Quyết định 1932/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 1932/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/06/2016
Ngày có hiệu lực 03/06/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Đinh Văn Thu
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1932/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 03 tháng 6 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-2016/NQ-CP NGÀY 28/4/2016 CỦA CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tại Công văn số 277/BXTĐT-HTDN ngày 27/5/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 tỉnh Quảng Nam; với những nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH; NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH TỈNH QUẢNG NAM

1. Mục tiêu chung

a) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung và thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các thủ tục văn bản, cơ chế, chính sách đã ban hành liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch đối với doanh nghiệp và người dân.

b) Đẩy mạnh thực hiện 03 nhiệm vụ đột phá: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.

c) Tiếp tục nâng cao điểm số các Chỉ số thành phần PCI đã có điểm số và vị trí cao trong các năm trước, đồng thời tập trung cải thiện các Chỉ số thành phần có điểm số và vị trí thấp, tiếp tục duy trì ổn định thứ hạng PCI của Quảng Nam.

d) Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp; chuyển nhận thức của cán bộ, công chức trong xử lý công việc từ việc xem doanh nghiệp là “Đối tượng quản lý” sang “Đối tượng phục vụ”; tăng cường công tác đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; quản lý tốt hoạt động doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp; tăng cường sự trợ giúp pháp lý, tạo sự cam kết, nhất quán và định hướng dài hạn trong môi trường đầu tư của doanh nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Phấn đấu từ năm 2016 Quảng Nam luôn đứng trong nhóm tỉnh có Chỉ số TỐT (đạt từ 60 điểm trở lên) và trong nhóm 10 tỉnh/thành phố có Chỉ số cao nhất nước, từng bước nâng hạng trong các năm sau.

b) Công khai, niêm yết đồng bộ 100% các thủ tục hành chính, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; trên trang thông tin điện tử của các đơn vị và Cổng thông tin điện tử tỉnh.

c) Trong năm 2016, tập trung rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý, giải quyết của tỉnh, ở một số lĩnh vực như: đầu tư, thành lập doanh nghiệp; đất đai, môi trường; tài chính; cấp phép xây dựng, quy hoạch; hải quan, thuế; y tế, lao động, thương binh và xã hội; bảo hiểm xã hội. Phấn đấu giảm 30% thời gian giải quyết ở các lĩnh vực trên so với quy định hiện hành.

d) Triển khai hệ thống phần mềm một cửa điện tử tại tất cả các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và 10% xã, phường trong năm 2016; đồng thời phấn đấu đến năm 2017 sẽ triển khai phần mềm một cửa điện tử tại 30% xã, phường, thị trấn.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung

a) Cải thiện các chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh

Tiếp tục duy trì và phấn đấu cải thiện hơn nữa đối với các chỉ số thành phần tăng điểm của PCI; đồng thời thực hiện các giải pháp để khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại đối với các chỉ số thành phần PCI có sự giảm điểm, cụ thể như sau:

- Chỉ số tiếp cận đất đai: Giảm thời gian giải quyết, đơn giản thủ tục, hướng dẫn rõ ràng; đẩy nhanh công tác GPMB; cung cấp thông tin về giá đất, sớm phê duyệt quy hoạch phát triển vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi để làm cơ sở kêu gọi đầu tư.

- Chỉ số minh bạch và cạnh tranh bình đẳng: Thực hiện công khai- minh bạch tất cả các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, quy trình- thủ tục đầu tư...để tất cả doanh nghiệp có thể tiếp cận và thực hiện; đối xử bình đẳng với tất cả các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các thông tin liên quan làm cơ sở để quyết định đầu tư, kinh doanh.

- Chỉ số chi phí thời gian và Gia nhập thị trường: Thực hiện đúng thời hạn giải quyết đã được niêm yết công khai, đồng thời cần giảm thời gian thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện đồng thời nhiều thủ tục, sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Mẫu hóa các loại giấy tờ/hồ sơ, không được yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm bất kỳ giấy tờ nào ngoài những thủ tục đã công bố, hướng dẫn đầy đủ một lần đối với mỗi thủ tục.

- Chỉ số Chi phí không chính thức: Tăng cường nhận thức, trách nhiệm; giám sát chặt chẽ việc thực thi công vụ của CBCC trực tiếp thụ lý, giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp; kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm; hạn chế đến mức có thể trường hợp doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với CBCC giải quyết hồ sơ.

- Chỉ số tính năng động: Thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách phát triển doanh nghiệp cũng như chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh liên quan đến doanh nghiệp; từng cấp, ngành phải kịp thời, chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo để giải quyết.

[...]