Quyết định 2082/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành dệt, may tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến 2025

Số hiệu 2082/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/06/2013
Ngày có hiệu lực 18/06/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Ngọc Hồi
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2082/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 18 tháng 06 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH DỆT, MAY TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công thương về ban hành Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 1339/2012/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2012 của UBND tỉnh ban hành Quy định về trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

Căn cứ Quyết định số 42/2008/QĐ-BCT ngày 19 tháng 11 năm 2008 của Bộ Công thương về Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp dệt, may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định 1171/QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề cương quy hoạch phát triển dệt, may tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 1108/TTr-SCT ngày 29 tháng 5 năm 2013 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển dệt, may tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến 2025 (kèm hồ sơ Quy hoạch và ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, Biên bản thẩm định ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Hội đồng thẩm định),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án: “Quy hoạch phát triển dệt, may tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến 2025”, với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển

a) Quan điểm phát triển đến năm 2020

- Phát triển công nghiệp dệt, may tỉnh Thanh Hóa gắn với Quy hoạch phát triển ngành dệt, may Việt Nam đến năm 2020; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch phát triển công nghiệp - thương mại tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020;

- Đến năm 2020, xác định dệt, may vẫn là một ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, nhằm tạo việc làm cho nhiều lao động, tích cực giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, phát huy được lợi thế cạnh tranh của tỉnh Thanh Hóa;

- Giai đoạn 2011 - 2020, phát triển dệt may cần có sự đột phá, tăng trưởng hiệu quả và bền vững; từng bước bố trí lại sản xuất theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa, liên kết chuỗi cung ứng; dịch chuyển dần từ phương thức gia công - xuất khẩu sang hình thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất, bán thành phầm) nhằm tăng thêm giá trị gia tăng và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế;

- Phát triển dệt, may theo hướng đa dạng hóa sở hữu, phù hợp với phát triển kinh tế nhiều thành phần; huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển ngành dệt, may;

- Phát triển dệt, may phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; gắn với bảo vệ môi trường.

b) Định hướng phát triển đến năm 2025

- Đối với ngành may: Tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu doanh nghiệp, tăng năng suất lao động. Đầu tư thiết kế mẫu mã, phát triển mạnh ngành công nghiệp thời trang, phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh hình hành trung tâm thiết kế mẫu, trình diễn thời trang;

- Đối với ngành dệt và sản xuất phụ trợ: Tiếp tục kêu gọi đầu tư một số dự án công suất lớn và công nghệ hiện đại, nhằm chủ động tạo ra nguồn nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất hàng may mặc trong tỉnh, trong nước và sau năm 2020 hướng đến xuất khẩu.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

- Tiếp tục phát triển ngành công nghiệp dệt, may là một ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa, giữ vững vị trí là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, tạo thêm nhiều việc làm mới, giải quyết an sinh xã hội, đóng góp vào GDP của tỉnh ngày càng cao và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam trong khu vực và thế giới;

- Phát huy lợi thế các sản phẩm phụ của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn khi đi vào hoạt động, từng bước hình thành các nhà máy xơ, sợi tổng hợp nhằm đáp ứng một phần nhu cầu về nguyên liệu ngành dệt may cho các nhà máy kéo sợi, dệt trong và ngoài tỉnh. Trên cơ sở đó, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước tạo thành chuỗi cung ứng các sản phẩm phụ trợ cho ngành dệt, may Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2011-2015: Tăng trưởng sản xuất bình quân đạt trên 27%; tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt trên 21%, đến 2015 giá trị SXCN (theo giá 1994) đạt trên 3.200 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt trên 300 triệu USD, thu hút trên 35.000 lao động.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ