Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 2535/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2030

Số hiệu 2535/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/10/2022
Ngày có hiệu lực 12/10/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Mai Hùng Dũng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2535/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 12 tháng 10 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-BTP ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1087/TTr-STP ngày 23 tháng 6 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 - 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và bãi bỏ Đề án số 2321/ĐA-UBND ngày 12/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- TT.
Tỉnh ủy; TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Cục THADS tỉnh;
- Ngân hàng NNVN Chi nhánh
tỉnh;
- Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- Kho bạc Nhà nước
tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- LĐVP (Dg, Tg), TH;
- Lưu:
VT, Th.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Mai Hùng Dũng

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2535/QĐ-UBND ngày 12/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra phương hướng “từng bước thực hiện việc xã hội hóa, giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án dân sự; “nghiên cứu chế định Thừa phát lại, trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương. Thể chế hóa chủ trương này, tại Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành án dân sự, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương đến ngày 01/7/2012.

Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 23/11/2012, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết ngày 31/12/2015.

Thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”, mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại từ 12 đến 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định mở rộng địa bàn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long. Việc lựa chọn các địa phương ở cả 03 miền được cân nhắc thận trọng, bảo đảm tính khả thi, tạo cơ sở để kiểm chứng, đánh giá khách quan.

Từ kết quả triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, ngày 26/11/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về thực hiện chế định Thừa phát lại, quyết định chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước từ ngày 01/01/2016.

Ngày 08/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP. Tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định Sở pháp phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

2. Cơ sở thực tiễn

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Dương luôn ở mức khá cao. Đến nay, toàn tỉnh có 30 khu công nghiệp (27 khu công nghiệp đang hoạt động) với tổng diện tích 12.670,5 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 87,4%; 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790 ha, lấp đầy 67,4%.

Bình Dương có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo) và 91 đơn vị hành chính cấp xã (41 xã, 45 phường, 05 thị trấn). Cùng với sự phát triển về kinh tế thì số lượng người ngoài tỉnh đến Bình Dương làm ăn, sinh sống ngày càng đông, dẫn đến tình hình xã hội có chiều hướng diễn biến phức tạp, số vụ việc tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, đất đai, tài sản... yêu cầu Tòa án giải quyết cũng ngày càng tăng, vụ việc thi hành án dân sự năm sau luôn cao hơn năm trước.

[...]