Quyết định 2215/QĐ-TTg năm 2021 về Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2215/QĐ-TTg
Ngày ban hành 28/12/2021
Ngày có hiệu lực 28/12/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2215/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC/DIOXIN SAU CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 701/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại Tờ trình số 4956/TTr-BQP ngày 10 tháng 12 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
- Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam;
- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;
- Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các cơ quan thành viên BCĐ 701;
- BQP: VP BCĐ 701, QC PKKQ, BTL H
óa học;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: NC, NN, QHQT, KTTH, TH;
- Lưu: VT, KGVX (2).

THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC/DIOXIN SAU CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)

I. QUAN ĐIỂM

Khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, các nước, tổ chức, cá nhân có liên quan; được tổ chức thực hiện đồng bộ với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo từng thời điểm, giai đoạn cụ thể, vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và phát triển kinh tế, xã hội; được kết hợp, lồng ghép vào trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án; tạo điều kiện thuận lợi, huy động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế thực hiện hiệu quả công tác này.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Hoàn thành xử lý các điểm nóng và các khu vực bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam; kiểm soát toàn bộ các nguy cơ ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin đối với sức khỏe con người để không gia tăng nạn nhân; rà soát, xác định các nạn nhân chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam, hỗ trợ nạn nhân vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng; có đủ năng lực đđánh giá, kiểm soát, xử lý, phân tích, quản lý hiệu quả toàn bộ các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Hoàn thành xử lý triệt để 100% các điểm nóng và các khu vực bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam; năm 2025 hoàn thành xử lý ô nhiễm tại khu vực sân bay A So (tỉnh Thừa - Thiên Huế), khu vực sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định); trước năm 2030 hoàn thành xử lý tại khu vực sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và các khu vực mới phát hiện.

b) Đến năm 2025 kiểm soát được trên 85% nguy cơ phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin từ các điểm nóng, khu vực ô nhiễm, đến năm 2030 đạt 100% để không làm gia tăng nạn nhân ở các khu vực này.

c) Đến năm 2025 xác định được trên 90% nạn nhân, đến năm 2030 hoàn thành việc xác định nạn nhân qua các thế hệ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định; các nạn nhân được hưởng mức chế độ, chính sách của Nhà nước để cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi về việc làm phù hợp, vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

d) Đảm bảo 100% phụ nữ có thai tại các vùng ô nhiễm nặng, 100% nạn nhân được quản lý thai nghén, được tư vấn sinh sản nhằm giảm nguy cơ gia tăng nạn nhân ở các thế hệ tiếp theo.

đ) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, thông tin đáp ứng các yêu cầu quản lý các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh.

e) Đảm bảo Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường, các cơ sở nghiên cứu, xử lý chất độc hóa học/dioxin của các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 701 có đủ năng lực ở mức tiên tiến, hiện đại để tổ chức đánh giá, kiểm soát, xử lý, phân tích, quản lý toàn bộ hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam.

[...]