Quyết định 2561/QĐ-UBND năm 2012 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020

Số hiệu 2561/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/12/2012
Ngày có hiệu lực 19/12/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Đức Thanh
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2561/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 19 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN NINH SƠN ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Ninh Sơn tại tờ trình số 118/TTr-UBND ngày 31/10/2012 và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 2847/SKHĐT-TH ngày 05/12/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Ninh Sơn đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển kinh tế - xã hội huyện Ninh Sơn được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn với quan hệ kinh tế liên vùng trên trục hành lang Quốc lộ 27 với thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Xây dựng huyện thành vùng trọng điểm về phát triển nông, lâm nghiệp phía Tây của tỉnh.

2. Khai thác tối đa có hiệu quả nguồn nội lực và thu hút các nguồn ngoại lực nhằm khai thác lợi thế về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng, chuyển biến nhanh cơ cấu kinh tế, nâng cao nhịp độ tăng trưởng trong từng ngành, từng lĩnh vực, bảo đảm kinh tế huyện phát triển nhanh và bền vững.

3. Phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần kinh tế. Đa dạng hóa các loại hình sản xuất kinh doanh, tạo ra nội lực vững mạnh và môi trường thuận lợi, đẩy nhanh thu hút vốn đầu tư và công nghệ mới từ bên ngoài.

4. Phát huy yếu tố nguồn lực con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

5. Phát triển bền vững, hài hòa về kinh tế - văn hóa xã hội - quốc phòng an ninh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát: Khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Xây dựng Ninh Sơn trở thành vùng trọng điểm về phát triển nông, lâm nghiệp phía Tây của tỉnh; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của huyện; đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng - an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Về kinh tế:

- Tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành giai đoạn 2011-2015 đạt 13-14%/năm và giai đoạn 2016-2020 đạt 21-22%/năm; trong đó, giai đoạn 2011-2015: Nông, lâm, thuỷ sản tăng 8-9%; công nghiệp - xây dựng tăng 16-17%; dịch vụ tăng 15-16% và giai đoạn 2016-2020 tương ứng tăng 21-22%; 27-28% và 17-18%.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành, công nghiệp – TTCN, giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản. Năm 2015 tỷ trọng ngành nông, lâm, thuỷ sản chiếm 50%; ngành công nghiệp - TTCN chiếm 23%; ngành dịch vụ chiếm 27% và năm 2020 tỷ trọng các ngành tương ứng đạt 41%; 32% và 27%.

- Thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người so với bình quân chung toàn tỉnh. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 18,3 triệu đồng, bằng khoảng 65% mức bình quân của tỉnh và đến năm 2020 đạt 56 triệu đồng, bằng mức bình quân của tỉnh.

- Thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 đạt 81 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 14,2%/năm và đến năm 2020 đạt 328 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 32,3%/năm. Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 2.530 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 đạt 6.620 tỷ đồng.

b) Về xã hội:

- Giảm tốc độ tăng dân số tự nhiên giai đoạn 2011 - 2015 còn 1,2%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 còn 1,15%/năm; đến năm 2015 quy mô dân số khoảng 76.470 người và năm 2020 khoảng 81.070 người.

- Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm bình quân 2%/năm, giai đoạn 2016-2020 giảm 1%/năm (theo chuẩn hộ nghèo 2011-2015).

- Đến năm 2015 có 90% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ bác sỹ/dân số đạt 5 bác sỹ/1 vạn dân, tỷ lệ giường bệnh/dân số đạt 24 giường bệnh/1 vạn dân và năm 2020 tỷ lệ bác sỹ/dân số đạt 7 bác sỹ/1 vạn dân, tỷ lệ giường bệnh/dân số đạt 24,7 giường bệnh/1 vạn dân. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đến năm 2015 giảm xuống còn dưới 19% và năm 2020 giảm xuống còn dưới 15%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 40-45% và năm 2020 đạt 55-60%; phấn đấu đến năm 2015 tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ là 60%-19%-21% và năm 2020 tương ứng là 49%- 24%-27%.

[...]