ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
24/2021/QĐ-UBND
|
Điện Biên, ngày
15 tháng 11 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CÁC TIÊU CHÍ BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN
BIÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng
6 năm 2013; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai
và Luật Đê điều, ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng
5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng
12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng
7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng,
chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên
tai và Luật Đê điều;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định nguyên
tắc, các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng
công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
2. Đối tượng áp dụng: Quyết định này áp dụng đối với
các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có các hoạt động liên quan đến công
tác bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở
thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Nhà ở của hộ gia đình, cá nhân là công trình xây
dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá
nhân (bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập được xây dựng trên
thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân).
2. Công trình của hộ gia đình, cá nhân là tài sản,
cơ sở hạ tầng khác không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này được xây dựng trên
thửa đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân.
3. Bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong sử
dụng công trình, nhà ở: là những công việc nhằm bảo đảm, duy trì tính ổn định của
công trình, nhà ở trước, trong và sau thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt
hại do thiên tai gây ra và không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai mới.
Điều 3. Nguyên tắc bảo đảm yêu
cầu phòng, chống thiên tai trong sử dụng công trình, nhà ở
1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống
thiên tai được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai.
2. Trong quá trình quản lý, vận hành và sử dụng
công trình không làm gia tăng rủi ro thiên tai và xuất hiện thiên tai mới.
3. Phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả sự cố công
trình và các hoạt động gia tăng rủi ro thiên tai.
4. Thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai
phù hợp để giảm thiểu rủi ro thiên tai.
5. Bảo đảm an toàn về người, trang thiết bị, an
toàn công trình và khu vực lân cận do tác động của việc quản lý, vận hành và sử
dụng công trình.
Điều 4. Các tiêu chí bảo đảm
yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở
1. Đối với công trình, nhà ở trong giai đoạn chuẩn
bị xây dựng.
a) Các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ
quét (khu vực lòng, ven sông, suối; khu vực có địa hình, địa chất không an toàn
đã được cơ quan có thẩm quyền xác định, khuyến cáo): Không được xây dựng công
trình, nhà ở tại khu vực trên.
b) Các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt: Công
trình, nhà ở phải được thiết kế xây dựng theo tiêu chí nhà kiên cố hoặc bán
kiên cố, có thể chịu được các lực nhất định do dòng chảy hoặc áp lực nước gây
ra. Bảo đảm sàn nhà sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất (theo quan trắc hoặc
theo dõi trong vòng từ 5 năm trở lên) tại vị trí xây dựng.
2. Đối với công trình, nhà ở đang thi công xây dựng:
Phải lập và thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình
và các công trình lân cận, đặc biệt công tác bảo đảm an toàn đối với cần trục
tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão; dừng
thi công đối với các công trình, nhà ở nằm trong khu vực đang xảy ra thiên tai,
đồng thời di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
3. Đối với công trình, nhà ở hiện có
a) Thường xuyên quan trắc biến dạng của công trình,
nhà ở; kiểm tra hệ thống điện và đánh giá chất lượng công trình, bộ phận công
trình, nhà ở; có biện pháp gia cố, giằng chống đồng thời cắt, tỉa cây xanh để bảo
đảm an toàn khi xảy ra các loại hình thiên tai như bão, lốc, sét… đặc biệt là
nhà ở, công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công
trình gắn pano, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao...
b) Định kỳ tổ chức nạo vét, khơi thông hệ thống
thoát nước xung quanh khu vực nhà ở, công trình. Trước mùa mưa lũ phải kiểm
tra, rà soát và có biện pháp khắc phục sự cố kịp thời.
c) Có phương án sơ tán người, tài sản khi xảy ra
thiên tai; chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm
phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, hướng dẫn
của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự
cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
4. Các khu vực thường xuyên xảy ra sét: Cần lắp đặt
hệ thống chống sét cho công trình, nhà ở.
Điều 5. Trách nhiệm của các cơ
quan, cá nhân có liên quan
1. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Phối hợp
với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực
hiện Quyết định này; phối hợp thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức về
phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở.
2. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này và
công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng và cấp giấy
phép xây dựng, quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng theo thẩm quyền, bảo đảm
yêu cầu phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Tổ chức thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu
phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở trên địa bàn quản
lý.
b) Thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận
thức về phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở.
c) Phân công, phân cấp trách nhiệm của các cơ quan
quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương trong việc quản lý nhà nước về bảo
đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở do địa phương quản
lý.
d) Kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí bảo đảm yêu
cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân.
đ) Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm bảo đảm
yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở.
e) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khi
cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân phải đưa
các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công
trình, nhà ở.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực
hiện Quyết định này.
b) Tổ chức thường trực, chỉ huy việc phòng ngừa, ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai đối với công trình, nhà ở; thống kê thiệt hại
đối với công trình, nhà ở thuộc sở hữu hộ gia đình, cá nhân do thiên tai gây ra
trên địa bàn.
c) Hàng năm trước mùa mưa, lũ tổ chức rà soát, đánh
giá các công trình, nhà ở trên địa bàn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng các loại
hình thiên tai thường xuyên xảy ra, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để đưa ra
các biện pháp xử lý kịp thời.
5. Hộ gia đình, cá nhân chủ sở hữu nhà ở:
a) Chủ động xây dựng, nâng cấp, bảo vệ công trình,
nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn các tiêu
chí về phòng, chống thiên tai; chủ động di dời đến nơi an toàn trước khi xảy ra
thiên tai; không xây dựng nhà ở hoặc cư trú tại khu vực có thể bị ảnh hưởng
nghiêm trọng bởi thiên tai.
b) Thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai,
phương án ứng phó thiên tai tại địa phương.
c) Thường xuyên theo dõi trên các phương tiện thông
tin đại chúng về bản tin dự báo, cảnh báo và sự chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống
thiên tai của các cấp chính quyền địa phương.
d) Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện theo khả
năng để phòng, chống thiên tai.
đ) Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm
an toàn cho bản thân và gia đình khi thiên tai xảy ra.
e) Chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo, chỉ huy của cơ
quan, người có thẩm quyền về sơ tán người, phương tiện ra khỏi hoặc không đi
vào khu vực nguy hiểm ảnh hưởng của thiên tai.
Điều 6. Hiệu lực thi hành và tổ
chức thực hiện
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
27 tháng 11 năm 2021.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng
các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị và các hộ gia đình, cá nhân liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT (b/c);
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh Điện Biên;
- LĐ UBND tỉnh;
- Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Như Điều 6;
- LĐ VPUBND tỉnh;
- TT Tin học - Công báo, VP UBND tỉnh;
- Báo Điện Biên Phủ;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KTN(TVH).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Thành Đô
|