Quyết định 2265/1999/QĐ-BKHCNMT về Quy chế dân chủ trong hoạt động của các cơ quan khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường ban hành

Số hiệu 2265/1999/QĐ-BKHCNMT
Ngày ban hành 30/12/1999
Ngày có hiệu lực 14/01/2000
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Người ký Chu Tuấn Nhạ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2265/1999/QĐ-BKHCNMT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 2265/1999/QĐ-BKHCNMT NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ DÂN CHỦ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;
Xét đề nghị của ông Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức và Cán bộ khoa học,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan khoa học và công nghệ.

Điều 2: Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Những quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3: Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Viện trưởng các Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Chu Tuấn Nhạ

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2265/1999/QĐ-BKHCNMT ngày 30/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định cơ chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan khoa học và công nghệ (Viện, Trung tâm..... sau đây gọi tắt là Viện).

Quy chế này được áp dụng cho tất cả các Viện của Nhà nước trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp Nhà nước.

Điều 2. Mục đích

Quy chế thực hiện dân chủ nhằm khuyến khích lao động sáng tạo, tạo môi trường để mọi người có khả năng đóng góp cho xã hội được nhiều nhất, bảo đảm quyền lợi chính đáng về lao động sáng tạo, sở hữu trí tuệ, quyền lợi vật chất, tinh thần; đánh giá công bằng trong lao động khoa học; chống độc đoán, độc tôn, chuyên quyền trong khoa học; chống quan liêu tham nhũng, lãng phí của công; tạo điều kiện để cán bộ công nhân viên tham gia vào quá trình quản lý các hoạt động của Viện.

Điều 3. Các nguyên tắc thực hiện dân chủ

Thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, vai trò của các tổ chức đoàn thể quần chúng bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng và thực hiện chế độ thủ trưởng.

Thực hiện dân chủ trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước bảo đảm cho các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện nghiêm chỉnh và có hiệu quả trong mọi hoạt động của Viện.

Chương 2

DÂN CHỦ TRONG NỘI BỘ VIỆN

MỤC 1: TRÁCH NHIỆM CỦA LÃNH ĐẠO VIỆN.

Điều 4. Chế độ thủ trưởng

Viện trưởng, Giám đốc các cơ quan khoa học và công nghệ (sau đây gọi chung là Viện trưởng) quản lý và điều hành hoạt động của cơ quan theo chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về toàn bộ hoạt động của Viện và về việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý theo quy định của pháp luật

Phó Viện trưởng giúp Viện trưởng điều hành một số công việc theo phân công và uỷ quyền của Viện trưởng và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về công việc được phân công và uỷ quyền.

[...]