Hiến pháp (sửa đổi) đối với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp
luật, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, cải cách hành
chính những năm tiếp theo.
1.2. Chủ trì: Thủ tướng Chính phủ.
1.3. Thành phần tham dự:
- Mời các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng,
Nhà nước; nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp qua các thời kỳ;
- Đại biểu đại diện Lãnh đạo của các cơ quan, tổ
chức ở Trung ương: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ
đạo cải cách tư pháp Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Pháp luật, Ủy
ban Tư pháp của Quốc Hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước; Tòa án
nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng
Chính phủ;
- Thành viên và Ban Thư ký Hội đồng phối hợp phổ
biến, giáo dục pháp luật Trung ương;
- Đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ và đại diện Lãnh đạo tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận; Trung ương Hội
Luật gia Việt Nam; Liên đoàn Luật sư Việt Nam;
- Đại diện Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội của
63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Đại diện Lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân,
Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội; đại diện Lãnh đạo một số quận, huyện, phường,
xã thuộc địa bàn Hà Nội (theo sự đề xuất của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội);
đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội: Sở Tư
pháp, Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội;
- Đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp;
- Lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Giám đốc Sở Tư
pháp một số tỉnh, thành phố thuộc Vùng Thủ đô gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái
Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình;
- Một số cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và
Hà Nội;
- Đại diện sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội;
Tổng số tham dự: khoảng 400 đại biểu.
1.4. Cơ quan tổ chức thực hiện
- Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch –
Tài chính và các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền
hình Việt Nam.
1.5. Thời gian, địa điểm tổ chức Lễ công bố:
- Thời gian: Ngày 09/11/2013 (buổi sáng);
- Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11A
Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.
2. Tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến
về Ngày Pháp luật
2.1. Thông tin về mục đích, ý nghĩa, nội dung,
hình thức tuyên truyền về Ngày Pháp luật tại Hội nghị giao ban Tổng biên tập
các cơ quan báo chí Trung ương
- Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Đơn vị phối hợp: Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban
Tuyên giáo Trung ương;
- Thời gian thực hiện: Ngày 29/10/2013.
2.2. Tổ chức họp báo tại Bộ Tư pháp thông tin về
việc tổ chức Ngày Pháp luật
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ;
- Đơn vị phối hợp: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Thời gian thực hiện: Ngày 17/10/2013 (đã hoàn
thành).
2.3. Tuyên truyền về Ngày Pháp luật trên Cổng
Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các báo, đài,
tạp chí
a) Mở chuyên mục “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp,
trong đó đăng tải các bài viết, bình luận về các chủ đề liên quan đến Ngày Pháp
luật; các tin, bài phản ánh, cập nhật tình hình triển khai thực hiện Ngày Pháp
luật năm 2013 của các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương
- Đơn vị chủ trì: Cục Công nghệ thông tin;
- Đơn vị phối hợp: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
và các đơn vị thuộc Bộ;
- Thời gian thực hiện: bắt đầu từ ngày
21/10/2013.
b) Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải
các bài viết, phóng sự chuyên sâu, bình luận về các chủ đề liên quan đến Ngày
Pháp luật trên Báo Pháp luật Việt Nam; phát hành Báo Pháp luật Việt Nam số đặc
biệt kỷ niệm Ngày Pháp luật đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam; phát hành số Tạp chí Dân chủ và Pháp luật chuyên đề về Ngày Pháp luật
- Đơn vị chủ trì: Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp
chí Dân chủ và Pháp luật;
- Đơn vị phối hợp: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Thời gian thực hiện: bắt đầu từ ngày
21/10/2013.
c) Tổ chức chuyên mục phổ biến, truyền thông về
Ngày Pháp luật thông qua các clip, thông điệp ngắn; thực hiện phóng sự, phỏng vấn,
đưa tin, bài về Ngày Pháp luật; tổ chức Tọa đàm truyền hình với sự tham dự của
Lãnh đạo Bộ Tư pháp và đại diện của một số cơ quan, tổ chức về Ngày Pháp luật
trên Đài Truyền hình Việt Nam
- Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Đơn vị phối hợp: Ban Thư ký – Biên tập, Ban Thời
sự, Đài Truyền hình Việt Nam;
- Thời gian thực hiện: từ ngày 04/11/2013 -
10/11/2013.
d) Tổ chức chuyên mục phổ biến, truyền thông về
Ngày Pháp luật thông qua các phóng sự, các tin, bài, trả lời phỏng vấn về Ngày
Pháp luật trên Đài Tiếng nói Việt Nam
- Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Đơn vị phối hợp: Ban Thư ký – Biên tập, Hệ Thời
sự - Chính trị - Tổng hợp, Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Thời gian thực hiện: từ ngày 04/11/2013 -
10/11/2013.
đ) Đăng tải bài viết giới thiệu về mục đích, ý nghĩa,
nội dung, tình hình triển khai Ngày Pháp luật trên Báo Nhân dân, Cổng Thông tin
điện tử Chính phủ
- Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Đơn vị phối hợp: Ban Nội chính, Báo Nhân dân;
Báo Điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Thời gian thực hiện: từ ngày 04/11/2013 -
10/11/2013.
2.4. Biên soạn “Tài liệu về Ngày Pháp luật nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013” của Hội đồng phối hợp phổ biến,
giáo dục pháp luật Trung ương
- Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Đơn vị phối hợp: Báo Pháp luật Việt Nam;
- Thời gian hoàn thành: trước 31/10/2013.
2.5. Biên soạn tờ gấp thông tin, tuyên truyền về
Ngày Pháp luật
- Đơn vị thực hiện: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp
luật;
- Thời gian hoàn thành: trước 31/10/2013.
2.6. Thiết kế mẫu băng rôn, pa - nô, áp phích về
Ngày Pháp luật (đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp để các Bộ,
ngành, đoàn thể, địa phương tham khảo, sử dụng) và tổ chức treo băng rôn, pa -
nô, áp phích về Ngày Pháp luật tại trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp và trụ sở khác của
các đơn vị thuộc Bộ từ 04/11/2013 – 10/11/2013
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ
- Đơn vị phối hợp: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật,
Nhà xuất bản Tư pháp; Cục Văn hóa – Thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch;
- Thời gian thực hiện: hoàn thành trước ngày
31/10/2013.
3. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp
luật trong cơ quan Bộ Tư pháp
3.1. Tổ chức quán triệt về mục đích, ý nghĩa, nội
dung, chủ đề Ngày Pháp luật năm 2013 và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày
Pháp luật cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các
đơn vị thuộc Bộ Tư pháp
a) Trên cơ sở Công văn hướng dẫn số
6902/BTP-PBGDPL, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm quán triệt đến
toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị mình quản
lý; Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chỉ đạo, quán
triệt trong hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương về mục đích, ý
nghĩa, nội dung, chủ đề của Ngày pháp luật năm 2013; cổ vũ, khuyến khích, phát
động phong trào gương mẫu tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật;
b) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các
đơn vị đẩy mạnh tổ chức triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả các hoạt
động thuộc lĩnh vực đơn vị quản lý, trong đó chú trọng các hoạt động: xây dựng
pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, thi
hành án dân sự… Đồng thời, chủ động phổ biến các văn bản pháp luật mới thuộc
lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ kết hợp với phổ biến, thông tin về pháp luật
và thi hành pháp luật trong những lĩnh vực đang được nhân dân quan tâm như: Biển
đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phòng, chống tham nhũng, an toàn giao thông, an
toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết các tranh chấp về đất
đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Qua đó, giáo dục, vận động cán bộ, công chức,
viên chức và người lao động nâng cao ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành pháp
luật, ý thức bảo vệ pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện
nhiệm vụ chính trị của cơ quan Bộ nói riêng và của Ngành Tư pháp nói chung;
c) Cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc
Bộ và trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trong phạm vi công
tác chuyên môn tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật; có các
tin, bài viết nghiên cứu chuyên sâu nhằm phổ biến sâu rộng về vị trí, vai trò của
Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội, những quan điểm,
nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, những luật mới được ban
hành do Ngành Tư pháp chủ trì soạn thảo và các văn bản quan trọng thuộc lĩnh vực
công tác cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến.
- Đơn vị thực hiện: Các đơn vị thuộc Bộ;
- Thời gian thực hiện: Từ ngày 04/11/2013 -
10/11/2013.
3.2. Tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật
trong cán bộ, giáo viên, sinh viên, học viên Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư
pháp và các trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp
- Đơn vị thực hiện: Đại học Luật Hà Nội, Học viện
Tư pháp và các trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp;
- Thời gian thực hiện: từ 04/11/2013 –
10/11/2013.
3.3. Tổ chức Lễ phát động phong trào hưởng ứng
Ngày Pháp luật trong đoàn viên, thanh niên của Bộ Tư pháp với sự tham gia của đại
diện các cơ sở đoàn trực thuộc Đoàn Khối Các cơ quan Trung ương
- Đơn vị chủ trì: Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp;
- Đơn vị phối hợp: Ban Tuyên giáo, Đoàn Khối các
cơ quan Trung ương;
- Thời gian thực hiện: từ 04/11/2013 –
10/11/2013.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm
tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng,
hiệu quả. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật có trách nhiệm tổng hợp, hướng dẫn,
theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ triển khai và báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả
việc thực hiện các hoạt động được phân công.
2. Vụ Kế hoạch – Tài chính có trách nhiệm đảm bảo
kinh phí thực hiện nhiệm vụ được xác định trong Kế hoạch này. Nguồn kinh phí thực
hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp năm 2013 và nguồn hỗ trợ hợp pháp khác (nếu
có)./.