Kế hoạch 10/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Số hiệu 10/KH-UBND
Ngày ban hành 13/01/2022
Ngày có hiệu lực 13/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 13 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030,

Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao tính đồng bộ, hiệu quả trong hoạt động sở hữu trí tuệ ở tất cả khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền nhằm tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Hoạt động sở hữu trí tuệ có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra, khai thác tài sản trí tuệ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm hướng tới hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, đặt ra các mục tiêu và tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn.

Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và các chủ trương, chính sách thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ ở các ngành, lĩnh vực được phổ biến rộng rãi, có hệ thống từ tỉnh đến các địa phương.

Phân công rõ nhiệm vụ các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan trong việc chủ trì, phối hợp, thực hiện, đảm bảo tính hiệu quả, phát huy được vai trò của các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Đáp ứng kịp thời yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trong hướng dẫn xác lập quyền các đối tượng sở hữu trí tuệ.

b) Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ cho các đối tượng: Quyền sở hữu công nghiệp; quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả; quyền đối với giống cây trồng.

c) Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh được nâng cao.

d) Tiếp tục thúc đẩy các hoạt động sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân; tăng số lượng và chất lượng tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

đ) Hỗ trợ đăng ký, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) của tỉnh.

e) Tăng cường quản lý, phát triển các chỉ dẫn địa lý của tỉnh đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- 100% cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh cử cán bộ có liên quan tham gia các lớp đào tạo cơ bản, nâng cao về sở hữu trí tuệ.

- 100% viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ.

- Tối thiểu 300 đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ.

- 80% cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa và thể thao đảm bảo thực thi quyền tác giả và quyền liên quan.

- Có ít nhất 10 sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và 30 sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

[...]