Quyết định 2221/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Số hiệu 2221/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/11/2017
Ngày có hiệu lực 30/11/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Hoàng Xuân Ánh
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
CAO BẰNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2221/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 30 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "CƠ CẤU LẠI HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG GẮN VỚI XỬ LÝ NỢ XẤU GIAI ĐOẠN 2016 - 2020" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”;

Xét đề nghị của Giám đốc Chi nhánh Nhà nước tỉnh Cao Bằng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020" trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (có Kế hoạch chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh là cơ quan đầu mối hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình, kết quả, khó khăn trong việc thực hiện đề án, đề xuất giải pháp để xử lý nợ xấu của hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện thành phố; thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- NHNN Việt Nam;
- Thường trực Tỉnh y;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CN Ngân hàng Nhà nước tỉnh;
- Các NHTM trên địa bàn;
- VP: CVP, các PCVP, các CV (scan), Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH(D2).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Xuân Ánh

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "CƠ CẤU LẠI HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG GẮN VỚI XỬ LÝ NỢ XẤU GIAI ĐOẠN 2016 - 2020" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Kèm theo Quyết định số 2221/QĐ-UBND ngày 30/11/2017 của UBND tỉnh)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

- Triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các Ngân hàng thương mại gắn với xử lý nợ xấu tại Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” (sau đây gọi là Đề án); lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các Ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế; phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các Ngân hàng thương mại. Phấn đấu đến năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các Ngân hàng thương mại, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các Ngân hàng thương mại Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Tình hình nợ xấu trên địa bàn

Với đặc điểm của một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới thị trường nhỏ hẹp, hoạt động cho vay trên địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng các Ngân hàng trên địa bàn luôn chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ xấu. Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 30/9/2017 của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là 356.598 triệu đồng, chiếm 3,54%/tổng dư nợ xác định theo Nghị quyết 42, trong đó tổng nợ xấu tại các Ngân hàng là 308.644 triệu đồng, chiếm 3,07%/tổng dư nợ, nợ xấu đã bán cho VAMC là 47.954 triệu đồng.

Trong tổng nợ xấu toàn địa bàn thì nợ xấu của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng thấp, tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức dưới 2%, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển tỉnh chiếm 57%/tổng nợ xấu toàn địa bàn, tỷ lệ nợ xấu ở mức 33,66%.

Nợ xấu tập trung chủ yếu ở nhóm khách hàng doanh nghiệp như: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân... đặc biệt dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt 95.568 triệu đồng nhưng nợ xấu phát sinh từ đối tượng khách hàng này là 57.395 triệu đồng. Trong các lĩnh vực kinh tế, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khí đốt phát sinh tỷ lệ nợ xấu cao, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ cho vay nhưng tỷ lệ nợ xấu từ lĩnh vực này thấp

2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai thực hiện

Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, cơ quan báo, đài trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh trong việc quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nêu tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này; tích cực thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống Ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

3. Rà soát khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng

Thực hiện rà soát những khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ngành Ngân hàng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác. Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho việc cơ cấu lại hệ thống các Ngân hàng và xử lý nợ xấu thành công.

[...]