Quyết định 2082/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Số hiệu 2082/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/10/2021
Ngày có hiệu lực 05/10/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lê Văn Sử
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2082/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 05 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và năm 2019;

Căn cứ Luật Thủy sản năm 2017;

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 1960/QĐ-BNN-TCTS ngày 06/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông th ôn ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 05/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau;

Căn cứ Quyết định số 1846/QĐ-UBND ngày 21/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 403/TTr-SNN ngày 15/9/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau (sau đây gọi là Chương trình), với những nội dung chủ yếu như sau (kèm theo Chương trình):

1. Quan điểm và định hướng

- Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản để duy trì và phát triển bền vững ngành thủy sản; góp phần bảo đảm sinh kế cho cộng đồng ngư dân; bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản.

- Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý nghề cá và điều kiện kinh tế - xã hội; không ảnh hưởng đến môi trường, đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng để bảo đảm phát triển bền vững.

- Thu hút, huy động nguồn lực xã hội vào công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; lấy cộng đồng ngư dân làm lực lượng nòng cốt, đẩy mạnh thực hiện phương thức đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng nội địa.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học; gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản theo hướng bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2025: Ngăn chặn sự suy giảm và tiến tới phục hồi, tái tạo các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm với sự tham gia của cộng đồng để góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển nghề cá bền vững. Hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được xây dựng thống nhất, cập nhật thường xuyên, liên tục.

- Đến năm 2030: Công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản được thực hiện đầy đủ, liên tục; thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được số hóa, cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản. Thực hiện tốt đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nhân rộng tại khu vực vùng biển ven bờ, vùng nội địa; nhân rộng thả rạn nhân tạo tại một số khu vực có đủ điều kiện để phục hồi nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái, các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

- Tầm nhìn đến năm 2045: Nguồn lợi thủy sản được bảo vệ, tái tạo và phát triển tốt, đáp ứng đủ nhu cầu sinh kế của cộng đồng và phát triển bền vững ngành thủy sản.

3. Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu

3.1. Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản

- Phối hợp điều tra hiện trạng và đánh giá biến động nguồn lợi thủy sản vùng lộng, vùng ven bờ, vùng nội địa (bao gồm cả các hệ sinh thái đầm phá, cửa sông, rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển, san hô, cỏ biển); phối hợp thăm dò, điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản ở vùng biển sâu.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề, điều tra nghề cá thương phẩm hàng năm làm cơ sở phục vụ công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

- Điều tra, đánh giá tác động của các nghề, ngư cụ khai thác thủy sản đến nguồn lợi thủy sản làm cơ sở sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản.

[...]