Kế hoạch 18/KH-UBND năm 2018 về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn năm 2018-2020 và định hướng đến năm 2025

Số hiệu 18/KH-UBND
Ngày ban hành 16/01/2018
Ngày có hiệu lực 16/01/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/KH-UBND

An Giang, ngày 16 tháng 01 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN NĂM 2018-2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại, Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế,

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn năm 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025 với những nội dung như sau:

I. TỔNG QUAN VỀ CÁC CƠ SỞ Y TẾ, CHẤT THẢI Y TẾ VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ TẠI CÁC CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Tổng quan về các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh:

Hiện nay, toàn ngành Y tế tỉnh An Giang thực hiện khám, chữa bệnh cho hơn 9 triệu lượt người/năm tại 16 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa;… với tổng cộng 4.555 giường bệnh thực kê (kể cả 03 giường bệnh của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh). Có 4 bệnh viện tư nhân với tổng cộng 530 giường bệnh thực kê. Ngoài ra còn có 22 Trung tâm Y tế tuyến tỉnh, huyện và 02 Chi cục (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Chi cục An toàn thực phẩm). Đến thời điểm này, đã sáp nhập 10 bệnh viện đa khoa và Trung tâm Y tế tuyến huyện thành Trung tâm Y tế huyện có hai chức năng (điều trị và dự phòng).

Công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh trung bình là 125,04%, các bệnh viện tuyến huyện là 115,41%. Các bệnh viện trong tỉnh đều thực hiện chức năng chẩn đoán và điều trị cho cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Một số cơ sở y tế dự phòng có thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh, tiêm phòng, xét nghiệm,... như: Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và các Trung tâm Y tế huyện không có giường bệnh.

Bên cạnh mạng lưới y tế nhà nước, Sở Y tế còn quản lý 3.138 cơ sở dịch vụ y tế tư nhân, bao gồm: Phòng khám đa khoa tư nhân, nhà hộ sinh, phòng khám chuyên khoa, phòng làm răng giả, dịch vụ tiêm chích theo toa, phòng chẩn trị y học cổ truyền,…

2. Số lượng, loại chất thải y tế phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh:

Theo kết quả thống kê năm 2017, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh ước tính khoảng 6.870 kg/ngày, trong đó chất thải rắn y tế không nguy hại là 5.715 kg/ngày và chất thải rắn y tế nguy hại là 1.155 kg/ngày. Dự kiến đến năm 2025-2030, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 10.442 kg/ngày, trong đó chất thải rắn y tế không nguy hại là 8.335 kg/ngày và chất thải rắn y tế nguy hại là 2.107 kg/ngày. Khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh từ các bệnh viện khác nhau phụ thuộc vào các hoạt động khám chữa bệnh và quy mô bệnh viện.

Thành phố Long Xuyên là nơi tập trung nhiều các bệnh viện lớn thuộc tuyến tỉnh, các phòng khám đa khoa lớn nên lượng chất thải rắn y tế phát sinh lớn nhất, tổng lượng phát sinh 2.352 kg/ngày chiếm 34% tổng lượng chất thải rắn y tế toàn tỉnh, kế đến là thành phố Châu Đốc với tổng lượng phát sinh khoảng 1.150 kg/ngày, chiếm 17% tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh toàn tỉnh. Các huyện, thị xã còn lại có tỷ lệ phát sinh trung bình từ 5% - 7% tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh toàn tỉnh.

Thành phần chất thải y tế chủ yếu là các loại như sau:

- Chất thải lây nhiễm: kim tiêm; bơm kim tiêm; đầu sắc nhọn của dây truyền; kim chọc dò; kim châm cứu; lưỡi dao mổ; đinh, cưa dùng trong phẫu thuật; Chất thải thấm, dính, chứa máu hoặc dịch sinh học của cơ thể; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly; mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm phát sinh từ các phòng xét nghiệm an toàn sinh học; chất thải giải phẫu bao gồm: Mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ,...

- Chất thải nguy hại không lây nhiễm: Hóa chất thải bỏ (bao gồm hoặc có các thành phần nguy hại); dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất; thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chức thủy ngân và kim loại nặng; chất hàn răng amalgam thải bỏ và chất thải nguy hại khác.

3. Hiện trạng công tác quản lý và năng lực xử lý chất thải y tế nguy hại của các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh

a) Công tác phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, giảm thiểu, tái chế chất thải y tế nguy hại:

Hiện nay, việc phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, giảm thiểu, tái chế chất thải y tế nguy hại được các cơ sở y tế thực hiện đúng theo quy định tại Mục I, Chương II Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Vận chuyển chất thải rắn y tế ra ngoài cơ sở:

Đối với các cơ sở y tế có thiết bị xử lý chuyên dụng (lò đốt hoặc hệ thống xử lý chất thải y tế bằng công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt) thì chất thải y tế nguy hại được xử lý tại chỗ trong khuôn viên của bệnh viện. Đối với các cơ sở y tế nhỏ và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh có phát sinh chất thải y tế nguy hại nhưng không trang bị thiết bị xử lý thì thực hiện vận chuyển đến các Bệnh viện đa khoa hoặc chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang, đơn vị có chức năng xử lý.

c) Xử lý tiêu hủy chất thải y tế nguy hại:

Đến nay, trong Ngành Y tế toàn tỉnh hiện có 14 lò đốt chất thải y tế đặt tại các Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, Bệnh viện đa khoa khu vực Tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi An Giang, Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu, 08 Bệnh viện huyện và 02 Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, Châu Phú, có công suất từ 20-25 kg/giờ/lò. Trong đó, 10 lò đốt này đầu tư cách đây từ 8 - 17 năm nên thường xuyên bị hư hỏng, xuống cấp và đã hết hạn sử dụng; 04 lò còn mới (03 lò ít hoạt động, 01 lò chưa hoạt động). Một số lò đốt rác đã ngừng hoạt động do khi đốt thải ra rất nhiều khói gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, đã đầu tư mới 04 lò đốt theo dự án của Sở Tài nguyên và Môi trường thay thế 04 lò đốt cũ tại Bệnh viện Đa khoa các huyện: Phú Tân, An Phú, Chợ Mới, Thoại Sơn và 02 hệ thống xử lý cụm chất thải rắn y tế nguy hại bằng công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu có công suất từ 35 kg/giờ/mẻ/hệ thống; khả năng xử lý tại các bệnh viện 280 kg/ngày. Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý tại các bệnh viện chiếm khoảng 73% tương đương khoảng 842 kg/ngày. Khối lượng rác thải y tế nguy hại còn lại chuyển giao các đơn vị có chức năng xử lý 312 kg/ngày.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Từ nay đến năm 2025: 100% chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể

Nâng cao trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế;

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý chất thải y tế;

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ