Quyết định 2318/QĐ-UBND năm 2016 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 2318/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/06/2016
Ngày có hiệu lực 30/06/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Đinh Văn Thu
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2318/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 30 tháng 6 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 35/NQ-CP NGÀY 16/5/2016 CỦA CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;

Theo đề nghị của Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tại Công văn số 367/BXTĐT-HTDN ngày 28/6/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 tỉnh Quảng Nam; với những nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020

1. Mục tiêu chung

- Tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 gắn với việc thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Nam.

- Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, làm động lực để nâng cao tính cạnh tranh. Xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, trọng tâm là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

- Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp; làm thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức từ việc xem doanh nghiệp là “Đối tượng quản lý” sang “Đối tượng phục vụ”; tăng cường công tác đối thoại doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp, thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; quản lý tốt hơn doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp; tăng cường sự trợ giúp pháp lý, tạo sự cam kết, nhất quán và định hướng dài hạn trong môi trường đầu tư của doanh nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu giảm 30% thời gian theo công bố khi các doanh nghiệp có yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước.

- Phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có khoảng 7.500 doanh nghiệp.

- Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020.

- Xây dựng đội ngũ doanh nhân trong tỉnh ngày càng lớn mạnh, có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung

a) Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động

- Thực hiện đồng bộ các nội dung Kế hoạch hành động tại Quyết định số 1932/QĐ-UBND ngày 03/6/2016 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Quyết định số 1908/QĐ-UBND ngày 02/6/2016 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba (khóa XXI) về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.

- Đảm bảo 100% thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và kinh doanh, các quy định, chính sách, quy hoạch của tỉnh và địa phương được niêm yết công khai; 100% thủ tục hành chính được hướng dẫn, giải quyết tại các đơn vị hành chính công tỉnh và các địa phương theo nguyên tắc không để người dân, doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ nhiều hơn một lần.

- Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện 03 giảm: giảm hồ sơ, thủ tục, các bước trong quy trình thực hiện; giảm thời gian thực hiện; giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính và đi lại cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân.

- Rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thời gian và các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý, giải quyết của tỉnh không còn phù hợp với quy định và tình hình thực tế.

- Xây dựng quy chế về giám sát, giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp để tăng cường minh bạch hóa thủ tục đầu tư, giúp giải quyết nhanh hơn các thủ tục đầu tư cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

- Xây dựng các chương trình hành động thực hiện cải cách hành chính cho các lĩnh vực cụ thể. Trong đó, thực hiện tốt công tác quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu đảm bảo với tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

- Thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.

[...]