ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 243/QĐ-UB
|
Long Xuyên, ngày
08 tháng 06 năm 1992
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH BẢN QUY
ĐỊNH VỀ XỬ LÝ HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM ĐỂ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND được công bố
ngày 11/7/1989;
- Căn cứ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính do
HĐNN công bố ngày 7/12/1989;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc
Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này
bản quy định về xử lý hành chính các hành vi vi phạm về xây dựng và quản lý đô
thị.
Điều 2. Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Điện
lực, Giám đốc Sở GTVT có nhiệm vụ phối hợp hướng dẫn thi hành quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày ký, Các văn bản trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Điều 4. Đ/c Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Giám
đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Điện lực, Giám đốc Sở GTVT, Thủ trưởng các Sở, Ban
ngành cấp Tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn được
giao chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
|
ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Khánh
|
BẢN QUY ĐỊNH
VỀ XỬ LÝ HÀNH CHÍNH
CÁC VI PHẠM VỀ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ
(Ban hành kèm theo QĐ số: 243/QĐ-UB ngày 8/6/1992 của UBND Tỉnh AG)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Hành vi vi phạm về xây dựng và quản
lý đô thị bị xử lý hành chính quy định trong bản quy định này là hành vi do cá
nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà chưa đến mức bị truy cứu
trách nhiệm hình sự.
Điều 2. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về
xây dựng và quản lý đô thị tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng
1 trong các hình thức phạt chính sau đây:
1. Cảnh cáo.
2. Phạt tiền.
Ngoài ra cá nhân, tổ chức, tùy theo mức độ vi phạm
còn có thể bị xử lý bằng 1 hay nhiều hình thức phạt sau đây:
1. Tước quyền sử dụng giấy phép có liên quan đến việc
vi phạm.
2. Tịch thu thiết bị, phương tiện, dụng cụ vi phạm
hoặc có liên quan trực tiếp đến việc vi phạm.
3. Buộc khôi phục lại tình trạng đã bị thay đổi do
vi phạm gây ra hoặc thuộc tháo gỡ công trình do xây dựng trái phép (người vi phạm
phải chịu hoàn toàn phí tổn do việc tháo dỡ và cả tổn thất khi xử lý).
- Buộc phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại do
việc vi phạm gây ra.
Điều 3. Mọi hành vi về xây dựng và quản lý
đô thị phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh. Nghiêm trọng sẽ bị truy
tố trước pháp luật.
Chương II
HÌNH THỨC VÀ MỨC ĐỘ XỬ LÝ VI PHẠM XÂY DỰNG
Điều 4. Hành vi vi phạm chế độ sử dụng đất
xây dựng:
Phạt tiền từ 50.000đ đến 200.000đ nếu vi phạm nhiều
lần hoặc tái phạm thì có thể phạt đến 500.000đ đối với 1 trong các hành vi sau:
- Sử dụng đất xây dựng không có giấy phép của cơ
quan có thẩm quyền cấp hoặc có giấy phép nhưng sử dụng đất không đúng mục đích,
quy mô và những quy định khác đã ghi trong giấy phép/
- Sử dụng đất chuyên dùng, đất nông nghiệp, đất lâm
nghiệp vào mục đích xây dựng nhà ở mà không được cơ quan có thẩm quyền cho
phép.
Điều 5. Hành vi vi phạm chế độ xin cấp phép
xây dựng;
Phạt tiền 50.000đ đến 500.000đ nếu vi phạm nhiều lần
hoặc tái phạm thì có thể phạt đến 2.000.000đ đối với một trong các hành vi sau:
- Xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, sửa chữa mở rộng
hoặc thay đổi công dụng của công trình mà không có giấy phép của Sở Xây dựng,
UBND cấp Huyện, Thị xã cấp.
- Nhận thi công xây dựng công trình mà không có giấy
phép hợp pháp.
- Xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp, sửa chữa mở rộng
hoặc thay đổi công dụng của công trình không đúng với nội dung đã ghi trong giấy
phép và đề án được duyệt.
- Vi phạm các tiêu chuẩn về thiết kế xây dựng nhà ở,
trụ sở, nhà kho, bến tàu.
- Xây dựng mới, cải tạo mở rộng công trình không
đúng với diện tích được phép xây dựng, lấn chiếm hành lang, lộ giới hoặc lấn
chiếm diện tích xây dựng.
Điều 6. Hành vi vi phạm chế độ thi công:
Phạt tiền từ 50.000đ đến 200.000đ, nếu vi phạm nhiều
lần hoặc tái phạm thì có thể bị phạt tiền đến 500.000đ đối với các hành vi sau
đây:
- Không thực hiện chế độ trình báo cho cơ quan có
thẩm quyền biết trước khi tiến hành thi công (đối với công trình đã có giấy
phép xây dựng).
- Không thực hiện chế độ đăng ký với cơ quan quản
lý nhà đất thuộc Sở Xây dựng khi công trình đã thi công xong.
- Thời gian thi công không đúng với thời gian quy định
trong giấy phép.
- Tiến hành thi công công trình có giấy phép nhưng
giấy phép đã hết hiệu lực pháp luật.
- Trong thời gian tiến hành thi công không chấp
hành quy tắc trật tự, vệ sinh công cộng hoặc sử dụng lộ giới để chứa vật liệu
xây dựng, vật liệu phế thải mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền, làm
hư hỏng vỉa hè, hành lang lộ giới, gây thiệt hại cây xanh bên đường, làm tắc
nghẽn, hư hỏng cống rãnh thoát nước, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Chương III
HÌNH THỨC VÀ MỨC ĐỘ XỬ LÝ VI PHẠM CÔNG TRÌNH ĐÔ THỊ
KHÁC
Điều 7. Hành vi vi phạm mạng lưới tải điện,
chiếu sáng công cộng:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000đ đến 50.000đ
nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì có thể bị phạt tiền đến 100.000đ đối với
một trong các hành vi sau đây:
- Gây thiệt hại nhỏ tới mạng lưới tải điện, hệ thống
đèn chiếu sáng nơi công cộng.
- Dựng lều, quán, căng dù để kinh doanh mua bán bên
cạnh các cột điện, trạm biến thế, dưới các bình hơi điện.
- Câu, móc đường dây điện trái phép.
Điều 8. Hành vi vi phạm hệ thống thoát nước:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000đ đến 50.000đ
nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì có thể bị phạt tiền đến 100.000đ đối với
một trong các hành vi sau:
- Gây thiệt hại đến công trình thoát nước, cống ngầm,
mở nắp đai các đường cống, mở cửa đập, cửa cống, đóng ngăn dòng chảy.
- Xây dựng công trình, dựng lều quán kinh doanh mua
bán trên hệ thống thoát nước, nắp đai, cửa cống …
- Đổ đất đá, rác, phân súc vật, vật liệu XD xuống
đường cống thoát nước, lòng kênh, ao hồ chứa chất thải.
- Tự ý đào bới xe đường thoát nước.
- Xả nước phế thải có độc tố, hóa chất, mùi hôi thối
gây ô nhiễm môi trường xuống hệ thống thoát nước, lòng kênh, ao hồ chứa nước thải.
Điều 9. Hành vi vi phạm hệ thống cấp nước,
tiêu dùng sinh hoạt dân cư:
Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000đ đến 20.000đ, nếu
vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì có thể bị phạt tiền đến 80.000đ với một
trong các hành vi sau đây:
- Đục phá đường ống dẫn nước.
- Tự ý lắp đặt ống nước, đồng hồ nước hoặc các
trang thiết bị khác làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát cấp nước.
Điều 10. Hành vi vi phạm về sử dụng mặt đường,
hè phố trái phép:
Phạt tiền theo đúng quy định của pháp lệnh về xử phạt
hành chính của HĐND đối với 1 trong các hành vi sau:
- Tự ý đào lòng đường, xẻ cống rãnh trên hè phố mà
không có sự chấp thuận cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
- Tự ý tôn tạo, nâng cao diện tích hè phố thuộc mặt
tiền nhà ở, trụ sở của mình.
- Tôn tạo, nâng cao hè phố không đúng tiêu chuẩn
quy cách do cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Điều 11. Hành vi vi phạm các quy định bảo vệ
công viên, cây xanh:
Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000đ đến 20.000đ, nếu
vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì có thể bị phạt tiền đến 50.000đ đối với một
trong các hành vi sau:
- Tự ý chặt phá, hạ cây, chặt cành, mé nhánh cây
xanh trong công viên, khu du lịch hoặc dọc theo các trục lộ giao thông.
- Treo biển quảng cáo, đóng đinh, cột dây, mắc
võng, căng lều, buộc dù, phóng uế bừa bãi làm mất vệ sinh nơi công viên.
- Giăng mắc, treo đèn quảng cáo, dây điện vào các
cây xanh dọc trục lộ giao thông.
Chương IV
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC, NGUYÊN TẮC VÀ BIỆN PHÁP XỬ PHẠT
Điều 12. Thẩm quyền quyết định xử phạt:
1. Chủ tịch UBND phường, thị trấn, trưởng công an
phường có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50.000đ các hành vi vi phạm về xây
dựng và quản lý đô thị thuộc địa bàn phường, thị trấn mình quản lý.
2. Chiến sĩ cảnh sát nhân dân thuộc các lực lượng cảnh
sát giao thông, trật tự, cảnh sát PCCC, cảnh sát cơ động có quyền quy định phạt
cảnh cáo, phạt tiền đến 20.000đ đối với những vi phạm về xây dựng và quản lý đô
thị thuộc địa bàn và lĩnh vực quản lý của mình.
Thủ trưởng trực tiếp của chiến sỹ cảnh sát nhân dân
quy định tại khoản 2 điều này có quyền phạt tiền đến 50.000đ.
Trưởng và phó trưởng công an cấp huyện, trưởng
phòng nghiệp vụ của cơ quan công an cấp Tỉnh được quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền
đến 20.000đ và tịch thu giấy phép sử dụng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
3. Thanh tra viên thực hiện thanh tra Nhà nước
chuyên ngành của Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở Điện lực đang thi hành công vụ được
phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 100.000đ, tước quyền sử dụng 1 số loại giấy phép
và áp dụng các biện pháp hành chính khác quy định tại điều 12 Pháp lệnh xử phạt
vi phạm hành chính, trừ biện pháp buộc bồi thường thiệt hại.
Chánh thanh tra, Phó chánh thanh tra của Sở Xây dựng
Sở GTVT, Sở Điện lực được quyền áp dụng các hình thức phạt và biện pháp cưỡng
chế hành chính và phạt tiền đến 200.000đ.
4. Chủ tịch UBND các Huyện, Thị được quyền áp dụng
tất cả các hình thức phạt và biện pháp hành chính khác và phạt tiền đến 2 triệu
đồng.
Điều 13. Thủ tục, nguyên tắc và biện pháp xử
phạt vi phạm về xây dựng và quản lý đô thị được áp dụng theo quy định tại Pháp
lệnh xử phạt vi phạm hành chính do HĐNN công bố ngày 7/12/1989.
Chương V
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 14.
1. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính trong
lĩnh vực quản lý xây dựng và quản lý đô thị được trích từ 1-15% tổng số tiền phạt
hoặc trị giá phương tiện, thiết bị, dụng cụ bị tịch thu sẽ nộp vào quỹ khen thưởng
chung của Sở, ngành hoặc địa phương, trong tổng số tiền này được sử dụng như
sau:
a) 70% để mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục
vụ công tác.
b) 30% để thưởng cho tập thể và cá nhân có thành
tích trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.
Tùy theo thành tích của tập thể và cá nhân mà quy định
mức tiền thưởng nhưng cao nhất không quá 2 triệu đồng đối với 1 tập thể và
không quá 500.000đ đối với 1 cá nhân trong mỗi lần thưởng.
Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm xem xét, đề
nghị thủ trưởng ngành hoặc UBND Tỉnh, UBND Huyện, Thị quyết định mức tiền thưởng
cụ thể cho tập thể và cá nhân có thành tích.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm nếu
vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà vi phạm các quy định về xử phạt thì tùy tính
chất mức độ vi phạm có thể bị thi hành kỷ luật hoặc bị truy tố về hình sự và phải
bồi thường những thiệt hại vật chất đã gây ra.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Chỉ những cơ quan và người có thẩm
quyền quy định trong bản quy định này mới được xử phạt các vi phạm hành chính
trong lĩnh vực quản lý xây dựng về quản lý đô thị.
Tổ chức, cá nhân tự ý quy định việc xử phạt thì tùy
tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy tố về hình sự và
phải bồi thường thiệt hại vật chất đã gây ra.
Điều 16. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu
nại, tố cáo:
1. Cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định xử
phạt và tố cáo các hành vi lạm quyền hoặc trái pháp luật của cơ quan Nhà nước,
người có thẩm quyền xử phạt vi phạm về quản lý xây dựng, quản lý đô thị đến cơ
quan cấp trên trực tiếp của tổ chức và người ra quyết định xử phạt hoặc Viện kiểm
sát nhân dân cùng cấp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử
phạt.
Trong khi chờ giải quyết khiếu nại, tố cáo, cá nhân
và đơn vị bị xử phạt vẫn phải thi hành quyết định xử phạt.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhận được khiếu nại,
tố cáo có trách nhiệm xem xét giải quyết và trả lời trong thời hạn 15 ngày, nếu
là trường hợp phức tạp thì việc giải quyết và trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể
từ ngày nhận được khiếu nại, tố cáo.
Điều 17. Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Điện
lực, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch UBND các Huyện,
Thị xã chịu trách nhiệm phối hợp tổ chức thực hiện tốt bản quy định này.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
AN GIANG