Quyết định 2210/QĐ-TCĐBVN năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý đường bộ IV thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Số hiệu 2210/QĐ-TCĐBVN
Ngày ban hành 24/09/2014
Ngày có hiệu lực 24/09/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tổng cục đường bộ Việt Nam
Người ký Nguyễn Văn Huyện
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
TỔNG CỤC ĐƯỜNG BỘ
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2210/QĐ-TCĐBVN

Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC QUẢN LÝ ĐƯỜNG BỘ IV THUỘC TỔNG CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM

Căn cứ Quyết định số 60/2013/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Thanh tra ngành Giao thông vận tải;

Căn cứ Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 4038/QĐ-BGTVT ngày 09 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc thành lập các Chi cục trực thuộc Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV;

Căn cứ Quyết định số 3323/QĐ-BGTVT ngày 29 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong việc giám sát, thực hiện hợp đồng BOT giai đoạn kinh doanh và chuyển giao các dự án thuộc lĩnh vực đường bộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng

1. Cục Quản lý đường bộ IV là tổ chức trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông đường bộ trên khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ; trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống quốc lộ thuộc các tỉnh, thành phố từ Ninh Thuận, Lâm Đồng trở vào (không bao gồm một số tuyến, đoạn tuyến quốc lộ ủy thác cho địa phương quản lý).

2. Cục Quản lý đường bộ IV có tư cách pháp nhân, có con dấu, được hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và có trụ sở đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Tham gia xây dựng để trình cấp có thẩm quyền:

a) Quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án, đề án về giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi quản lý;

b) Các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về quản lý, bảo trì và khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ.

2. Tổ chức thực hiện và kiểm tra thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chương trình quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, đề án về giao thông vận tải đường bộ trong khu vực quản lý; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải đường bộ.

3. Tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác các tuyến quốc lộ được giao

a) Quản lý kết cấu hạ tầng, theo dõi, báo cáo và cập nhật số liệu về tình trạng kỹ thuật công trình đường bộ vào cơ sở dữ liệu đường bộ;

b) Tổ chức giao thông; rà soát, đặt hệ thống báo hiệu đường bộ, mốc lộ giới, mốc giải phóng mặt bằng, hành lang an toàn đường bộ;

c) Chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với dự án xây dựng mới nhóm C, dự án sửa chữa, nâng cấp liên quan đến đường từ cấp III trở xuống; cấp phép thi công công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; cấp phép thi công xây dựng biển quảng cáo tạm thời trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ;

d) Tham gia ý kiến vào quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ; Chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của các nút giao đấu nối, điểm đấu nối tạm thời liên quan đến đường cấp IV trở xuống; cấp phép thi công nút giao đấu nối, điểm đấu nối tạm thời vào quốc lộ;

đ) Chỉ đạo, giám sát hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng xe do Cục quản lý; kiểm tra, giám sát hoạt động của các trạm kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ do địa phương quản lý;

e) Tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lụt và tìm kiếm cứu nạn trên quốc lộ; tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông khi có thiên tai;

g) Tổ chức công tác thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông đối với quốc lộ; thống kê tai nạn giao thông, cầu yếu, vị trí mất an toàn giao thông; triển khai các dự án về an toàn giao thông đường bộ;

h) Cải tạo, sửa chữa, mua sắm và quản lý phương tiện, vật tư dự phòng đảm bảo giao thông;

i) Lập và trình phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ hàng năm; xây dựng trình thẩm định, phê duyệt giá sản phẩm, dịch vụ công ích về quản lý, bảo trì đường bộ;

[...]