Quyết định 249/QĐ-UBND năm 2019 về Đề án Đổi mới mô hình phát triển kinh tế tỉnh Bắc Giang đến năm 2030

Số hiệu 249/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/04/2019
Ngày có hiệu lực 26/04/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Nguyễn Văn Linh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 249/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 26 tháng 4 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 269/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 26/TTr-SKHĐT ngày 01/4/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành Đề án Đổi mới mô hình phát triển kinh tế tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm, định hướng về đổi mới mô hình phát triển kinh tế

1.1. Quan điểm đổi mới mô hình phát triển kinh tế

a) Việc đổi mới mô hình phát triển kinh tế của Bắc Giang phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực của cả nước, Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; được đặt trong tổng thể kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước.

b) Thực hiện đổi mới bền vững trên cơ sở khai thác hiệu quả các điểm mạnh, nguồn nội lực kết hợp với thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài. Khắc phục những tồn tại, hạn chế, điểm yếu trong phát triển thời gian qua; tạo ra động lực mới cho phát triển.

c) Kết hợp chặt chẽ tăng trưởng hài hòa và tăng trưởng xanh, lấy việc hoàn thiện thể chế là bệ đỡ cho phát triển bền vững với tiến bộ xã hội và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

d) Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, liên kết với các địa phương khác trong phát triển kinh tế- xã hội.

đ) Gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

e) Lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chất lượng nhân lực là động lực căn bản cho đổi mới mô hình phát triển kinh tế.

1.2. Định hướng đổi mới mô hình phát triển kinh tế

Thứ nhất, bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao là mục tiêu hàng đầu của tỉnh đến năm 2020 và năm 2030 để sớm rút ngắn khoảng cách phát triển với các tỉnh và cả nước.

Thứ hai, cải cách thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực sản xuất, đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ theo hướng phù hợp hơn với các tín hiệu thị trường, là nền tảng của việc đổi mới mô hình phát triển kinh tế.

Thứ ba, đổi mới mô hình phát triển kinh tế hướng đến:

- Tăng trưởng nhanh nhưng bền vững dựa trên sự cải thiện không ngừng của năng suất và hiệu quả.

- Động lực tăng trưởng kinh tế chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào tăng quy mô các yếu tố đầu vào sang từng bước gia tăng hiệu quả, năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp.

- Nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dựa trên quy mô sản xuất lớn, hiệu quả cao liên kết chặt chẽ trong cụm liên kết ngành.

- Tiếp tục hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Thứ tư, bảo đảm tăng trưởng bền vững gắn với hiệu quả kinh tế. Cụ thể: (i) Kết quả của tăng trưởng kinh tế phải được tạo nên bởi chính các yếu tố mà tỉnh Bắc Giang có thế mạnh và cần phải tạo dựng, nuôi dưỡng, phát huy các thế mạnh đó, xem như là động lực chính để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế; (ii) Các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu (TFP) phải ngày càng đóng vai trò tích cực và chiếm tỷ trọng cao trong kết quả tăng trưởng kinh tế.

Thứ năm, cần chú trọng nâng cao hiệu quả đầu tư, hướng vào các điểm cực tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế trên cơ sở nguyên lý phân phối nguồn lực đóng vai trò quyết định, tuân theo quy luật tự do cạnh tranh lành mạnh. Từng bước chuyển tư duy tăng trưởng dàn đều sang tăng trưởng tập trung vào các ngành, vùng, điểm động lực tăng trưởng.

Thứ sáu, gắn tăng trưởng với việc tạo tác động lan tỏa tích cực đến các đối tượng ảnh hưởng; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và các dịch vụ xã hội khác, cùng với bảo vệ môi trường,

Thứ bảy, tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, coi khoa học công nghệ là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng trưởng và phát triển phải được đặt trong mối liên kết vùng và hội nhập quốc tế.

[...]