Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 2472/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2016-2020 (đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 2472/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/11/2015
Ngày có hiệu lực 02/11/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Võ Anh Kiệt
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2472/QĐ-UBND

An Giang, ngày 02 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở GIAI ĐOẠN 2016-2020 (ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO THEO CHUẨN NGHÈO GIAI ĐOẠN 2011-2015) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015;

Căn cứ Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2);

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 2223/TTr-SXD ngày 12/10/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2016-2020 (đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) trên địa bàn tỉnh An Giang, với nội dung nêu tại Đề án kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Tổ Điều phối chương trình xóa nhà tạm bợ cho người nghèo tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án hiệu quả, đúng kế hoạch. Giao Sở Xây dựng làm cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án theo nhiệm vụ được phân công.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./. 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Anh Kiệt

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở GIAI ĐOẠN 2016-2020 (ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO THEO CHUẨN NGHÈO GIAI ĐOẠN 2011-2015) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2472/QĐ-UBND ngày 02/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

I. MỞ ĐẦU

1. Khái quát chung

An Giang là tỉnh miền Tây Nam bộ, thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích tự nhiên 3.536 km2 với 08 huyện, 01 thị xã, 02 thành phố (119 xã, 21 phường, 16 thị trấn)[1]. Dân số trung bình năm 2014 đạt 2.155.757 người với hơn 558.486 hộ[2], chủ yếu là người Kinh chiếm gần 95%, còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số gồm Khmer, Chăm, Hoa chiếm 5,17% tổng dân số toàn tỉnh (24 ngàn hộ; khoảng 115 ngàn người), trong đó đồng bào Khmer, Chăm có những đặc thù riêng về tôn giáo và phong tục tập quán, đại bộ phận sống ở vùng nông thôn, thường tập trung ở phum, sóc vùng cao và ven sông ở 36 xã (Khmer: 27 xã, Chăm: 9 xã) thuộc 8 huyện trong tỉnh, trong đó có 13 thôn đặc biệt khó khăn của 10 xã khu vực[3] và 24 xã thuộc vùng khó khăn[4].

An Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 với hướng gió chủ đạo là gió Tây Nam và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau với hướng gió chủ đạo là Đông Nam và Đông Bắc. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 270C, lượng mưa trung bình năm khoảng 1.000 - 1.130 mm, độ ẩm trung bình 74 – 77%[5]. Là địa bàn ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, chỉ xuất hiện hiện tượng lốc xoáy cục bộ thường xảy ra trong mùa mưa nhưng tần suất không lớn.

Với vị trí nằm ở đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, tuy có thuận lợi về nguồn nước, khí hậu, thời tiết ôn hòa, đất đai được phù sa bồi đắp hàng năm nên có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó thế mạnh của tỉnh là sản xuất nông nghiệp (lúa, hoa màu) và nuôi trồng thủy sản (cá, tôm) với gần 75% dân số sống bằng nghề nông. Nhưng bên bên cạnh đó, hàng năm tỉnh đều bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nhiều năm lũ lớn đã gây thiệt hại đáng kể đến tính mạng, tài sản của nhân dân, của Nhà nước khiến đời sống của cư dân, đặc biệt là khu vực nông thôn còn không ít khó khăn.

Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều chương trình, dự án đã được tích cực triển khai góp phần ổn định cuộc sống người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số,.. từng bước cải thiện và nâng cao đời sống. Thành tựu này là kết quả của sự tăng cường đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực trong xã hội cho các chương trình như: xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm; phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nước sạch và vệ sinh môi trường,.. trong đó việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về nhà ở như: Hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở (Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996); Hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng 8/1945 cải thiện nhà ở (Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000); Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004); Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008); Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013); Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vượt lũ; chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương,... đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết mục tiêu cải thiện nhà ở cho người nghèo trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo vẫn còn không ít tồn tại và bất cập, nhiều đối tượng gặp khó khăn chưa được trợ giúp, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng thiếu vững chắc, đời sống hộ dân tộc thiểu số còn khó khăn; nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trong đó có chính sách hỗ trợ về nhà ở còn hạn chế, phong trào xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ về nhà ở cho người nghèo tuy có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu.

Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 19.840 hộ nghèo[6] theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, trong đó số hộ nghèo cần được hỗ trợ về nhà ở khoảng 5.873 hộ[7], chiếm tỷ lệ 28,99% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

2. Sự cần thiết phải lập Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015

Cùng với việc thực hiện các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015, phát huy những thành công từ việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn năm 2009 – 2012 (Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg), Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo 2011 – 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) để hỗ trợ các hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 có điều kiện sửa chữa, nâng cấp nhà ở, ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Để tổ chức triển khai thực hiện tốt Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cần phân tích, đánh giá thực trạng; các mô hình huy động nguồn lực; biện pháp quản lý; giải pháp thực hiện,…các chính sách hỗ trợ hộ nghèo trong thời gian qua, trong đó có chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở nhằm đúc kết những bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra kế hoạch cụ thể để làm căn cứ triển khai thực hiện, đạt hiệu quả cao. Vì vậy, việc lập “Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015” trên địa bàn tỉnh An Giang nhằm làm rõ những nội dung quan trọng trên là rất cần thiết.

3. Các căn cứ lập đề án

- Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015;

[...]