Quyết định 2089/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Đề án Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 2089/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/10/2020
Ngày có hiệu lực 30/10/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Trần Hồng Quân
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2089/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 30 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SẮP XẾP, PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI TRƯỜNG HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, năm 2019);

Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”;

Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”;

Căn cứ Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 23/2013/NQ-HĐND ngày 05/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thống nhất chủ trương tăng cường khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

Căn cứ Thông báo số 2576/TB-VP ngày 26/8/2020 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về ý kiến kết luận của Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Tiến Hải tại cuộc họp thông qua Đề án Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề cương Tài liệu giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 2030/TTr-SGDĐT ngày 06/10/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Sự cần thiết lập Đề án

- Việc sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học nhằm đảm bảo sự hoàn chỉnh và phù hợp với cơ cấu giáo dục, quy mô phát triển dân số; phù hợp với địa bàn dân cư và sự phát triển kinh tế - xã hội đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết, nhằm từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy mô dàn trải, nhiều điểm trường lẻ có số lượng học sinh ít; bình quân học sinh trên lớp còn thấp so với số lượng tối đa mà Điều lệ mỗi cấp học quy định, bố trí giáo viên mất cân đối giữa các môn học,... nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

- Nâng cấp, điều chỉnh, sắp xếp lại cơ sở vật chất hiện hữu theo quy hoạch; phát triển mạng lưới trường học đảm bảo huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường, phù hợp tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tiêu chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, mời gọi đầu tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh.

2. Quan điểm, nguyên tắc lập Đề án

a) Quan điểm

- Lập Đề án trên cơ sở đánh giá đúng thực trạngdự báo xu thế phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của ngành; đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối, huy động nội lực và các nguồn lực từ bên ngoài.

- Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học phải có tính kế thừa, bảo đảm tính khoa học; đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

b) Nguyên tắc

- Căn cứ dân số theo từng độ tuổi và mật độ dân cư (bao gồm cả xu thế phát triển của các khu đô thị, dân cư) của từng khu vực; đảm bảo đủ trường, lớp học cho học sinh trong độ tuổi đến trường trong điều kiện thuận lợi nhất; số lượng học sinh/lớp/trường đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đảm bảo phân bổ trường học hợp lý theo từng cấp học trên từng địa bàn, từng khu vực, phù hợp điều kiện giao thông, đất đai. Các trường có học sinh với độ tuổi càng lớn thì bố trí giãn ra khu vực đô thị; riêng đối với cấp mầm non và tiểu học thì gắn với gần khu dân cư.

- Phù hợp với năng lực đầu tư của nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của toàn xã hội; tạo điều kiện để mọi người đều có cơ hội tham gia xây dựng phát triển cơ sở giáo dục.

3. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Xác định tiến độ, quy mô phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, từ đó xác định quy mô đầu tư cơ sở vật chất tương ứng về phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng…; nhu cầu về diện tích đất, về vốn đầu tư, về các trang thiết bị phục vụ việc dạy và học để đáp ứng sự phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

[...]