ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2263/QĐ-UBND
|
Trà Vinh, ngày 01 tháng 12 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ
NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày
23/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP
ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Thông tư số
36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản
lý chất thải nguy hại;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi
trường quy định về quản lý chất thải y tế;
Căn cứ Quyết định số 748/QĐ-UBND
ngày 11/5/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt Kế hoạch quản
lý chất thải y tế tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 612/TTr-STNMT ngày 30/11/2017 về việc ban
hành Kế hoạch thu gom vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn
tỉnh Trà Vinh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thu gom
vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng
các Sở Ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi
trường;
- Bộ Y tế;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT và các PCT. UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, PNN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Trung Hoàng
|
KẾ HOẠCH
THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2263/QĐ-UBND ngày 01/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)
I. TỔNG QUAN VỀ CÔNG
TÁC QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1.1 Tổng quan về các cơ sở y tế
trên địa bàn tỉnh
Trên địa bàn tỉnh hiện có 09 bệnh viện
gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y Dược cổ truyền, Bệnh viện Lao và Bệnh
phổi, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Quân Dân Y, Bệnh viện Đa khoa Minh Tâm, Bệnh
viện Trường Đại học Trà Vinh, Bệnh viện Đa khoa khu vực cầu Ngang và Bệnh viện
Đa khoa khu vực Tiểu Cần; 06 Trung tâm Y tế gồm: Trung tâm Y tế huyện Châu
Thành, Trung tâm Y tế huyện Trà Cú, Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè, Trung tâm Y tế
huyện Càng Long, Trung tâm Y tế thị xã Duyên Hải, Trung tâm Y tế huyện Duyên Hải
(riêng Trung tâm Y tế huyện Duyên Hải chưa có giường bệnh).
Các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Y
tế gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe,
Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Giám định
Y khoa, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Pháp y, Chi cục An toàn vệ
sinh thực phẩm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
Ở tuyến xã, tỉnh Trà Vinh có 111
cơ sở y tế bao gồm: 106 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, 03 Phòng
khám Đa khoa khu vực (ĐKKV); 02 Trạm Y tế Quân Dân Y kết hợp Đồn Biên phòng.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có
các cơ sở y tế phát sinh chất thải y tế như: Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ,
Công ty Cổ phần Dược phẩm TV PHARM, Phòng khám Đa khoa
Thiên Ân, 01 Khu khám Quân y biên phòng, Trạm xá Công an, Phòng khám Đa khoa Đặng
Tuyền và trên 604 các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
Số giường bệnh của 09 bệnh viện và 06
Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố là 2.050 giường, đạt tỷ lệ 19,5 giường
bệnh/10.000 dân (không tính giường Phòng khám ĐKKV và Trạm Y tế); 03 Phòng khám
ĐKKV (30 giường); 106 Trạm Y tế (590 giường) và 02 Phòng
khám Quân Dân Y kết hợp Đồn Biên phòng (10 giường).
Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều
thực hiện chức năng chẩn đoán và điều trị cho cả bệnh nhân nội trú và ngoại
trú. Năm 2016, công suất sử dụng giường bệnh tuyến tỉnh là 105,9%. Ngoài ra, bệnh
viện công còn thực hiện thêm các chức năng đào tạo, chỉ đạo tuyến, nghiên cứu
khoa học theo quy định của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế tham gia vào công tác khám,
chữa bệnh và cung ứng các dịch vụ y tế khác, 100% các cơ sở này đều là các
phòng khám đa khoa hoặc chuyên khoa, thực hiện một số kỹ thuật y tế và các dịch
vụ cận lâm sàng phục vụ cho chuẩn đoán và điều trị... Các Phòng khám đa khoa
khu vực và Trạm Y tế xã chủ yếu khám chữa bệnh thông thường, khám thai, đỡ đẻ
và điều trị ngoại trú. Một số cơ sở y tế dự phòng có thực hiện dịch vụ khám chữa
bệnh, tiêm phòng, xét nghiệm...như: Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung
tâm Y tế dự phòng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và các
Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị xã.
Tổng số lượt khám bệnh năm 2016 là
2.318.690 lượt người, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 169.425 người, tổng
số lượt làm xét nghiệm các loại là 1.814.824 lượt, tổng số lượt chụp X-Quang là
275.322 lượt, tổng số ca đẻ là 15.159, hiệu quả điều trị tăng, số ngày điều trị trung bình giảm. Đặc biệt, các Bệnh
viện đã triển khai tốt việc tăng cường tổ chức điều trị ngoại trú để giảm quá tải giường bệnh, trong năm 2016 có 14.332 lượt người điều trị
ngoại trú.
1.2. Thành phần chất thải y tế
nguy hại lây nhiễm
1.2.1. Chất thải rắn
a) Khối lượng chất thải rắn y tế
nguy hại lây nhiễm:
Tổng lượng chất thải rắn y tế lây nhiễm
phát sinh tại các cơ sở y tế khoảng 573,87kg/ngày, chưa tính phát sinh chất thải
của các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám ĐKKV và các cơ sở hành nghề
y tư nhân trung bình mỗi ngày thải ra từ 0,1- 0,2 kg chất thải y tế nguy hại và
khoảng 01 - 04 kg chất thải rắn thông thường.
b) Thành phần chất thải rắn:
- Chất thải lây nhiễm sắc nhọn: là chất
thải lây nhiễm có thể gây ra các vết cắt hoặc xuyên thủng bao gồm bơm kim tiêm,
đầu sắc nhọn của dây truyền, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ, lưỡi dao mổ, đinh
mô, cưa, dùng trong phẫu thuật và các vật sắc nhọn khác.
- Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn:
là chất thải bị thấm máu, thấm dịch sinh học của cơ thể và
các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly.
- Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao:
là chất thải phát sinh trong các phòng xét nghiệm: bệnh phẩm và dụng cụ đựng,
dính bệnh phẩm.
- Chất thải giải phẫu bao gồm: các mô, cơ quan, bộ phận cơ thể người, rau thai, bào thai và
xác động vật thí nghiệm.
- Chất thải nguy hại không lây nhiễm
gồm: hóa chất thải bỏ; dược phẩm thải bỏ; thiết bị y tế vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ;
chất hàn răng Amalgam thải bỏ và chất thải khác theo quy định tại Thông tư số
36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản
lý chất thải nguy hại.
1.2.2. Chất thải lỏng
a) Khối lượng nước thải
Theo thống kê của ngành y tế năm
2016, lượng nước thải y tế phát sinh từ các Bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế
tuyến huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh có khối lượng khoảng
762,8 m3/ngày.đêm. Lượng nước thải phát sinh từ
các đơn vị chuyên môn tuyến tỉnh, các cơ sở y tế khác khoảng
dưới 10m3/cơ sở/ngày.đêm; lượng nước thải từ
các Trạm Y tế xã/phường và phòng khám tư nhân dưới 01 m3/cơ sở/ngày.đêm.
b) Thành phần nước thải: Nước thải y
tế có các thành phần hóa học, thành phần vi sinh vật gây ra tác động xấu đến
môi trường, cụ thể:
- Thành phần Nitơ và phospho làm cho
các loại tảo phát triển mạnh dẫn đến đục nước, bốc mùi khó
chịu khi các loại tảo này phân hủy, gây ô nhiễm.
- Thành phần vi sinh vật gây bệnh được
lan truyền trong nước thải bệnh viện, khi không được xử lý sẽ phát tán rất rộng
ra môi trường theo đường nước mặt, gây nhiễm độc cho toàn bộ khu vực xung
quanh.
1.3. Hiện trạng công tác quản lý
chất thải rắn y tế
1.3.1. Công tác quản lý:
Hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn
tỉnh cơ bản thực hiện tốt công tác phân định, phân loại, chất thải ngay tại nguồn
phát sinh thực hiện theo quy định tại Mục I, Chương II Thông tư liên tịch số
58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2915 của liên Bộ Y tế và
Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau đây viết tắt là Thông tư
liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT) quy định về quản lý chất thải y tế; các Bệnh
viện, Trung tâm Y tế đều được đầu tư hệ thống xử lý chất
thải trong quá trình hoạt động.
1.3.2. Vận chuyển chất thải rắn y
tế ra ngoài cơ sở y tế
- Đối với chất thải thông thường: Các
cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận
chuyển và xử lý.
- Đối với chất thải y tế nguy hại:
+ Các Bệnh viện, Trung tâm như: Bệnh
viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y Dược cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tiểu Cần, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cầu Ngang, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi,
Trung tâm Y tế huyện Trà Cú, Trung tâm y tế huyện Càng Long, Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè, Trung tâm y tế huyện
Châu Thành được trang bị lò đốt.
+ Một số cơ sở y tế chưa trang bị lò
đốt rác thải y tế gồm: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung
tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm y tế Thị
xã Duyên Hải, Trung tâm Y tế huyện Duyên Hải, Trung tâm y tế Thành phố Trà Vinh, Bệnh viện Quân - Dân Y, Bệnh viện đa khoa Minh Tâm,
Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh.
+ Một số Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có trang bị lò đốt thủ công, còn tại các phòng
khám tư nhân chất thải y tế nguy hại phải ký hợp đồng với các Bệnh viện, Trung
tâm gần nhất để xử lý. Tuy nhiên, việc vận chuyển chất thải y tế nguy hại phát
sinh từ các cơ sở y tế tư nhân đến nơi xử lý chưa đúng theo quy định do chất thải
không được vận chuyển bằng xe chuyên dùng và chất thải y tế phát sinh từ các cơ sở y tế tư nhân với số
lượng rất ít, trung bình 0,1 - 0,2 kg/ngày/01 phòng khám.
1.3.3. Hiện trạng xử lý chất
thải rắn y tế
a) Hiện trạng xử lý chất thải rắn y tế
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 09 lò đốt
chất thải rắn y tế được bố trí tại các Bệnh viện, Trung
tâm y tế để thu gom và xử lý chất thải rắn y tế phát sinh tại cơ sở. Tuy nhiên,
hệ thống lò đốt của các Bệnh viện, Trung tâm y tế được đầu tư đã lâu đến nay đã
lạc hậu, tốn nhiều chi phí vận hành cho việc xử lý chất thải, gây khó khăn cho ngân sách hoạt động của các Bệnh viện, Trung tâm y tế
và một số lò đốt đã xuống cấp, ngưng hoạt động (chi tiết theo phụ lục 01 đính kèm).
Một số Trạm Y tế, Phòng khám ĐKKV, xử
lý chất thải rắn y tế bằng lò đốt thủ công, một số còn lại
đốt và chôn lắp tại Trạm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
chưa có đơn vị đủ chức năng tham gia thu gom xử lý chất thải rắn y tế nên một số cơ sở y tế hợp đồng với đơn vị ngoài
tỉnh thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế.
b) Hiện trạng xử lý nước thải y tế
Hầu hết các Bệnh viện, Trung tâm y tế
trên địa bàn tỉnh được đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng các công nghệ tiên
tiến như công nghệ AAO, công nghệ AAO kết hợp MRB,...với công
suất từ 50m3/ngày.đêm đến 100m3/ngày.đêm. Hiện nay, các hệ thống xử lý nước thải đang hoạt động, kết quả
phân tích nước thải đầu ra về cơ bản đảm bảo QCVN 28:2010/BTNMT - quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về nước thải y tế.
II. MỤC TIÊU
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước
về chất thải y tế nguy hại; đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và góp phần bảo
vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
- 100% chất thải rắn y tế nguy hại được
thu gom, vận chuyển và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo
quy định.
IV. NỘI DUNG
1. Xử lý chất thải y tế theo mô
hình cụm cơ sở y tế
Thực hiện Quyết định số 170/QĐ-TTg
ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ
thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại
đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh xây dựng Kế hoạch xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế. Mô hình cụm cơ sở y tế
sử dụng công trình hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại bằng
công nghệ hơi nóng kết hợp nghiền cắt, được đầu tư từ nguồn kinh phí của Dự án
Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện do Ngân hàng thế giới tài trợ, cụ thể:
- Cụm 1:
Hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại được đặt tại Bệnh viện Sản Nhi.
- Cụm 2:
Hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại được đặt tại Bệnh
viện Đa khoa khu vực Tiểu Cần
- Cụm 3:
Hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại được đặt tại Bệnh viện Đa khoa khu vực
Cầu Ngang.
(Chi tiết tại phụ lục 02 đính
kèm)
2. Thu gom, vận chuyển chất thải y
tế nguy hại lây nhiễm
- Việc vận chuyển xử lý chất thải y tế
nguy hại lây nhiễm từ các cơ sở y tế trong cụm đến cơ sở xử lý được thực hiện
theo các hình thức nêu tại phụ lục 3 đính kèm.
- Phương tiện vận chuyển: Các đơn vị vận
chuyển chất thải y tế nguy hại lây nhiễm phải sử dụng các phương tiện đáp ứng
các yêu cầu tại khoản 2, 3, 5 Điều 11 Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.
Đối với những khu vực xe vận chuyển chuyên dùng không tới được thì sử dụng các
loại phương tiện khác để thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ cơ sở y
tế đến cơ sở xử lý nhưng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 3,
4 Điều 11 Thông tư Liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.
- Lộ trình thu gom, vận chuyển về cụm
xử lý: Các cụm xử lý thông báo lịch thu gom chất thải y tế cụ thể ngày giờ, lịch
trình thu gom cho các cơ sở y tế mà đơn vị phụ trách thu gom.
- Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại trên phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu
sau:
+ Có thành, đáy, nắp kín, kết cấu cứng,
chịu được va chạm, không bị rách vỡ bởi trọng lượng chất thải, bảo đảm an toàn
trong quá trình vận chuyển.
+ Có biểu tượng về loại chất thải lưu
chứa theo quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số
58/2015/TTLT-BYT-BTNMT với kích thước phù hợp, được in rõ ràng, dễ đọc, không bị
mờ và phai màu trên thiết bị lưu chứa chất thải.
+ Được lắp cố định hoặc có thể tháo rời
trên phương tiện vận chuyển và bảo đảm không bị rơi, đổ trong quá trình vận
chuyển chất thải.
- Thời gian và điều kiện lưu giữ chất
thải y tế thực hiện theo khoản 6, khoản 7 Điều 8 của Thông
tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT, cụ thể:
+ Đối với chất thải lây nhiễm phát
sinh tại cơ sở y tế, thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm tại cơ sở y tế không
quá 02 ngày trong điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ
chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh dưới 8°C,
thời gian lưu giữ tối đa là 07 ngày. Đối với cơ sở y tế có lượng chất thải lây
nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, thời gian lưu giữ không quá 03 ngày trong điều
kiện bình thường và phải được lưu giữ trong các bao bì được buộc kín hoặc thiết
bị lưu chứa được đậy nắp kín.
+ Đối với chất thải lây nhiễm được vận
chuyển từ cơ sở y tế khác về để xử lý theo mô hình cụm hoặc mô hình tập trung,
phải ưu tiên xử lý trong ngày. Trường hợp chưa xử lý ngay trong ngày, phải lưu
giữ ở nhiệt độ dưới 20°C và thời gian lưu giữ tối đa không
quá 02 ngày.
+ Cơ sở y tế thực
hiện xử lý chất thải y tế nguy hại cho cụm cơ sở y tế và Bệnh viện phải có khu
vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định
tại Mục A Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số
58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp các Sở, Ban,
ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai
thực hiện kế hoạch này; đồng thời, hướng dẫn, giám sát các
cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế.
- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện
các quy định về bảo vệ môi trường, công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử
lý chất thải y tế nguy hại lây nhiễm của các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.
-Tổ chức tuyên
truyền, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho
các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
- Báo cáo công tác quản lý chất thải
y tế trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 16 Thông tư liên tịch số
58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Hàng năm, phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá lại quá trình thực hiện kế hoạch thu
gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại của các
cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp với Sở Y tế triển khai, hướng
dẫn các cơ sở y tế thực hiện Kế hoạch này; thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các quy định bảo vệ môi trường và công tác quản
lý chất thải của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; tuyên
truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
- Tổng hợp, báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Y tế tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đơn
giá xử lý chất thải y tế đối với các cơ sở y tế theo mô
hình cụm.
4. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã,
thành phố
- Phối hợp với các Sở, ngành có liên
quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này; tuyên truyền, phổ biến
pháp luật về quản lý chất thải y tế, các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ sở y tế và
các đối tượng liên quan trên địa bàn quản lý.
- Chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra
theo thẩm quyền đối với việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường
của các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý.
5. Các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất
thải y tế nguy hại lây nhiễm
- Triển khai thực hiện công tác thu
gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại lây nhiễm
theo nội dung Kế hoạch này và theo hướng dẫn của Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi
trường. Khi xảy ra sự cố trong quá
trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại
lây nhiễm, các cơ sở y tế, cơ sở xử lý phải khắc phục ngay và báo cáo về cơ quan quản lý địa phương nơi xảy ra sự cố, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi
trường để có giải pháp xử lý kịp thời, đảm bảo chất thải nguy hại lây nhiễm được
xử lý đúng theo quy định.
- Trường hợp chất thải y tế nguy hại
phát sinh vượt quá khả năng xử lý của cơ sở xử lý theo cụm thì phải ký hợp đồng
để xử lý chất thải y tế nguy hại với tổ chức, cá nhân có chức
năng xử lý theo đúng quy định.
- Báo cáo kết quả quản lý chất thải y
tế theo quy định tại Điều 16 Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.
Trong quá trình tổ chức, triển khai
thực hiện Kế hoạch này nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc,
các cơ quan, đơn vị báo cáo về Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đề
xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
PHỤ LỤC 01
DANH SÁCH CÁC LÒ ĐỐT CHẤT THẢI RẮN Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
TRÀ VINH
(Kèm theo Quyết định số: 2263/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12
năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)
Số TT
|
Cơ
sở y tế có lò đốt
|
Công
suất lò đốt
|
Số
lượng CTRYT của đơn vị tự xử lý
|
Hiện
trạng lò đốt
|
1
|
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh
|
200kg/ngày
|
170-230kg/ngày
|
Ngưng
hoạt động
|
2
|
Bệnh viện Y dược cổ Truyền
|
240kg/12
giờ
|
05kg/ngày
|
Đang
hoạt động
|
3
|
Bệnh viện Lao
và bệnh Phổi
|
100kg/12
giờ
|
20kg/ngày
|
Không
hoạt động
|
4
|
Trung tâm Y tế huyện Trà Cú
|
90kg/ngày
|
90kg/ngày
|
Đang
hoạt động
|
5
|
Bệnh viện Đa khoa khu vực Cầu Ngang
|
60kg/ngày
(12 giờ)
|
40kg/ngày
|
Ngưng
hoạt động
|
6
|
Bệnh viện Đa khoa khu vực Tiểu Cần
|
60kg/ngày
(12 giờ)
|
09kg/ngày
|
Đang
hoạt động
|
7
|
Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè
|
180kg/12
giờ/ngày
|
06kg/ngày
|
Đang
hoạt động
|
8
|
Trung tâm Y tế huyện Càng Long
|
160kg/12
giờ
|
60kg/ngày
|
Đang
hoạt động
|
9
|
Trung tâm Y tế huyện Châu Thành
|
15-20kg/ngày
(12 giờ)
|
06kg/ngày
|
Đang
hoạt động
|
PHỤ LỤC 02
CÔNG SUẤT VÀ PHẠM VI XỬ LÝ CỦA CÁC CỤM
THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI
(Kèm theo Quyết định số: 2263/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)
Mô hình cụm
|
CỤM
1
|
CỤM
2
|
CỤM
3
|
Đơn
vị thu gom, vận chuyển, xử lý
|
Bệnh
viện Sản Nhi
ĐC: ấp Bến Có, xã Nguyệt Hóa, huyện
Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
|
Bệnh
viện Đa khoa khu vực Tiểu Cần
ĐC: Xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, Tỉnh
Trà Vinh
|
Bệnh
viện Đa khoa khu vực Cầu Ngang
ĐC: ấp Minh Thuận A, Thị trấn Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
|
Công
suất xử lý
|
02 hệ
thống với công suất mỗi hệ thống là 25- 35 kg/h
|
25-35
kg/h
|
25-35
kg/h
|
Phạm
vi xử lý
|
Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Đa
khoa tỉnh Trà Vinh; Bệnh viện Y Dược cổ truyền; Bệnh viện Lao và bệnh Phổi; Bệnh
viện Quân Dân Y; Bệnh viện Đa khoa Minh Tâm; Bệnh viện Trường Đại học Trà
Vinh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Y tế thành
phố Trà Vinh, Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Trà Vinh; Ban bảo vệ và chăm
sóc sức khỏe cán bộ tỉnh.
|
Trung tâm Y tế huyện Tiểu Cần, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tiểu Cần;
|
Trung tâm Y tế huyện Cầu Ngang, Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Cầu
Ngang;
|
Trung tâm Y tế huyện Châu Thành;
Trung tâm Y tế huyện Càng Long;
|
Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè, Trung tâm Y tế huyện Trà Cú;
|
Trung tâm Y tế Thị Xã Duyên Hải,
Trung tâm Y tế huyện Duyên Hải;
|
Trạm Y tế Xã/Phường/Thị trấn và
Phòng khám ĐKKV thuộc Trung tâm Y tế TP Trà Vinh, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, Trung Tâm Y tế huyện Càng Long;
|
Trạm Y tế Xã/Phường/Thị trấn và
Phòng khám ĐKKV thuộc Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè, Trung
tâm Y Tế huyện Trà Cú, Trung tâm Y tế huyện Tiểu Cần;
|
Trạm Y tế Xã/phường/Thị
trấn thuộc Trung Tâm Y tế huyện Cầu Ngang, Trung tâm Y tế thị xã Duyên Hải,
Trung Tâm Y Tế huyện Duyên Hải;
|
Các Phòng khám tư nhân trên địa bàn
TP. Trà Vinh, huyện Châu Thành và huyện Càng Long.
|
Các Phòng khám tư nhân trên địa bàn
huyện Tiểu Cần, huyện Cầu Kè và huyện Trà Cú.
|
Các Phòng khám tư nhân trên địa bàn
thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải và huyện Cầu Ngang.
|
PHỤ LỤC 03
THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI
THEO MÔ HÌNH CỤM CƠ SỞ Y TẾ
(Kèm theo Quyết định số: 2263/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)
STT
|
Tên cụm
|
Phương tiện vận chuyển
|
Lộ
trình thu gom
|
1
|
Cụm 1: Bệnh viện Sản Nhi
ĐC: ấp Bến Có, xã Nguyệt Hóa, huyện
Châu Thành, tỉnh Trà Vinh
|
1. Xe chuyên dụng của Bệnh viện Sản
Nhi, xe biển số: 84A-002.84; tải trọng 650 kg;
2. Xe chuyên dụng của Bệnh viện Đa
khoa tỉnh, Xe biển số: 84E-0373, trọng tải 550kg.
|
Xe thứ 1: Lộ trình di chuyển từ Bệnh viện Sản Nhi đến Bệnh viện Quân - Dân Y,
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Y tế
thành phố Trà Vinh, Trạm y tế Xã/Phường/Phòng khám đa khoa khu vực thuộc
Trung tâm Y tế thành phố Trà Vinh, các Phòng khám tư
nhân trên địa bàn thành phố Trà Vinh, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh,
Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh, Phòng khám đa khoa Trường Đại học Trà Vinh,
BVĐK Minh Tâm, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi;
Bệnh viện Y Dược cổ truyền nhận chất thải y tế chuyển về Bệnh viện Sản Nhi xử
lý.
Xe thứ 02:
- Lộ trình 1: di chuyển từ Bệnh viện
Sản Nhi đến huyện Càng Long nhận chất thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Càng Long, các Trạm Y tế, các phòng khám tư nhân trên địa bàn
huyện Càng Long về Bệnh viện Sản Nhi xử lý.
- Lộ trình 2: di chuyển từ Bệnh viện
Sản Nhi đến huyện Châu Thành thu gom, vận chuyển chất thải y tế của Trung tâm
Y tế huyện Châu Thành, các trạm y tế/PKĐKKV, các phòng khám tư nhân trên địa
bàn huyện Châu Thành về bệnh viện Sản Nhi xử lý.
|
2
|
Cụm
2: Bệnh viện Đa khoa khu vực Tiểu Cần
ĐC: Xã phú Cần,
huyện Tiểu Cần, Tỉnh Trà Vinh
|
- Xe
chuyên dụng của Bệnh viện Đa khoa khu vực Tiểu Cần, Xe biển số: 84A-002.83,
trọng tải 650 kg.
|
- Lộ trình 1:
di chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tiểu Cần đến huyện
Cầu Kè thu gom chất thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè, các Trạm Y tế, các phòng khám tư nhân trên địa bàn huyện Cầu Kè về cụm Bệnh viện Đa khoa khu vực Tiểu Cần
xử lý.
- Lộ trình 2: di chuyển từ Bệnh viện
Đa khoa khu vực Tiểu Cần đến Trung tâm Y tế huyện Tiểu Cần, các Trạm Y tế/PKĐKKV, các phòng khám tư nhân thu gom chất thải y tế
đưa về cụm Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tiểu Cần xử lý.
- Lộ trình 3: di chuyển từ Bệnh viện
Đa khoa Khu vực Tiểu Cần đến huyện Trà Cú thu gom chất
thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Trà Cú, các Trạm Y tế,
các phòng khám tư nhân trên địa bàn huyện Trà Cú về cụm Bệnh viện Đa khoa khu
vực Tiểu Cần xử lý.
|
3
|
Cụm 3: Bệnh viện Đa khoa khu vực
Cầu Ngang
ĐC: ấp Minh Thuận A, Thị trấn Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
|
Xe
chuyên dụng của Bệnh viện Đa khoa khu vực Cầu Ngang, Xe
biển số: 84A- 000.73, trọng tải 650 kg.
|
Lộ trình: di chuyển từ Bệnh viện Đa
khoa khu vực Cầu Ngang đến Trung tâm Y tế huyện Duyên Hải
thu gom chất thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Duyên Hải,
các Trạm Y tế, phòng khám tư nhân trên địa bàn huyện Duyên Hải, sau đó xe di
chuyển về thị xã Duyên Hải tiếp tục thu gom chất thải y
tế của Trung tâm Y tế thị xã Duyên Hải, các Trạm Y tế, phòng khám tư nhân
trên địa bàn thị xã Duyên Hải tiếp tục di chuyển về huyện Cầu Ngang thu gom chất thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Cầu Ngang, các trạm y tế, phòng khám tư nhân trên địa bàn huyện Cầu Ngang đưa toàn bộ chất thải y tế trên về Bệnh viện Đa khoa Khu vực
Cầu Ngang xử lý.
|