Quyết định 2367/QĐ-UBND năm 2021 về "Đề án triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030"

Số hiệu 2367/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/12/2021
Ngày có hiệu lực 21/12/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Huyền
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2367/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 21 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2030”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 1598/TTr-SKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Đề án triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- CT, PCT UBND tỉnh Lê Huyền;
- UBMTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- VPUB: LĐ, KTTH, VXNV, TCDNC;
- Lưu: VT. ĐN

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Huyền

 

ĐỀ ÁN

TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2367/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, tăng trưởng kinh tế của các quốc gia được thúc đẩy chủ yếu bởi tiến bộ công nghệ dựa trên tri thức. Tiến bộ này chỉ có thể đạt được thông qua một hệ thống đổi mới quốc gia trong đó hệ thống sở hữu trí tuệ hiện đại, được vận hành và thực thi có hiệu quả được coi là một trong những yếu tố quan trọng. Ở Việt Nam, trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã được triển khai thực hiện và đạt được những thành quả nhất định. Mô hình tăng trưởng từng bước được chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này về cơ bản vẫn còn chậm, chủ yếu vẫn dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ, trong khi đó năng suất lao động chưa cao, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn thiếu hiệu quả và chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc đưa hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia tới một bước phát triển mới, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và độ tin cậy cao là rất cần thiết nhằm góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo cũng như chuyển giao công nghệ, tri thức, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

Nhằm phát huy vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa sở hữu trí tuệ với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, các ưu tiên phát triển và nguồn lực của quốc gia, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Sở hữu trí tuệ theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, với các nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược, được đặt ra ở cấp độ quốc gia nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho việc tạo lập, bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ một cách hiệu quả. Theo đó, để thực hiện Chiến lược, bên cạnh các Bộ, ngành liên quan thì Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng có trách nhiệm "Triển khai thực hiện Chiến lược, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

Trong những năm qua, với chiến lược cải cách mạnh mẽ dựa trên phát huy tiềm năng, nội lực hướng đến phát triển bền vững, Ninh Thuận đã có những bước tiến lớn về kinh tế, tốc độ tăng trưởng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng dần đều. Năm 2019, Ninh Thuận còn lọt vào nhóm 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước (GRDP đạt 13,18%). Với cơ chế, chính sách tập trung vào các nhóm ngành đột phá, trụ cột của tỉnh về phát triển năng lượng tái tạo, tổ hợp điện khí, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao... đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, từ đó góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, hoạt động khoa học công nghệ nói chung, sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo nói riêng nắm giữ vai trò quan trọng trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, nhiều cơ chế đặc thù đã được ban hành nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản, lợi thế của tỉnh; các sản phẩm đã bước đầu tạo dựng được danh tiếng trên thị trường và mang lại giá trị kinh tế ngày càng cao cho người sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động tạo dựng, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát triển đúng mức với tiềm năng cũng như tốc độ và xu thế hội nhập kinh tế của tỉnh; nhận thức của các cấp, các ngành về sở hữu trí tuệ còn chưa thực sự xem và sử dụng sở hữu trí tuệ là một công cụ để phát triển bền vững; hoạt động đăng ký bảo hộ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ còn ít; hoạt động khai thác quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm; các sản phẩm đặc thù, chủ lực của tỉnh đã bước đầu được tạo dựng quyền sở hữu trí tuệ nhưng chưa được khai thác, phát triển tương xứng với tiềm năng... Vì vậy, việc triển khai một cách có hệ thống và đồng bộ các hoạt động về sở hữu trí tuệ, trong đó có phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, ngành hàng lợi thế của tỉnh nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người sản xuất và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo sự chủ động hội nhập kinh tế của tỉnh là yêu cầu cấp bách hiện nay.

II. Căn cứ pháp lý

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

[...]