ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 222/QĐ-UBND
|
Hòa Bình, ngày 28
tháng 02 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN CÁC KHU VỰC NGOÀI
VÙNG ĐỘNG LỰC CỦA TỈNH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 917/QĐ-TTg
ngày 11 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1555/QĐ-UBND
ngày 17 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 tỉnh Hòa Bình;
Căn cứ Quyết định số 2193/QĐ-UBND
ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương hướng, giải
pháp chủ yếu phát triển vùng động lực tỉnh Hòa Bình đến năm 2015, định hướng đến
năm 2020;
Căn cứ Quyết định 1314/QĐ-UBND
ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch xây dựng
Vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế
hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt phương hướng, giải pháp chủ yếu phát
triển các khu vực ngoài vùng động lực tỉnh Hòa Bình đến năm 2015, định hướng đến
năm 2020, gồm 7 huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi,
Yên Thủy và các xã phía nam huyện Lạc Thủy (các xã ngoài vùng động lực của tỉnh);
một số xã vùng cao, xã đặc biệt khó khăn của các huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn, thành
phố Hòa Bình.
Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về
tài nguyên và con người, tạo thành vùng phát triển nhanh về kinh tế, tiến bộ về
xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản
sắc các dân tộc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.
Điều 2. Quan điểm phát triển
Phát triển các khu vực ngoài vùng động
lực nhằm cụ thể hóa mục tiêu: Xây dựng tỉnh Hòa Bình có bước phát triển ngang với
mức trung bình của cả nước và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.
Phát triển các khu vực ngoài vùng động lực hướng vào phát triển công nghiệp
tiên tiến và dịch vụ chất lượng; phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển nông
nghiệp hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ cao gắn với quy mô hợp lý để
thúc đẩy giảm nghèo, tiến tới có thu nhập khá; gắn liền với
giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa
Bình.
Điều 3. Mục tiêu, phương hướng phát triển chủ yếu
Phát triển các khu vực ngoài vùng động
lực nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất tập trung tạo ra giá trị gia tăng cao; giữ
gìn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trọng tâm cần tập trung:
Phát triển nông,
lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nông nghiệp tập trung, nâng cao năng suất, chất
lượng sản phẩm gắn với thị trường, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào
sản xuất; làm tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, phòng chống khai
thác rừng trái phép; giữ gìn và bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh sạch. Phát
triển nông nghiệp sản xuất sản phẩm đặc thù, đặc sản dựa
trên việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; coi trọng giá trị, tính
độc đáo, tính văn hóa, tính cá biệt và chất lượng của sản phẩm.
Phát triển sản xuất công nghiệp hợp
lý ở những nơi có điều kiện thuận lợi, nhưng phải bảo đảm đúng quy hoạch, thân
thiện với môi trường.
Phát triển du lịch, coi du lịch là
ngành kinh tế mũi nhọn mang tính chiến lược của vùng, hình
thành các tour, tuyến du lịch; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch mạo
hiểm, du lịch tâm linh, đẩy mạnh phát triển các ngành nghề truyền thống.
Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế -
xã hội (giao thông, thủy lợi, điện, nước, cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo,
y tế, văn hóa, thể thao,...) tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt
của nhân dân.
Phát triển giáo dục, văn hóa, thể
thao, y tế nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân; đồng thời giữ
gìn, bảo tồn, phát huy, khai thác nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc.
Thực hiện chương trình mục tiêu xóa
đói, giảm nghèo bền vững, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, để không ngừng
nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số.
Tăng cường công tác quốc phòng, an
ninh; bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc.
Điều 4. Phát triển nông nghiệp, nông thôn
Rà soát, quy hoạch sản xuất nông nghiệp
theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thâm canh cao phù hợp với điều
kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng; ưu tiên các sản phẩm đặc sản, đặc
thù hướng tới thị trường thành phố Hà Nội và phục vụ nhu cầu tại chỗ.
Nhân rộng mô hình dồn điền, đổi thửa đã làm tốt (như xã Dân Chủ, thành phố Hòa Bình; xã Sơn Thủy, Vĩnh Đồng huyện Kim Bôi; xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy), phấn đấu
đến năm 2015 cơ bản mô hình dồn điền, đổi thửa được thực hiện trên địa bàn toàn
tỉnh. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân dồn điền đổi thửa theo
nguyên tắc tự nguyện; gắn việc rà soát, đo đạc, chỉnh lý bản đồ sau dồn điền đổi
thửa; lập hồ sơ, cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông
dân.
Quy hoạch và ban hành chính sách hỗ
trợ phát triển các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm có lợi thế của tỉnh để
trở thành sản phẩm mũi nhọn có sức cạnh tranh cao thâm nhập thị trường thành phố
Hà Nội, trong nước và quốc tế như: Vùng cam, vùng bưởi,
rau su su, tỏi tía, mía tím, chè, rau hữu cơ, hoa... chăn nuôi bò sữa, trang trại
chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản quy mô lớn,... Xây dựng Đề án đến năm 2020
mỗi huyện có thêm ít nhất một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có quy mô sản xuất
khá lớn, có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường (như cam Cao Phong, bưởi Tân
Lạc, nhãn, dưa hấu Kim Bôi, tỏi Mai Châu...) với khẩu hiệu "Mỗi huyện,
thành phố một sản phẩm".
Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ
nông dân, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tiêu chuẩn, quy trình ISO; hỗ trợ kiểm
tra, chứng nhận chất lượng, độ an toàn của sản phẩm; đăng ký thương hiệu, nhãn
hiệu hàng hóa nhằm tăng khả năng thương mại hóa, thâm nhập thị trường, đặc biệt
là các siêu thị, trung tâm thương mại lớn (tập trung vào thị trường Hà Nội).
Xây dựng cơ sở dữ liệu và giới thiệu,
quảng bá về tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp của từng vùng, từng
khu vực (đất đai, khí hậu, cây trồng, vật nuôi, tập quán canh tác,…); lập các chương trình, dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông
nghiệp; lập và tổ chức thực hiện chương trình thu hút đầu tư vào sản xuất nông
nghiệp.
Chủ động giữ mối quan hệ thường xuyên
với thành phố Hà Nội để tăng cường hợp tác giữa hai địa phương trong việc mở
mang thị trường cho các sản phẩm nông sản của Hòa Bình tại thành phố Hà Nội;
thu hút chuyển giao kỹ thuật công nghệ, tài chính của thủ đô cho phát triển
nông nghiệp công nghệ cao tại Hòa Bình.
Tổ chức lồng ghép các chương trình, dự
án để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bảo đảm
đúng quy hoạch.
Điều 5. Phát triển du lịch
Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hòa Bình đến
năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 để xây dựng, bổ sung Quy hoạch phát triển du lịch
của tỉnh, hình thành các tour, tuyến, điểm du lịch có tiềm năng để đầu tư, khai
thác trong dài hạn. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch để bảo tồn văn hóa, kiến
trúc, trang phục, ẩm thực và các phong tục tập quán tiến bộ để tạo thêm khu du
lịch văn hóa các dân tộc thiểu số.
Xây dựng cơ sở dữ liệu và giới thiệu,
quảng bá về tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình (cụ thể đối với từng
vùng, từng khu vực, từng điểm, tuyến du lịch); lập các chương trình, dự án thu
hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; lập và tổ chức thực hiện chương trình thu hút
đầu tư vào phát triển du lịch.
Chủ động giữ mối quan hệ với các địa
chỉ du lịch có uy tín để được giúp đỡ quảng bá, thu hút khách du lịch; mở các
tour, tuyến du lịch lữ hành; hợp tác tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch; thu
hút đầu tư du lịch từ Thủ đô. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, cơ sở lữ
hành.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ
phát triển du lịch, tập trung giúp các doanh nghiệp làm du lịch, các hoạt động
du lịch cộng đồng (như du lịch bản Thái, bản Mường, bản Tày, bản Dao,...), hoạt
động văn hóa, lễ hội gắn với du lịch, người lao động trong lĩnh vực du lịch.
Xây dựng, ban hành các cơ chế phối kết
hợp giữa phát triển du lịch với sử dụng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương
và sử dụng sản phẩm nông nghiệp địa phương để thu hút khách du lịch; phối hợp giữa du lịch và bản sắc văn hóa, tín ngưỡng các dân tộc và sử dụng bản
sắc văn hóa tín ngưỡng các dân tộc để thu hút khách du lịch; phối hợp giữa quy
hoạch phát triển du lịch với quy hoạch sản xuất công nghiệp để sản xuất công
nghiệp không tác động xấu đến du lịch do ô nhiễm môi trường; phối hợp giữa quy
hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng với quy hoạch phát triển du lịch, tạo điều
kiện ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng du lịch.
Kêu gọi đầu tư, nhà nước hỗ trợ, ưu
tiên đầu tư hạ tầng các khu, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện
cho các nhà đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh du lịch, trước mắt tập trung vào
các khu vực sau:
+ Khu du lịch thị trấn Mai Châu (vùng
thung lũng thị trấn Mai Châu, gồm các bản: Lác, Poom Cọng, thị trấn và khu vực
xung quanh).
+ Khu du lịch Kim Bôi (khu suối
Khoáng).
+ Khu du lịch Hồ sông Đà (tập trung
vào khu đền và thác Bờ, các cảng Thung Nai, Bích Hạ, thuộc thành phố Hòa Bình,
Đà Bắc, Mai Châu, Cao Phong, Tân Lạc).
+ Khu du lịch Sam Tạng (xã Noong
Luông, huyện Mai Châu).
+ Khu du lịch Ngòi Hoa (xã Ngòi Hoa,
huyện Tân Lạc).
+ Khu du lịch sinh thái văn hóa Mường
(thuộc các xã Phong Phú, Địch Giáo, Quyết Chiến, Lũng Vân, Nam Sơn, huyện Tân Lạc).
+ Tuyến du lịch thuộc huyện Cao Phong
gồm: Lòng hồ sông Đà, Đền Thác Bờ (xã Thung Nai), quần thể
hang động Núi Đầu Rồng, khu vực vườn cam (thị trấn Cao Phong), Chùa Quèn Ang
(xã Tân Phong), Chùa Khánh (xã Yên Thượng).
Điều 6. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Kêu gọi và tạo điều kiện cho các nhà
đầu tư đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; đồng thời nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ
tầng theo chính sách và hỗ trợ giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, xây dựng hạ
tầng đến chân hàng rào khu, cụm công nghiệp.
Cơ chế đầu tư đối với khu, cụm công
nghiệp thực hiện như đối với vùng động lực (theo Quyết định số 2193/QĐ-UBND
ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh) nhằm bảo đảm phát triển các
khu, cụm công nghiệp theo đúng quy hoạch, không ảnh hưởng đến môi trường, cảnh
quan, bảo đảm phát triển công nghiệp hài hòa, không ảnh hưởng đến phát triển du
lịch.
Tiểu thủ công nghiệp tập trung phát
triển ngành nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh nhằm phục vụ
du lịch và hướng tới xuất khẩu như: Sản xuất rượu cần, dệt thổ cẩm, thêu ren,
thủ công mỹ nghệ...; đồng thời phát triển thêm các ngành nghề mới như: Chổi
chít, tăm hương, mây tre đan...
Điều 7. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
1. Đầu tư hạ tầng giao thông
Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh
đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để sớm đầu tư hoàn thành các tuyến đường
trọng yếu của vùng:
+ Quốc lộ 12B (Tân Lạc - Lạc Sơn -
Yên Thủy); Nâng cấp Quốc lộ 15 (huyện Mai Châu).
+ Đường 12B (huyện Kim Bôi), nâng cấp
Đường tỉnh 433 (huyện Đà Bắc), Đường tỉnh 435 (từ thành phố Hòa Bình đi khu
danh thắng đền Bờ thuộc khu du lịch lòng hồ sông Đà).
Đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh
lộ, huyện lộ, đường xã, giao thông nông thôn theo quy hoạch giao thông được duyệt;
xây dựng các cảng, bến thuyền trên các tuyến giao thông thủy.
2. Phát triển hạ tầng đô thị
Huy động, khai thác tối đa các nguồn
vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các đô thị (thị trấn): Mai Châu (huyện Mai Châu);
Tu Lý (huyện Đà Bắc); Mường Khến (huyện Tân Lạc); Vụ Bản (huyện Lạc Sơn); Bưng
(huyện Cao Phong); Bo (huyện Kim Bôi); Chi Nê (huyện Lạc Thủy); Hàng Trạm (huyện
Yên Thủy).
Trọng tâm đầu tư vào các tuyến đường
nội thị, chợ, trung tâm thương mại, nhà văn hóa, thể thao, khu vui chơi, giải
trí.
3. Đầu tư điện
Chủ động lồng ghép các nguồn vốn để tiếp
tục đầu tư hệ thống điện của các xóm chưa có điện, đồng thời nâng cấp mạng điện,
chất lượng điện cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của người dân theo Quy hoạch
chi tiết lưới điện các huyện, thành phố giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm
2020 đã được phê duyệt. Ưu tiên đầu tư hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất tại
các khu, cụm công nghiệp trong khu vực.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng
các dự án nhà máy thủy điện nhỏ góp phần bảo đảm chất lượng điện và nhu cầu sản
xuất, sinh hoạt của người dân.
4. Hạ tầng thương mại
Phát triển mạng lưới siêu thị, trung
tâm thương mại, hạ tầng các chợ bảo đảm phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng
lưới bán buôn, bán lẻ tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định
số 270/QĐ-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Huy động các nguồn vốn, trong đó chú
trọng nguồn xã hội hóa để nâng cấp, đầu tư xây dựng các chợ nông thôn, vùng
sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn bảo đảm các điều kiện về vệ sinh
an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao trình độ văn minh thương mại.
Việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các chợ nông thôn theo hướng bảo đảm tiêu chí
số 7, Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
5. Đầu tư thủy lợi, nước sạch và vệ
sinh môi trường nông thôn
Lồng ghép các chương trình, dự án đầu
tư các công trình thủy lợi bảo đảm tưới tiêu cho 90% diện tích cây trồng hàng
năm; nước sạch phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông
thôn của nhân dân vùng nông thôn, vùng khó khăn.
6. Đầu tư trường, lớp học
Khai thác các nguồn vốn đầu tư cơ sở
vật chất, trang thiết bị cho các trường lớp học, cơ bản 100% trường học các cấp
học có đủ phòng học kiên cố, các điểm chính có đủ các phòng chức năng và được đầu
tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn quốc gia.
Đầu tư các trung tâm dạy nghề ở các
huyện.
7. Đầu tư bệnh viện, trạm xá
Huy động các nguồn vốn để đầu tư hoàn
thành các bệnh viện tuyến huyện (chủ yếu là trang thiết bị và xử lý chất thải);
trung tâm y tế dự phòng các huyện; đầu tư trạm y tế xã
theo hướng đạt chuẩn.
8. Đầu tư các công trình văn hóa, thể
thao, trụ sở
Tiếp tục đầu tư các công trình văn
hóa thể thao: Nhà văn hóa huyện, xã, thôn; sân vận động huyện, xã; trụ sở xã.
Điều 8. Giữ gìn, bảo tồn và
phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc
Nghiên cứu, xây dựng đề án hoặc đề
tài khoa học bảo vệ, phát huy, quảng bá về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân
tộc. Gắn với các hoạt động du lịch lễ hội, văn hóa cộng đồng
các dân tộc tại địa phương.
Xây dựng và bảo tồn, phát triển các
ngành nghề truyền thống, làng nghề, sản phẩm đặc trưng văn hóa của vùng, của đồng
bào dân tộc thiểu số, nhất là những sản phẩm mang đậm nét văn hóa nhằm phục vụ
các hoạt động du lịch (như thổ cẩm, rượu cần, cơm
lam,...).
Điều 9. Xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát
triển bền vững
Nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế
lồng ghép các hoạt động đầu tư, các chương trình, dự án vào kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội; bảo đảm kế hoạch trở thành công cụ chỉ đạo,
điều hành có hiệu quả của chính quyền các cấp và là công cụ
để người dân tham gia quản lý nhà nước và quyết định các vấn đề của địa phương.
Tăng cường phân cấp ngân sách, nhất
là phân cấp về đầu tư cho chính quyền cơ sở, bảo đảm cấp xã có đủ vốn đầu tư thực
hiện các công trình quy mô nhỏ phục vụ thiết thực nhu cầu của người dân. Xây dựng
tiêu chí để phân bổ ngân sách đầu tư cho chính quyền cấp xã.
Xây dựng hạ tầng viễn thông băng
thông rộng đến xã; tăng diện phủ sóng truyền hình; nâng cao hiệu quả hoạt động
của các điểm bưu điện văn hóa xã nhằm phổ cập dịch vụ viễn
thông và internet đến người dân.
Thống kê, rà soát, xây dựng, thực hiện
đề án đầu tư, hỗ trợ dứt điểm các thôn, bản khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình
(như hạ tầng; phát triển sản xuất; sự nghiệp văn hóa xã hội).
Xây dựng, lồng ghép, triển khai chính
sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù như lao động nông thôn được
hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc
thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác,...
Làm điểm và nhân rộng các mô hình giảm
nghèo bền vững cho các huyện, trước mắt bảo đảm mỗi huyện có một mô hình.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, đầu tư
phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà cơ bản hoàn thành vào năm
2020.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch
phát triển vùng CT229, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn thực
hiện Chương trình.
Thực hiện dự án phát triển 2 xã Hang
Kia - Pà Cò (thuộc Đề án 03); đề nghị trung ương hỗ trợ thực hiện để bảo đảm điều
kiện về hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào H’Mông.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương
trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05
tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân
sách Trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính
sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày
27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền
vững đối với 62 huyện nghèo.
Tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 41/2010/NĐ-CP
ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển
nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp tục tổ chức thực hiện các chương
trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, Việc làm, Nước sạch và vệ sinh
môi trường nông thôn, Ứng phó với biến đổi khí hậu;... Chương trình bảo vệ và
phát triển rừng bền vững; Dự án Giảm nghèo (WB);... tạo thuận lợi cho phát triển
cơ sở hạ tầng, sinh kế, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, nhất là vùng khó khăn;
thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã
hội khác.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Thành lập Ban chỉ đạo phát triển
các khu vực ngoài vùng động lực do một đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh
làm trưởng ban, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn làm phó ban. Các ủy viên là lãnh đạo các
ngành, các huyện trong vùng. Ban chỉ đạo giúp Tỉnh ủy, Ủy ban
nhân dân tỉnh chỉ đạo việc phát triển vùng.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan
thường trực Ban chỉ đạo phát triển các khu vực ngoài vùng động lực, có nhiệm vụ
tổng hợp tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp cho Ban chỉ đạo.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt
chương trình hành động cụ thể giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương; các
ngành, địa phương chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế, dự án cụ thể trong kế hoạch
để triển khai trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện.
Căn cứ các cơ chế, chính sách của Nhà
nước, các ngành, địa phương huy động, lồng ghép các nguồn vốn: Ngân sách tỉnh;
Chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn vốn Nghị quyết số 37-NQ/TW; nguồn vốn
theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; nguồn vốn của các tổ chức tín dụng cho vay phục vụ phát triển nông
nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của
Chính phủ; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển
dân sông Đà; Chương trình CT229; Dự án Giảm nghèo giai đoạn II; Dự án phát triển
nông thôn đa mục tiêu Đà Bắc; nguồn ODA, NGO; nguồn vốn từ các cộng đồng doanh
nghiệp, từ trong dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.
4. Định kỳ hằng năm, các ngành, địa
phương tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện cơ chế, chính sách, chương trình, dự
án phát triển các khu vực ngoài vùng động lực do mình phụ trách; đồng thời đề xuất
giải pháp, cơ chế, chính sách, chương trình, dự án mới, báo cáo Ủy ban nhân dân
tỉnh (đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp).
Điều 11. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 12. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như điều 12;
- Ủy ban Dân tộc;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Ủy viên TV Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các đoàn thể tỉnh;
- Chánh, Phó VP/UBND tỉnh;
- Các CV VP/UBND tỉnh;
- Lưu: VT, THKH (ĐT80).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Bùi Văn Tỉnh
|