Quyết định 2376/QĐ-BTP năm 2009 ban hành Quy chế công tác văn thư, lưu trữ của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 2376/QĐ-BTP
Ngày ban hành 01/11/2009
Ngày có hiệu lực 01/11/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 2376/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ CÔNG TÁC VĂN THƯ, LƯU TRỮ CỦA BỘ TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia ngày 04 tháng 4 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 110/2004/NĐ - CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về công tác văn thư;
Căn cứ Nghị định số 111/2004/NĐ - CP ngày 08 tháng 4 năn 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ - CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế công tác văn thư, lưu trữ của Bộ Tư pháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thuộc Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
 - Như Điều 3;
 - Cục VT& LTNN (để phối hợp);
 - Các Thứ trưởng;
 - Cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh;
 - Cổng Thông tin điện tử BTP;
 - Lưu: VT.

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

QUY CHẾ

CÔNG TÁC VĂN THƯ, LƯU TRỮ CỦA BỘ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2376/QĐ – BTP Ngày 01 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về tổ chức, nhiệm vụ và nội dung hoạt động nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ bao gồm toàn bộ các công việc liên quan đến xây dựng, ban hành văn bản; quản lý văn bản; lập hồ sơ công việc và giao nộp tài liệu vào lưu trữ hiện hành; quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan Bộ Tư pháp, con dấu của đơn vị thuộc Bộ; thu thập, bổ sung, chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu; thống kê, bảo quản và tổ chức khai thác, sử dụng hồ sơ, tài liệu lưu trữ tại cơ quan Bộ Tư pháp.

2. Quy chế này được áp dụng thống nhất đối với các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tư pháp, các cán bộ, công chức của các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác văn thư, lưu trữ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Văn bản đến" là những văn bản, đơn, thư khiếu nại, tố cáo, công điện, công hàm, thư điện tử, bản fax và các tài liệu khác bằng văn bản do các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân gửi đến mà Bộ Tư pháp hoặc các đơn vị thuộc Bộ nhận được;

2. "Văn bản đi" là những văn bản, bản kiến nghị, thư công tác, công điện, thư điện tử, bản fax hoặc các tài liệu khác bằng văn bản do Bộ Tư pháp hoặc các đơn vị thuộc Bộ gửi đi;

3. "Thư điện tử" là một thông điệp được gửi từ người này cho người khác khi cả hai trường hợp trên đều tham gia vào một hệ thống mạng nhất định (LAN, WAN, Intranet, Internet);

4. "Sổ chuyển giao văn bản đến" là Sổ được tạo lập trên Hệ chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc của Bộ Tư pháp;

5. "Lập hồ sơ" là việc tập hợp và sắp xếp văn bản, tài liệu hình thành trong quá trình theo dõi, giải quyết công việc thành hồ sơ theo những nguyên tắc và phương pháp nhất định;

6. "Phông lưu trữ cơ quan" là toàn bộ tài liệu có giá trị thực tiễn và giá trị lịch sử được hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan Bộ hoặc đơn vị trực thuộc Bộ được đưa vào bảo quản tại kho Lưu trữ hiện hành của cơ quan;

7. “Lưu trữ hiện hành” là bộ phận lưu trữ của cơ quan Bộ Tư pháp hoặc của đơn vị trực thuộc Bộ có nhiệm vụ thu thập, bảo quản và sử dụng tài liệu lưu trữ còn giá trị hiện hành của cơ quan, đơn vị đó.

Điều 3. Tổ chức và tiêu chuẩn cán bộ, công chức làm công tác văn thư, lưu trữ

[...]