Quyết định 2193/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt phương hướng, giải pháp chủ yếu vùng động lực tỉnh Hòa Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020

Số hiệu 2193/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/11/2011
Ngày có hiệu lực 08/11/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hòa Bình
Người ký Bùi Văn Tỉnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HOÀ BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2193/QĐ-UBND

Hoà Bình, ngày 08 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỘNG LỰC TỈNH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 144/2010/NQ-HĐND ngày 21 tháng 7 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt phương hướng, giải pháp chủ yếu phát triển vùng động lực tỉnh Hòa Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, gồm:

1. Vùng động lực

Trục trung tâm dọc Quốc lộ 6, đường cao tốc Hòa Lạc – thành phố Hòa Bình, lấy thành phố Hòa Bình làm hạt nhân. Dải hành lang tiếp giáp với Hà Nội dọc theo đường Hồ Chí Minh (thuộc phía bắc huyện Kỳ Sơn, và dọc theo huyện Lương Sơn đến bắc huyện Lạc Thủy), lấy huyện Lương Sơn làm hạt nhân.

Phát triển vùng động lực nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ chế, chính sách và con người, tạo thành vùng phát triển năng động về kinh tế, tiến bộ nhanh về văn hóa - xã hội, phát huy cao nội lực, ứng dụng những thành tựu kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, tạo thành đầu tàu thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

2. Quan điểm phát triển

Phát triển vùng động lực nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện và đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong kế hoạch trung, dài hạn (đã được Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua và Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt), cụ thể: Xây dựng tỉnh Hòa Bình có bước phát triển ngang với mức trung bình của cả nước và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Nền kinh tế đi lên từ phát triển công nghiệp tiên tiến và dịch vụ, có nền nông nghiệp, nông thôn phát triển, thân thiện với môi trường; gắn liền với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc tỉnh Hòa Bình”.

3. Mục tiêu, phương hướng phát triển chủ yếu

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng đạt tối thiểu 15%, cơ cấu kinh tế năm 2015: nông nghiệp giảm còn 12 - 15%, công nghiệp – dịch vụ đạt trên 85 - 88%.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp (công nghiệp chế tạo, công nghiệp nhẹ thuộc các lĩnh vực, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản…), dịch vụ (thương mại, du lịch, vui chơi giải trí, bưu chính viễn thông, tư vấn, tin học, tài chính tín dụng, khoa học công nghệ và các dịch vụ công nghệ cao, dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao) trên cơ sở khai thác tiềm năng thế mạnh và lợi thế của địa phương, hướng tới thị trường thành phố Hà Nội, đồng bằng sông Hồng, thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phát triển nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) theo hướng sản xuất hàng hóa, coi trọng chất lượng, sản phẩm sạch, hàm lượng dinh dưỡng cao, đáp ứng nhu cầu thành phố Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ, tiến tới phục vụ xuất khẩu.

Phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, dịch vụ kết nối với thành phố Hà Nội và vùng phụ cận đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển văn hóa - xã hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục y tế, văn hóa, thể thao, mở rộng đào tạo nghề. Triển khai mạnh công tác xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội và dạy nghề. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Giữ vững quốc phòng, an ninh, quản lý chặt chẽ địa bàn trọng điểm, các công trình quốc phòng, an ninh, khu quân sự. Hạn chế tối đa tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm xã hội phát triển lành mạnh.

4. Quy hoạch và cơ chế chính sách

a) Công tác quy hoạch

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng động lực tỉnh Hòa Bình. Trong đó mỗi địa phương vùng động lực là một hợp phần của quy hoạch. Quy hoạch hợp phần của địa phương phải lựa chọn một hoặc hai lĩnh vực mũi nhọn mà địa phương có thế mạnh để tập trung phát triển.

Quy hoạch xây dựng vùng cho vùng động lực làm cơ sở để quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp, các khu thương mại, dịch vụ, du lịch,...

Quy hoạch sử dụng đất cho vùng động lực theo hướng tiết kiệm quỹ đất (nhất là những nơi thuận lợi về giao thông, mặt bằng), trong đó xác định rõ đất đai dành cho phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ và đất cho sản xuất nông nghiệp.

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao.

b) Quản lý ngân sách

Phân chia tỷ lệ (%) điều tiết nguồn thu cho ngân sách các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn vùng động lực tối đa mức trần mà Luật Ngân sách nhà nước cho phép (đặc biệt đối với khoản thu sử dụng đất nhằm tăng tính chủ động cho chính quyền địa phương).

[...]