Quyết định 212/2006/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện cải cách hành chính của thành phố Hà Nội giai đoạn 2006 – 2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 212/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/12/2006
Ngày có hiệu lực 01/12/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Quốc Triệu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 212/2006/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2006 – 2010.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ vào quyết định 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010;
Căn cứ vào quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006 – 2010;
Căn cứ Chương trình số 04/CTr-TU ngày 10/5/2006 của Thành ủy Hà Nội về cải cách hành chính góp phần nâng cao hiệu lực chính quyền các cấp giai đoạn 2006 – 2010;
Theo đề nghị của Giám đốc sở Nội vụ - Thường trực Ban chỉ đạo CCHC Thành phố,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này bản Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2006 – 2010.

Khi thực hiện nhiệm vụ được giao, yêu cầu Sở Nội vụ - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo CCHC Thành phố, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện bám sát mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đã được Thành ủy đề ra trong Chương trình 04/CTr-TU về cải cách hành chính góp phần nâng cao hiệu lực chính quyền các cấp giai đoạn 2006 – 2010, cụ thể là:

a) Mục tiêu thực hiện kế hoạch:

1. Thủ tục hành chính và dịch vụ công đơn giản, thuận tiện.

2. Bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

3. Đội ngũ công chức viên chức chuyên nghiệp, có tư cách đạo đức tốt, có tinh thần phục vụ nhân dân, có kỹ năng thực thi công vụ.

4. Các cơ quan hành chính, sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả.

b) Các nhiệm vụ trọng tâm:

1. Rà soát, chuẩn hóa, cập nhật những điểm mới và công khai về thẩm quyền về thể lệ tiếp nhận, về quy trình và thời gian, phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức biết và thực hiện.

2. Thực hiện quy chế một cửa thống nhất, đồng bộ đối với toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện; UBND các phường, xã, thị trấn.

3. Rà soát, xây dựng và hoàn thiện một số cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn.

4. Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của một số sở, ban, ngành và chính quyền các quận, huyện, xã, phường, thị trấn cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước đối với từng khu vực đô thị, nông thôn.

5. Xây dựng và từng bước hoàn thiện quy chế phân cấp.

6. Xây dựng cơ chế cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực giao thông đô thị, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao:

7. Đổi mới lề lối, tác phong làm việc trong cơ quan nhà nước; hiện đại hóa nơi tiếp dân và trụ sở làm việc của các cơ quan công quyền Thành phố.

8. Xây dựng hoàn thiện quy chế tuyển dụng, sử dụng công chức.

9. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tinh thần phục vụ nhân dân, có ý thức tổ chức kỷ luật, có lề lối tác phong làm việc chuyên nghiệp, có trình độ tổ chức quản lý, có kỹ năng thực thi công vụ, kỹ năng giao tiếp ứng xử với công dân, tổ chức.

10. Thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ.

11. Thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công theo nghị định 43/2005/NĐ-CP ngày 25/4/2005 của Chính phủ.

12. Thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập theo Nghị định 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ.

c) Các biện pháp thực hiện:

1. Thắt chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm của Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện trong thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong chương trình của Thành ủy và kế hoạch của UBND Thành phố.

2. Cụ thể hóa Chương trình của Thành ủy, Kế hoạch của UBND Thành phố thành các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể của đơn vị. Trong đó, coi việc phục vụ nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm.

[...]