Quyết định 206/QĐ-UBND năm 2022 về Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 206/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/01/2022
Ngày có hiệu lực 28/01/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 206/QĐ-UBND

An Giang, ngày 28 tháng 01 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2022 -2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND ngày 11/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Quy chế quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang;

Xét đề nghị của Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tại Tờ trình số 823/TTr-TTXTMTĐT ngày 31/12/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh An Giang giai đoạn 2022 - 2025 và Phụ lục Chương trình.

Điều 2. Giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Chương trình theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Giám đốc các Sở Công Thương, Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục XTTM - thuộc BCT;
- UBND tỉnh: CT và các PCT;
- VPUBND tỉnh: LĐVP, P. KTN;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Thư

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 206/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

I. BỐI CẢNH THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC

1. Bối cảnh thế giới

Tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn giai đoạn trước; thương mại và đầu tư quốc tế có xu hướng giảm; nợ công toàn cầu tăng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới; làm các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gãy, sản xuất gián đoạn và chính sách bảo hộ thương mại của các nước lớn gia tăng làm các dòng vốn đầu tư đang chuyển dịch mạnh từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình nhiều quốc gia lựa chọn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường. Tiến bộ công nghệ có thể làm thay đổi bản chất của thương mại, đầu tư và lao động toàn cầu, tạo cơ hội cho các nước đi sau tăng tốc phát triển nhưng cũng có thể khiến cho các khâu sản xuất có thể chuyển ngược trở lại các quốc gia phát triển, làm hạn chế dòng dịch chuyển vốn toàn cầu.

2. Bối cảnh trong nước

Kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên; tính tự chủ được cải thiện; tích luỹ và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; uy tín, vị thế đất nước ngày càng được củng cố trên trường quốc tế. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, một số hiệp định FTA thế hệ mới quan trọng như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... tạo cơ hội mở rộng thị trường, đầu tư cho phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hoá. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế của đất nước.

3. Kinh tế địa phương

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu Khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước.

Kinh tế tỉnh An Giang đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. An Giang tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định giá cả thị trường, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính Phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại;

Nghị định số 28/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương;

Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia;

[...]