Quyết định 2450/QĐ-UBND năm 2007 về Chương trình hành động của tỉnh Yên Bái sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), giai đoạn 2007- 2012

Số hiệu 2450/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/12/2007
Ngày có hiệu lực 31/12/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Nguyễn Văn Ngọc
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2450/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 31 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH YÊN BÁI SAU KHI VIỆT NAM GIA NHẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO), GIAI ĐOẠN 2007- 2012

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2007, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới;

Theo Tờ trình số 69/TTr-TMDL ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Sở Thương mại và Du lịch về việc Ban hành Chương trình hành động của tỉnh Yên Bái sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), giai đoạn 2007- 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của tỉnh Yên Bái sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), giai đoạn 2007- 2012.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh; các tổ chức; cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Ngọc

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH YÊN BÁI

I/ NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN ĐỐI VỚI YÊN BÁI KHI VIỆT NAM GIA NHẬP WTO

1. Những thuận lợi và khó khăn

1.1. Thuận lợi:

- Về vị trí địa lý: Yên Bái là cầu nối giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc, có tuyến đường sắt, đường bộ, đường thuỷ quốc gia đi qua và nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (TQ) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đây là điều kiện khá thuận lợi cho phép địa phương đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển toàn diện với các tỉnh trong khu vực và tham gia tích cực vào chương trình hợp tác phát triển kinh tế giữa các tỉnh thành của Việt Nam với tỉnh Vân Nam (TQ), theo chiến lược "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" do chính phủ hai nước cam kết thúc đẩy phát triển.

- Về điều kiện tự nhiên và tài nguyên: Với đặc điểm khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều và diện tích đất trồng rừng, trồng cây công nghiệp lâu năm khá lớn (chiếm 82,37% diện tích tự nhiên) Yên Bái có lợi thế để phát triển sản xuất các loại cây công nghiệp, lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến. Hiện tại, địa phương đã hình thành được các vùng sản xuất nguyên liệu như: Vùng chè trên 12 ngàn ha, tập trung tại các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình; Vùng quế trên 20 ngàn ha, tập trung tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên; Vùng sắn trên 13 ngàn ha, tập trung tại các huyện Văn Yên, Yên Bình; Vùng rừng sản xuất (Chủ yếu là rừng nguyên liệu giấy) trên 130 ngàn ha... Yên Bái có hệ thống sông, suối chảy qua nhiều địa hình, rất thuận lợi cho phát triển thuỷ điện. Theo quy hoạch Thuỷ điện Việt Nam, Yên Bái có 29 điểm có thể xây dựng công trình thuỷ điện nhỏ từ 5 - 50 MW và trên 50 điểm có thể xây dựng các trạm thuỷ điện dưới 5 MW. Bên cạnh đó, Yên Bái có nguồn nước khoáng nóng phân bổ ở khu vực phía Tây, vùng Suối Giàng khí hậu quanh năm mát mẻ, hồ Thác Bà là một trong những hồ nhân tạo đẹp và lớn nhất Việt nam... Đặc biệt với sự đa dạng về văn hoá truyền thống của các dân tộc sẽ là điều kiện tốt để phát triển du lịch với nhiều loại hình và sản phẩm hấp dẫn. Mặt khác Yên Bái có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng, với 257 mỏ và điểm mỏ thuộc các nhóm: Năng lượng, vật liệu xây dựng, khoáng chất công nghiệp, kim loại... đây là nguồn nguyên liệu tại chỗ rất quan trọng để công nghiệp địa phương thu hút đầu tư đẩy mạnh phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm công nghiệp.

- Về điều kiện và môi trường đầu tư: Yên Bái đã tích cực hoàn chỉnh các Quy hoạch phát triển các lĩnh vực quan trọng và ban hành chính sách thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư. Mặt khác, sau hơn hai mươi năm thực hiện đường lối đổi mới, Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và tương đối ổn định, giai đoạn 2001- 2005 GĐP tăng bình quân 9,55%/năm. Năm 2007 dự kiến tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 11,67%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống nhân dân được nâng lên. Cải cách hành chính đang được đẩy mạnh và bước đầu đã thu được kết quả. Lĩnh vực văn hoá - xã hội cũng đạt được nhiều tiến bộ mới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đây là những thuận lợi cơ bản giúp địa phương phát triển và tham gia vào quá trình hội nhập.

1.2. Khó khăn:

- Khó khăn lớn nhất của tỉnh Yên Bái khi tham gia vào quá trình hội nhập là cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Với đặc điểm địa hình miền núi phức tạp, dân cư không tập trung, kinh phí xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, mạng lưới giao thông đường bộ, hệ thống cung cấp điện, thuỷ lợi nói riêng còn hạn chế. Hiện tại hệ thống đường giao thông luôn trong tình trạng xuống cấp, lại thường xuyên bị thiên tai làm hư hỏng, đặc biệt là các tuyến giao thông liên huyện, liên xã, đây là những khó khăn không dễ khắc phục. Một khó khăn nữa trong quá trình hội nhập là: Yên Bái nằm sâu trong nội địa, không có cửa khẩu, xa các trung tâm kinh tế lớn và cảng biển... trong khi sản phẩm thế mạnh của địa phương là khoáng sản, nông lâm sản chế biến ở dạng thô nên chi phí vận tải luôn chiếm một tỷ trọng khá lớn trong giá thành, làm giảm khả năng cạnh tranh.

- Chất lượng nguồn nhân lực thấp: Theo số liệu thống kê 2006, dân số toàn tỉnh là 740.006 người, trong đó nông thôn 594.524 người, thành thị 145.482 người, số người trong độ tuổi lao động 423.768 người. Do Yên Bái là tỉnh miền núi, nhiều dân tộc, một số vùng nhận thức của người dân chưa cao cộng với hủ tục lạc hậu dẫn đến trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung của cả nước, phần lớn lực lượng lao động chưa qua đào tạo. Trong khi đó Yên Bái không có cơ sở đào tạo đại học, quy mô đào tạo của các cơ sở hiện có trong tỉnh rất hạn chế, chỉ khoảng trên 5 ngàn người/năm, bao gồm: 2.174 trung học chuyên nghiệp; 1.035 cao đẳng và đại học; 1.969 công nhân kỹ thuật. Hiện nay mỗi năm Yên Bái có trên 7 ngàn học sinh Trung học cơ sở không học tiếp lên Trung học phổ thông mà bổ sung vào lực lượng lao động, cộng với khoảng 3 đến 4 ngàn học sinh Trung học phổ thông không được đào tạo tiếp. Như vậy với lực lượng lao động trình độ thấp, hoặc chưa được đào tạo, Yên Bái đang thiếu lực lương lao động có trình độ cao, đây là một lực cản trong quá trình phát triển, hội nhập của địa phương.

- Về điều kiện nội lực: Tuy có tốc độ phát triển khá, song quy mô nền kinh tế khá nhỏ bé, thu Ngân sách trên địa bàn đạt thấp. Hiện nay Yên Bái vẫn là địa phương nhận hỗ trợ từ Ngân sách trung ương là chủ yếu (Năm 2006 trợ cấp từ trung ương là 1.110,9 tỷ đồng/tổng thu 1.602,1 tỷ đồng, bằng 69,3%). Tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế thấp, do vậy nguồn lực cho đầu tư phát triển rất thiếu, trong khi các doanh nghiệp địa phương phần lớn có quy mô kinh doanh nhỏ, khả năng đầu tư hạn chế. Hiện nay toàn tỉnh có 557 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 8.558,6 tỷ đồng, bình quân 14,8 tỷ đồng/doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa nhận biết được đầy đủ về những thách thức, áp lực cạnh tranh sẽ phải đối diện khi các cam kết mở của thị trường được thực thi đầy đủ, một bộ phận doanh nghiệp chưa tích cực trong việc tổ chức lại sản xuất kinh doanh, thiếu chiến lược đầu tư kinh doanh dài hạn.

2. Cơ hội và thách thức đối với một số ngành, lĩnh vực

2.1. Trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn:

- Cơ hội: Thị trường tiêu thụ mở rộng hơn, một số sản phẩm có lợi thế so sánh sẽ nhanh chóng giành được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Chè, Quế, Gỗ rừng trồng. Một số ngành mới phát triển như: chăn nuôi đại gia súc theo mô hình bán công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản sẽ có điều kiện phát triển... Nhà nước sẽ tăng cường vốn đầu tư cho thuỷ lợi, khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư. Nông dân có điều kiện để tiếp xúc với các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến.

- Thách thức: Thách thức lớn nhất đối với nông nghiệp Yên Bái là phương thức sản xuất lạc hậu, manh mún, một số vùng còn mang tính tự cấp tự túc; người lao động được đào tạo nghề với tỷ lệ thấp (10%), thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, văn minh thương mại và thông lệ buôn bán quốc tế chưa được quan tâm. Tiêu thụ sản phẩm sẽ gặp khó khăn do sản luợng thấp và không ổn định; một số sản phẩm đã hình thành vùng sản xuất tập trung nhưng quan hệ liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp chế biến lỏng lẻo dẫn đến hệ quả khi có thị trường, doanh nghiệp chế biến không mua được nguyên liệu, khi thị trường xuống nông dân bị bỏ rơi. Mặt khác chất lượng hàng hoá thấp, trong khi các nước nhập khẩu luôn tìm cách gia tăng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất và bảo vệ người tiêu dùng trong nước, việc kiểm tra chất lượng hàng nông sản xuất khẩu sẽ chặt chẽ hơn, các sản phẩm xuất khẩu như Chè búp, Quế vỏ dễ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, dẫn đến mất thị trường. Một số sản phẩm sẽ bị cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa (các loại quả có múi, rau, hoa). Một thách thức khác là: Canh tác trên đất dốc, sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu không được kiểm soát sẽ dẫn đến nguy cơ đất bị rửa trôi, làm thoái hoá đất và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến canh tác bền vững. Chăn nuôi sẽ đối mặt với nhiều dịch bệnh có tính khu vực và toàn cầu nên sẽ phức tạp khó kiểm soát.

[...]