Quyết định 211/2004/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng phát triển tài chính Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 211/2004/QĐ-TTg
Ngày ban hành 14/12/2004
Ngày có hiệu lực 03/01/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 211/2004/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 211/2004/QĐ-TTG NGÀY 14 THÁNG 12 NĂM 2004 PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị tại thông báo số 147-TB/TW ngày 16 tháng 7 năm 2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đề án Chiến lược tài chính Việt Nam đến năm 2010;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại tờ trình số 51 TTr/BTC ngày 21 tháng 9 năm 2004,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Định hướng phát triển tài chính Việt Nam đến năm 2010 với những nội dung sau đây:

A. Mục tiêu tổng quát:

Bảo đảm tiềm lực tài chính quốc gia đủ mạnh để chủ động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững, có khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ, giá cả và thị trường; hệ thống chính sách động viên, phân phối tài chính có hiệu lực cao, đảm bảo công bằng, năng động, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có tác động mở đường khai thông các nguồn nội lực, thu hút ngoại lực và sử dụng hiệu quả toàn bộ các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ, được quản lý và kiểm toán chặt chẽ, làm cho tài chính trở thành thước đo hiệu quả mọi hoạt động kinh tế, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về tài chính được tăng cường và đổi mới trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hoá công cụ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý tài chính; củng cố và nâng cao vị thế tài chính Việt Nam trong quan hệ quốc tế trên cơ sở bảo đảm độc lập tự chủ và an ninh tài chính quốc gia.

B. Các mục tiêu cụ thể:

1. Xử lý tốt quan hệ tích luỹ và tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư, tăng tiềm lực tài chính cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Tăng tỷ lệ tổng vốn đầu tư xã hội so với GDP giai đoạn 2001 - 2010 lên khoảng 36 - 40%, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 8%.

- Ổn định tỷ trọng chi đầu tư phát triển (bao gồm cả phần chi bằng nguồn trái phiếu Chính phủ) ở mức 29 - 30% tổng chi ngân sách nhà nước.

2. Nâng tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách nhà nước từ 20 - 21% lên 21 - 22%, trong đó thu từ thuế và phí từ 19 - 20% lên 20 - 21%.

3. Tăng mức chi cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá trong tổng chi ngân sách nhà nước.

- Đến năm 2005 chi cho giáo dục và đào tạo đạt 18% tổng chi ngân sách nhà nước; chi cho khoa học và công nghệ đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước;

- Đến năm 2010, so với tổng chi ngân sách nhà nước, chi cho giáo dục và đào tạo đạt 20%, chi cho khoa học và công nghệ đạt 2,1%, chi cho văn hoá đạt 1,8%.

4. Kiểm soát và duy trì tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước ở mức không quá 5% GDP.

5. Kiểm soát nợ Chính phủ, nợ ngoài nước của quốc gia đều ở mức không quá 50% GDP.

6. Hình thành đồng bộ các loại thị trường, trong đó có thị trường tài chính, dịch vụ tài chính và bất động sản.

7. Hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

8. Giảm tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán, ổn định sức mua và giá trị đồng tiền, nâng dần tính chuyển đổi của đồng Việt Nam.

C. Các nhóm giải pháp lớn:

1. Khai thác cao độ các nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện cơ chế, chính sách tài chính đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và hấp dẫn, thúc đẩy các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư, các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội.

Đổi mới và hoàn thiện các chính sách tài chính thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các vùng động lực, vùng kinh tế trọng điểm để tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư gián tiếp thông qua thị trường tài chính trong nước, sử dụng có hiệu quả tất cả các kênh, các công cụ, các hình thức đầu tư tài chính; khuyến khích cung cấp hàng hóa và hoàn thiện cơ chế để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển thành kênh huy động vốn chủ yếu cho đầu tư phát triển. Hoàn thiện cơ chế tài chính tạo điều kiện để các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phát hành trái phiếu theo quy định để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Chủ động huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, nghiên cứu thí điểm thực hiện việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường tài chính quốc tế.

Động viên hợp lý các nguồn thu cho ngân sách nhà nước trên cơ sở cải cách hệ thống thuế, phí phù hợp với cơ chế thị trường, theo hướng công bằng, thống nhất, có cơ cấu hợp lý và đồng bộ trên cả 3 mặt: chính sách thuế, hành chính thuế và dịch vụ tư vấn thuế, đảm bảo môi trường thuận lợi khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tăng tích lũy cho doanh nghiệp.

Quản lý chặt chẽ và khai thác có hiệu quả theo kế hoạch dài hạn nguồn lực từ đất đai. Đẩy mạnh việc bán, cho thuê tài sản nhà nước kể cả bán, cho thuê quyền khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng (đường giao thông, bến cảng, các cơ sở đào tạo, dịch vụ...) để tái tạo nguồn vốn đầu tư cho ngân sách và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản.

Động viên, thu hút rộng rãi các nguồn vốn trong xã hội nhằm tăng đầu tư nâng cao số lượng và chất lượng các dịch vụ công cộng. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa bằng cách áp dụng cơ chế tài chính phù hợp đối với các đơn vị sự nghiệp. Hoàn thiện chính sách tài chính khuyến khích nhà đầu tư bỏ vốn cung cấp dịch vụ công.

[...]