Quyết định 2223/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 2223/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/12/2014
Ngày có hiệu lực 30/12/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Nguyễn Hoàng Anh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
------------------

Số: 2223/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 30 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH CAO BẰNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ, phê duyệt chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc phê chuẩn Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 2099/TTr-STNMT ngày 29 tháng 12 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên quy hoạch: Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

2. Phạm vi nghiên cứu: Trên toàn tỉnh Cao Bằng.

3. Đối tượng lập quy hoạch: Các hệ sinh thái (HST) tự nhiên, các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn, các nguồn gen và hành lang đa dạng sinh học (ĐDSH).

4. Quan điểm quy hoạch:

- Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Cao Bằng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; Chiến lược quốc gia về ĐDSH; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Quy hoạch bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến 2025...;

- Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên ĐDSH; duy trì và phát triển các dịch vụ sinh thái, bảo vệ môi trường, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH;

- Duy trì có tính ổn định của hệ thống các khu bảo tồn, rừng đặc dụng, vùng nước nội địa;

- Bảo đảm an toàn ĐDSH, giảm mức độ suy thoái cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu;

- Huy động mọi nguồn lực, kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư vào công tác bảo tồn ĐDSH, bảo đảm các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan;

- Tăng cường hợp tác với các tỉnh thành trong cả nước, các Quốc gia, tổ chức quốc tế nhằm thu hút, huy động nguồn lực, kinh nghiệm... để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn ĐDSH.

5. Mục tiêu, chỉ tiêu của quy hoạch.

5.1. Mục tiêu chung.

Bảo vệ và phát triển bền vững các HST tự nhiên, bảo tồn các nguồn gen tự nhiên nguy cấp quý hiếm, các nguồn gen cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao của tỉnh Cao Bằng, sử dụng bền vững tài nguyên ĐDSH; duy trì và phát triển dịch vụ HST nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh.

5.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020.

- Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn ĐDSH;

[...]