Quyết định 2328/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án “Phát triển sự nghiệp phát thanh, truyền hình Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”

Số hiệu 2328/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/08/2021
Ngày có hiệu lực 25/08/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Chí Giang
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2328/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 25 tháng 8 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 113/QĐ-TTg ngày 20/01/2012 của Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 3891/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển Báo chí, Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 08/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025;

Căn cứ Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 1448/QĐ-TTG ngày 19/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020, Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và tham khảo định hướng Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 65/TTr-STTTT ngày 13/8/2021 và Tờ trình số 71/TTr-STTTT ngày 24/8/2021 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển sự nghiệp phát thanh, truyền hình Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Phát triển sự nghiệp phát thanh, truyền hình Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Điều 2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Phúc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề án bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Phúc; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Chí Giang

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm Quyết định số 2328/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ THỰC HIỆN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Tỉnh Vĩnh Phúc nằm ở phía Bắc của Việt Nam, thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng thủ đô Hà Nội và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Vĩnh Phúc có Quốc lộ 2, có đường sắt Hà Nội - Lào Cai và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có Sông Hồng và Sông Lô lớn nhất miền Bắc đi qua. Trung tâm hành chính tỉnh Vĩnh Phúc đặt tại thành phố Vĩnh Yên, cách trung tâm thành phố Hà Nội 50km, cách sân bay Quốc tế nội bài 25km, cách Cảng nước sâu Cái Lân 165km, Cảng Hải Phòng 150km. Vĩnh Phúc nằm trong hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng và vành đai phát triển công nghiệp phía Bắc, là cửa ngõ từ thủ đô Hà Nội đi lên vùng Tây Bắc Việt Nam và biên giới Việt Trung. Phát huy tiềm năng, lợi thế trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định Phấn đấu đến năm 2025: Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập thực tế bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt mức 80-85 triệu đồng; kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó, kết cấu hạ tầng đô thị Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, làm tiền đề để thành lập các thị xã. Đến năm 2030: Xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; thu nhập thực tế bình quân đầu người của tỉnh đạt 130 - 135 triệu đồng. Tầm nhìn đến năm 2045: Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường.

Trước yêu cầu phát triển mới của tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Vĩnh Phúc cần phải vươn lên đáp ứng vai trò của một cơ quan báo chí chủ lực, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước tới các tầng lớp Nhân dân; phát huy vai trò to lớn của Nhân dân trong phát triển KT-XH; quảng bá hình ảnh, góp phần thu hút các nguồn lực trong và ngoài tỉnh vì sự giàu mạnh của quê hương, đất nước.

Lĩnh vực phát thanh, truyền hình hiện tại đang ở thời kỳ thay đổi công nghệ mạnh mẽ. Công nghệ sản xuất, phát sóng truyền hình đã chuyển hoàn toàn sang số hóa. Toàn bộ hệ thống truyền hình độ phân giải thấp (SDTV) đang dần được thay thế bằng hệ thống ghi, xử lý và phát sóng, lưu trữ với độ phân giải cao (HDTV) hướng tới hỗ trợ UHDTV trong tương lai; sự chuyển đổi sang quy trình sản xuất file-based, IP - based dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Sự phát triển của công nghệ đã xóa khoảng cách, giới hạn về địa lý và các quan điểm quản lý cũ.

[...]