ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2055/QĐ-UBND
|
Bạc
Liêu, ngày 30 tháng 11 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN
NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11
tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;
Căn cứ Luật khoáng sản số
60/2010/QH12 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua
ngày 17/11/2010; Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ về
việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật khoáng sản;
Căn cứ
Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về Quản lý vật liệu
xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 567/QĐ-TTg
ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát
triển vật liệu xây không nung đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Qua xem xét hồ sơ kèm theo Tờ
trình số 127/TTr-SXD ngày 18/9/2015 của Sở Xây dựng về việc thẩm định Quy hoạch
phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm
2030 và Báo cáo Thẩm định số 16/BC-HĐTĐ ngày 11/11/2015 của Hội đồng Thẩm định
Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bạc Liêu,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bạc
Liêu đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
- Quy hoạch phát triển vật liệu xây
dựng (VLXD) tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 phù hợp với quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội đã phê duyệt, quy hoạch các ngành trên địa bàn tỉnh
đã được xây dựng; các quy hoạch phát triển ngành VLXD đã được Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt như Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020; Quy
hoạch phát triển xi măng ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm
2030.
- Phát triển VLXD bảo đảm tính bền
vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, kết hợp hài hòa giữa hiệu quả
kinh tế và hiệu quả xã hội.
- Phát triển sản xuất VLXD với công
nghệ sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa sản phẩm,
sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Khuyến khích phát triển các công nghệ sạch, công nghệ làm giảm ô nhiễm môi
trường, các công nghệ có sử dụng phế thải, phế liệu của các ngành công nghiệp
khác để giảm ô nhiễm môi trường.
- Hướng phân bố các cơ sở sản xuất
VLXD vào các khu cụm công nghiệp, góp phần hình thành các trung tâm công nghiệp
của tỉnh trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng công
nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Hướng phân bố các cơ sở cung ứng
VLXD đảm bảo thuận lợi về giao thông đường thủy và đường bộ, hình thành các cụm
cung ứng VLXD lớn tại các khu đô thị và nơi tập trung đông dân.
2. Mục tiêu phát triển
- Tập trung đầu tư chiều sâu công
nghệ và phát triển sản xuất sản phẩm gạch ngói nung và không nung, vật liệu xây
dựng mới nhằm đáp ứng một phần nhu cầu trong tỉnh. Khuyến khích đầu tư mở rộng
sản xuất tại các cơ sở sản xuất bê tông cấu kiện, tấm lợp, tấm trần, ván ép, nhựa,
composite...; đầu tư công nghệ, kỹ thuật mới để sản xuất nhiều sản phẩm mới có chất
lượng cao, phục vụ cho quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
- Phát triển hệ thống cung ứng VLXD
trên toàn địa bàn đảm bảo đủ nhu cầu VLXD cho tỉnh.
- Phát triển sản xuất VLXD nhằm thu hút lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động,
cải thiện đời sống nhân dân.
Mục tiêu cụ thể:
- Phấn đấu đạt được sản lượng VLXD
đáp ứng một phần nhu cầu đã được dự báo đối với các chủng loại VLXD thông thường.
Đối với từng chủng loại sản xuất tại tỉnh như sau: Vật liệu xây khoảng 40%, cát
san lấp khoảng 40%, bê tông cấu kiện 100%, gạch lát hè 100%, các chủng loại vật
liệu khác khoảng 50%.
- Đối với các chủng loại không sản
xuất được như xi măng, đá, cát xây dựng, vật liệu trang trí hoàn thiện cung ứng
100% từ các tỉnh khác.
3. Quy hoạch phát triển vật liệu
xây dựng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020
3.1. Vật
liệu xây
Dự báo nhu cầu vật liệu xây tỉnh Bạc
Liêu đến năm 2020 tại các năm mốc:
- Năm 2015: 300 - 350 triệu viên;
- Năm 2020: 400 - 450 triệu viên;
Phương hướng phát triển vật liệu xây
đến năm 2020 như sau:
- Tận dụng tiềm năng tài nguyên và
lao động để sản xuất đáp ứng một phần gạch nung cho xây dựng, nhu cầu còn lại
sẽ phát triển vật liệu xây không nung. Sản lượng vật liệu xây chỉ đáp ứng được
một phần nhu cầu vật liệu xây toàn tỉnh, lượng còn thiếu
sẽ được nhập từ các tỉnh lân cận trong vùng.
- Đầu tư công nghệ sản xuất gạch đất
sét nung tuy nen hoặc công nghệ khác đảm bảo tiêu chuẩn môi trường với quy mô
lớn, tập trung ở những khu vực có mỏ sét trữ lượng đảm bảo sản xuất lâu dài.
Công nghệ tiên tiến nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
- Mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm,
nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao như gạch xây không trát,
gạch gốm ốp lát mỏng, gạch có độ rỗng lớn, gạch gốm trang
trí, gốm mỹ nghệ..., nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát
triển các loại gạch có độ rỗng cao từ 50% trở lên để tiết kiệm nguyên nhiên
liệu.
- Phát triển sản xuất các chủng loại
vật liệu xây không nung để dần thay thế gạch nung trong
xây dựng, năm 2015 tỷ lệ đạt 20 - 25% và năm 2020 đạt tỷ lệ 30 - 40% trong tổng sản lượng vật liệu xây.
- Tiến hành điều tra, khảo sát, đánh
giá chi tiết chất lượng, trữ lượng tài nguyên có biện pháp bảo vệ các mỏ đất
sét hiện có ở trên địa bàn các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long và thị xã
Giá Rai để khai thác và sử dụng hợp lý trong quá trình phát triển kinh tế - xã
hội của tỉnh; có tính đến ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
3.2. Vật liệu lợp
Dự báo nhu cầu vật liệu lợp Bạc Liêu
đến năm 2020 như sau:
- Năm 2015 là 1.400 - 1.450 ngàn m2.
- Năm 2020 là 2.250 - 2.300 ngàn m2.
Phương hướng phát triển vật liệu lợp
đến năm 2020 như sau:
- Nghiên cứu phát triển sản xuất các
loại ngói nung, ngói trang trí chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng nhập ngói từ các tỉnh khác như trong
giai đoạn trước.
- Phát triển sản xuất các loại ngói
không nung xi măng - cát có màu, chống thấm được sản xuất
trên dây chuyền công nghệ cơ giới hóa.
- Phát triển sản xuất tấm lợp kim
loại 3 lớp cách âm, cách nhiệt, chống ồn trên dây chuyền
tự động hóa và đồng bộ.
3.3. Cát san lấp
Nhu cầu cát san lấp trong giai đoạn
2010 - 2020 là khoảng 30 - 35 triệu m3, trung bình mỗi năm khoảng 3
- 3,5 triệu m3. Trong giai đoạn đến năm 2020
phát triển khai thác cát san lấp tại các vùng ven biển của Tỉnh như sau:
Tổng công suất khai thác: Năm 2015 là
1.000.000 m3/năm và đến năm 2020 là 1.400.000 m3/năm.
Phương hướng phát triển:
- Khai thác cát trên cơ sở quản lý
chặt chẽ việc thực hiện đúng các quy định khai thác cát
ven biển đáp ứng nhu cầu cát san lấp trong tỉnh.
- Tiến hành thăm dò chi tiết, đánh
giá trữ lượng nguồn tài nguyên cát ven biển thuộc các xã Điền Hải và Long Điền
Đông (huyện Đông Hải),
xã Vĩnh Thịnh và Vĩnh Hậu (huyện Hòa
Bình), xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu).
- Cho phép khai thác tận thu đối với
các khu vực cửa kênh như cửa Gành Hào, cửa kênh Cái Cùng; khi tiến hành nạo vét
khơi thông luồng phải đảm bảo hành lang an toàn đối với luồng tàu và công trình
báo hiệu đường thủy, công trình cầu cống, đê điều. Trước khi đưa vào khai thác
phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể về sản lượng, công suất khai thác, tác động
môi trường...
- Tiến hành lập Quy hoạch thăm dò,
khai thác và sử dụng cát ven biển trên địa bàn tỉnh để thuận
tiện cho việc quản lý và cấp phép khai thác cát san lấp.
- Đầu tư các cơ sở khai thác cát có
quy mô công suất lớn hơn 100.000 m3/năm, đa
dạng hóa các hình thức đầu tư cho công nghệ khai thác cát. Khai thác ở phạm vi
an toàn về độ sâu cũng như khoảng cách xa bờ sẽ tránh được biến động lớn về môi trường tự nhiên như sạt lở bờ sông, xâm thực sâu cục bộ lòng
sông.
- Việc khai thác cát ven biển phải
đảm bảo đồng thời lợi ích trước mắt cũng như lâu dài. Thăm dò, khai thác, sử
dụng cát ven biển phải kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi
trường, phù hợp với việc sử dụng tài nguyên đất đai, đảm bảo tính phục hồi tài
nguyên. Khai thác cát phải tính đến các yếu tố bất lợi như biến đổi khí hậu,
nước biển dâng.
3.4. Bê tông cấu kiện
Phương hướng phát triển sản xuất bê
tông trong giai đoạn tới như sau:
- Tiếp tục duy trì và đầu tư chiều sâu cho các cơ sở hiện có để phát huy hết công
suất thiết kế. Đầu tư mới một số cơ sở bê tông cấu kiện với quy mô công nghiệp
tại các khu đô thị, khu kinh tế, khu cụm công nghiệp.
- Phát triển sản xuất và ứng dụng
công nghệ mới trong sản xuất bê tông cấu kiện và bê tông thương phẩm.
- Đa dạng hóa các sản phẩm bê tông,
nâng cao chất lượng bê tông, nghiên cứu sản xuất bê tông mác cao, các loại bê
tông nhẹ, bê tông dự ứng lực, bê tông bán lắp ghép và các sản phẩm cột điện,
cống thoát nước, cấu kiện bê tông, bê tông thương phẩm để đáp
ứng nhu cầu xây dựng công trình.
Năng lực sản xuất bê tông cấu kiện
năm 2015 là 75.000 m3, giai đoạn 2016 - 2020, duy trì năng lực sản
xuất bê tông cấu kiện đã có ở giai đoạn trước.
3.5. Gạch lát hè tự chèn và gạch lát terrazzo
Năng lực sản xuất gạch terrazzo năm
2015 là 365.000 m3 và năm 2020 là 515.000 m3.
- Duy trì sản xuất tại các cơ sở đã
có ở giai đoạn trước.
- Đầu tư mới 01 cơ sở sản xuất gạch
lát terrazzo với các sản phẩm gạch lát ngoài trời chịu tải trọng, gạch lát nội
thất, gạch nghệ thuật và gạch trang trí đặc biệt, sử dụng để lát sân chơi, lát
vỉa hè, lát nhà vườn trong các khách sạn, biệt thự cao cấp, các trung tâm văn
hóa, quảng trường.
+ Địa điểm: Cụm công nghiệp (CCN)
Vĩnh Mỹ - huyện Hòa Bình.
+ Công suất: Giai đoạn đến năm 2015 quy
mô công suất 150.000 m2/năm, giai đoạn 2016 - 2020 mở rộng sản xuất
với công suất đạt 300.000 m2/năm.
3.6. Vật liệu nhựa
Trong giai đoạn đến năm 2015, dự kiến
đầu tư 01 cơ sở sản xuất vật liệu nhựa với công suất 15.000 tấn/năm và giai
đoạn 2016 - 2020 mở rộng sản xuất nâng công suất lên 30.000 tấn/năm.
+ Địa điểm: CCN Vĩnh Mỹ, huyện Hòa
Bình.
+ Nguyên liệu: Hạt nhựa và keo kết
dính.
3.7. Ván ép
Giai đoạn đến năm 2015, dự kiến đầu
tư 01 cơ sở ván ép có địa điểm: thị trấn Phước Long, huyện
Phước Long, công suất 2.000 m3/năm, nguyên liệu sử dụng: gỗ vườn, gỗ cành, gỗ ngọn, các phế liệu trong
chế biến gỗ. Giai đoạn 2016 - 2020 mở rộng sản xuất, nâng công suất lên 4.000 m3/năm.
3.8. Vật liệu composite
Giai đoạn đến
năm 2015 dự kiến đầu tư 01 cơ sở sản xuất vật liệu polyme composite có công suất: 30.000 m2/năm tại Khu kinh tế Gành Hào, huyện Đông Hải;
nguyên liệu sử dụng: Sợi thủy tinh, nhựa polyeste, chất xúc tác, dung môi. Giai
đoạn 2016 - 2020, năng công suất lên gấp đôi là 60.000 m2/năm.
3.9. Những chủng loại VLXD không
sản xuất tại Bạc Liêu
3.9.1. Xi măng
Theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ ngày 29/8/2011 về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển công
nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030”, tỉnh
Bạc Liêu không phát triển sản xuất xi măng. Nhu cầu xi măng của tỉnh sẽ được
cung ứng từ Kiên Giang và các tỉnh khác.
3.9.2. Đá xây dựng
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu không có
mỏ đá xây dựng, một số tỉnh hiện đang cung cấp đá xây dựng cho Bạc Liêu là:
Tỉnh An Giang; tỉnh Kiên Giang; tỉnh Đồng Nai; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
3.9.3. Cát xây dựng
Bạc Liêu không có nguồn cát cho sản
xuất bê tông và xây trát để khai thác đáp ứng nhu cầu xây dựng, một số tỉnh
hiện đang cung cấp cát xây dựng cho Bạc Liêu như sau: Tỉnh Đồng Nai; tỉnh An
Giang.
3.9.4. Gạch gốm ốp lát, đá ốp lát,
sứ vệ sinh và kính xây dựng
Những loại vật liệu này trong giai
đoạn tới, không phát triển sản xuất tại Bạc Liêu; nhu cầu cho tỉnh sẽ được cung
ứng từ các cơ sở sản xuất ở các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -
Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh và từ nguồn nhập ngoại.
4. Phương án cung ứng vật liệu xây
dựng cho Bạc Liêu
Căn cứ vào định hướng phát triển giao
thông vận tải tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và nhu cầu VLXD từng địa bàn huyện,
thị xã, thành phố xây dựng quy hoạch mạng lưới bến, bãi cung ứng VLXD như sau:
Huyện Hồng Dân: 07 bến cung ứng VLXD.
- Trên kênh Ngan Dừa có 04 bến gồm:
01 bến thuộc thị trấn Ngan Dừa, 03 bến thuộc xã Lộc Ninh.
- Trên kênh Quảng Lộ - Phụng Hiệp có 01 bến thuộc xã Ninh Quới A.
- Trên rạch Cái Chanh Lớn có 01 bến
là điểm giao rạch Cái Chanh Lớn và sông Cái Lớn.
- Trên rạch Ngã Ba Cái Tàu có 01 bến
tại nơi giao cắt rạch và đường 63.
Huyện Phước Long: 10 bến cung ứng VLXD.
- Trên kênh Phước Long đi Vĩnh Mỹ có
01 bến thuộc ấp Long Thành, thị trấn Phước Long và 01 bến thuộc ấp Vĩnh Hoà, xã
Vĩnh Thanh.
- Trên kênh Phụng Hiệp có 01 bến
thuộc ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông; 01 bến, ấp Phước Hòa Tiền và 02 bến thuộc ấp
Long Thành, thị trấn Phước Long; 01 bến thuộc ấp Thọ Tiền và 01 bến ấp Phước
Thạnh, xã Phước Long; 01 bến ấp 1B, xã Phong Thạnh Tây A; 01 bến thuộc xã Vĩnh
Phú Tây.
Thị xã Giá Rai: 05 bến cung ứng VLXD.
- Trên kênh Quản Lộ đi Giá Rai có 01
bến thuộc xã Phong Thạnh.
- Trên kênh Canh Đền đi Hộ Phòng có
01 bến thuộc xã Phong Thạnh Tây.
- Trên kênh Xáng Cà Mau đi Bạc Liêu
01 bến thuộc phường Hộ Phòng, 01 bến thuộc phường 1.
- 01 bến thuộc ấp 13, xã Phong Thạnh
Đông.
Huyện Hoà Bình: 05 bến cung ứng VLXD.
- Trên kênh Xáng Cà Mau đi Bạc Liêu
có 01 bến thuộc thị trấn Hòa Bình, 01 bến thuộc xã Vĩnh Mỹ A.
- Trên kênh Phước Long đi Vĩnh Mỹ có
01 bến thuộc xã Vĩnh Mỹ B, 01 bến thuộc xã Vĩnh Bình.
- 01 bến thuộc xã Vĩnh Hậu.
Huyện Vĩnh Lợi: 04 bến cung ứng VLXD.
- Trên kênh Quản Lộ đi Bạc Liêu có 01
bến thuộc xã Vĩnh Hưng.
- Trên rạch Cầu
Sập - Vĩnh Hưng có 01 bến tại xã Châu Thới.
- Trên rạch Bạc Liêu có 01 bến tại xã
Hưng Hội và 01 bến tại xã Long Thạnh.
Huyện Đông Hải: 05 bến cung ứng VLXD.
- Trên sông Gành Hào có 01 bến thuộc
thị trấn Gành Hào và 01 bến thuộc xã Định Thành.
- 01 bến thuộc xã Long Điền Tây.
- Trên kênh Huyện Kệ có 01 bến thuộc
xã Điền Hải.
- 01 bến thuộc xã Long Điền Đông.
Thành phố Bạc Liêu: 02 khu vực tập kết VLXD.
- Trên rạch Bạc Liêu có: 01 khu vực
thuộc phường 5 và xã Vĩnh Trạch.
- Trên kênh Xáng Cà Mau đi Bạc Liêu
(rạch Bạc Liêu) có 01 khu vực thuộc phường 8 giáp với xã Long Thạnh, huyện
Vĩnh Lợi.
5. Định hướng phát triển vật liệu
xây dựng đến năm 2030
Dự báo nhu cầu vật liệu xây dựng của
Bạc Liêu đến năm 2030 như sau:
- Xi măng: 1.560 - 1.630 nghìn tấn;
- Vật liệu xây: 520 - 590 triệu viên;
- Vật liệu lợp: 2.900 - 3.000 nghìn m2;
- Đá xây dựng: 2.450 - 2.550 nghìn m3;
- Cát xây dựng: 1.850 - 1.950 nghìn m3;
- Vật liệu ốp lát: 5.250 - 5.350 nghìn m2;
- Sứ vệ sinh:
260 - 330 nghìn sản phẩm;
- Kính xây dựng: 1.650 - 1.700 nghìn
m2;
- Vật liệu san lấp: 30.000 - 35.000
nghìn m3.
Để đáp ứng được
nhu cầu VLXD ngày càng tăng trong những năm tiếp theo, một số định hướng phát
triển ngành công nghiệp VLXD Bạc Liêu trong giai đoạn 2021 - 2030 như sau:
- Sau năm 2020, sản xuất vật liệu xây
dựng thủ công lạc hậu sẽ được dẹp bỏ hoàn toàn.
- Về chủng loại
sản phẩm VLXD, sẽ đi vào sản xuất các chủng loại VLXD mới, có chất lượng cao
hơn, có khả năng thay thế các loại vật liệu xây dựng
truyền thống và các loại VLXD nhập ngoại, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại
chỗ, phục vụ cho các tỉnh thuộc Vùng và xuất khẩu.
- Về công nghệ
sản xuất VLXD sẽ tiếp tục đầu tư đổi mới, đầu tư những
công nghệ sản xuất ngang với trình độ tiên tiến của thế
giới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các quy định về môi
trường, sản xuất được những VLXD chủ yếu cho phần thô và hoàn thiện công trình
đạt tiêu chuẩn xây dựng trong nước và quốc tế.
- Về tổ chức sản
xuất trong giai đoạn sau năm 2020 cần đi theo hướng tập trung, hình thành các tập đoàn sản xuất chuyên sâu vào một sản phẩm VLXD
hoặc các tập đoàn sản xuất đa ngành nghề bao gồm nhiều chủng loại sản phẩm.
Định hướng phân bố sản xuất VLXD như
sau:
- Phát triển sản xuất VLXD với việc
hình thành các khu, cụm công nghiệp VLXD tập trung, sản xuất ra nhiều chủng
loại VLXD;
- Tiếp tục đầu tư các cơ sở sản xuất
VLXD tại những khu, CCN VLXD đã hình thành trong giai đoạn
đến năm 2020, trong đó sẽ tập trung đầu tư cho những khu, CCN VLXD ở khu vực
ngoại thành và ven nội.
6. Các giải pháp thực hiện quy
hoạch
6.1. Giải pháp về vốn và đầu tư xây
dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho
việc phát triển sản xuất VLXD
Nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản
xuất VLXD chủ yếu từ huy động các thành phần kinh tế trên
địa bàn, do đó phải đẩy mạnh việc huy động vốn đầu tư trong dân cư, vốn từ các
doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, vốn đầu tư nước ngoài nhằm mục đích mở rộng
và phát triển sản xuất VLXD. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các
thành phần kinh tế đầu tư hoặc liên kết, liên doanh phát triển sản xuất và kinh doanh VLXD.
Có chính sách hỗ trợ người dân, cơ sở
tư nhân để đầu tư máy móc, thiết bị chuyển đổi công nghệ
sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường, đào tạo nâng cao trình độ cho người lao
động.
Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng để
tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và ổn định sản xuất VLXD về lâu dài.
6.2. Giải pháp về thị trường
Trong giai đoạn tới phải giữ vững và
mở rộng mối quan hệ với thị trường trong nước thông qua các hợp đồng mua bán và
liên kết sản xuất, chú trọng vào các mặt hàng VLXD mà tỉnh có khả năng xuất.
Đối với thị trường trong tỉnh, quan
tâm đến các khu vực xây dựng khu đô thị, thị trấn, thị tứ,
KCN, CCN tập trung, đồng thời quan tâm đến các vùng nông thôn của các huyện.
Đẩy mạnh sản xuất VLXD tại chỗ đối với các sản phẩm VLXD thông dụng; mặt khác,
tổ chức tốt việc cung ứng các sản phẩm VLXD mà các huyện trong tỉnh chưa sản
xuất được để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân.
6.3. Giải pháp về nguồn lực lao động
và Khoa học - công nghệ
Xây dựng có kế hoạch đào tạo kịp
thời, đào tạo dưới nhiều hình thức; thực hiện chính sách đãi ngộ các cán bộ có
trình độ khoa học kỹ thuật và công nhân có tay nghề cao, chính sách hỗ trợ đào
tạo đối với người lao động có tay nghề.
Hỗ trợ nguồn vốn khoa học công nghệ để tổ chức sản xuất và trình diễn kỹ thuật cho các
chủng loại VLXD với quy mô nhỏ, vốn đầu tư ban đầu thấp;
có chính sách đầu tư nghiên cứu: Khai thác cát sử dụng để đổ bê tông đối với những mỏ cát có kích thước hạt lớn; chuyển đổi công nghệ sản xuất đối với lò tròn mà vẫn đảm bảo sản xuất được sản phẩm gạch
nung, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
6.4. Giải pháp về tổ chức và quản lý
Tăng cường quản lý Nhà nước về sản
xuất và kinh doanh VLXD trên địa bàn. Chuyển đổi cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động hướng vào
việc đánh giá thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp, giúp cho công tác quản
lý Nhà nước theo ngành trên tầm vĩ mô được thông suốt và hiệu quả.
Trong thời gian tới, phải quản lý
chặt chẽ việc sản xuất và kinh doanh VLXD trên địa bàn theo đúng luật định của
Nhà nước.
6.5. Các giải pháp về phục hồi môi
trường, phát triển bền vững
- Đối với tài nguyên đất:
Để hoạt động khai
thác khoáng sản được tiến hành có hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn cần đáp
ứng các yêu cầu sau: Hạn chế việc sử dụng đất đai với mức thấp nhất; Trong quá trình xây dựng và khai thác mỏ phải
đảm bảo nguyên tắc khai thác xong đến
đâu thì phục hồi môi trường đến đó. Trước khi khai thác phải nghiên cứu toàn
diện thành phần lớp đất trồng (khai thác sét gạch ngói),
chọn vị trí lưu đất trồng và biện pháp bảo vệ để hoàn trả
lại sau khi khai thác; đồng thời, nghiên cứu chọn loại cây, phương pháp trồng
cây, chăm sóc cây đã trồng để phục hồi môi trường; hoặc
nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng đất làm hồ chứa nước,
công viên cây xanh cho khu vực dân cư lân cận.
- Đối với môi trường nước:
Để giảm nhẹ và
khắc phục tác động tiêu cực tới môi trường nước, phải sử
dụng công nghệ và thiết bị sản xuất tiên tiến; lắp đặt hệ thống xử lý nước thải
bằng các biện pháp đơn giản như: Xây bể lắng, hồ chứa, đập
chắn... để đáp ứng yêu cầu về chất lượng nước thải khu công nghiệp theo quy
định của QCVN 40:2011.
- Đối với môi trường khí:
Trong sản xuất gạch ngói cần đầu tư
các dây chuyền sản xuất có mức độ cơ giới hóa cao và giảm thiểu ô nhiễm môi
trường.
Ngoài các biện pháp trên, trong các
cơ sở sản xuất VLXD và khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD cần chú ý cải
thiện yếu tố vi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường như: tiếng ồn, độ rung, gia tăng
nhiệt độ...
6.6. Đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu
tư và điều tra cơ bản để phục vụ cho yêu cầu phát triển
VLXD trên địa bàn bằng các dự án cụ thể
Hoàn thiện, bổ sung quy hoạch thăm
dò, khai thác sét gạch ngói và cát san lấp trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó đẩy mạnh việc đầu tư điều tra, thăm dò xác định trữ lượng, chất lượng các
mỏ khoáng sản nằm trong quy hoạch, nhằm đảm bảo đáp ứng kịp
thời nguyên vật liệu đầu vào cho các lĩnh vực sản xuất VLXD trong giai đoạn tới.
6.7. Phát triển kinh tế xanh, ứng
phó với biến đổi khí hậu
- Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó
biến đổi khí hậu của tỉnh.
- Thực hiện đúng các quan điểm của
quy hoạch vùng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn 2050. Dành nhiều diện tích
cho cây xanh và mặt nước giúp tăng khả năng thoát nước của thành phố và tăng
cường khả năng điều hòa vi khí hậu.
- Cần thiết phải được khảo sát thăm
dò lòng sông để có biện pháp xử lý kịp thời các hiện tượng
sạt lở bờ ở một số khu vực. Trong khu vực nội ô từng bước xây dựng kè bờ vừa
chống xói lở và tăng mỹ quan đô thị.
- Thực hiện đồng bộ hệ thống thoát
nước đô thị, đảm bảo các tuyến cống có độ dốc phù hợp.
- Bảo vệ và tiếp tục thực hiện công
tác trồng rừng phòng hộ.
Trong giai đoạn
phát triển của Bạc Liêu, đối với ngành xây dựng, việc khai thác cát san lấp
phục vụ công trình là rất cần thiết. Tuy nhiên, trước khi khai thác cần có
những khảo sát chi tiết, đánh giá những cân đối giữa hiệu quả kinh tế và xã hội, gắn với phát
triển bền vững, đảm bảo không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái. Nhằm mục tiêu tăng cường công tác quản lý ngành tại
địa phương Tỉnh sẽ thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác
và sử dụng tài nguyên khoáng sản cát ven biển, góp phần tăng nguồn thu ngân
sách, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch
1. Sở Xây dựng
- Tổ chức công bố Quy hoạch phát
triển vật liệu xây dựng tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến
năm 2030 để các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị
xã, thành phố căn cứ thực hiện.
- Quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt;
nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để phát triển ổn
định và bền vững cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng.
- Phối hợp với các huyện, thị xã,
thành phố kiểm tra giám sát tình hình triển khai Quy hoạch phát triển vật liệu
xây dựng, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh hàng năm và đột xuất.
- Chủ trì, phối
hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển vật liệu
không nung và lộ trình hạn chế, xóa bỏ lò gạch đất sét nung thủ công của tỉnh
theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các
Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt
công tác tuyên truyền trong nội bộ, doanh nghiệp, nhân dân về Quy hoạch phát
triển VLXD.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp với Sở Xây dựng rà soát,
điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản sét gạch ngói và cát san lấp để đáp ứng yêu cầu phát triển
của ngành vật liệu xây dựng.
- Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền
xem xét bổ sung, sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hóa
các thủ tục cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác và kiểm tra, giám sát việc khai thác tài nguyên khoáng
sản làm vật liệu xây dựng theo thẩm quyền.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng
và các Sở, Ban, ngành có liên quan tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt
động sản xuất vật liệu xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc
thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, nhất là việc thực hiện các nội
dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, cam kết bảo
vệ môi trường đã được xác nhận, có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các hành
vi vi phạm.
3. Sở Công Thương
- Đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại và các cơ chế chính
sách liên quan đến công tác phát triển thị trường VLXD trong và ngoài nước.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng
thực hiện đề án phát triển sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gạch không nung
trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Giao
thông vận tải
Phối hợp cùng các Sở, Ban, ngành và
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện quy hoạch giao
thông đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đầu tư xây dựng mới và mở rộng hệ
thống đường bộ, đường sông, cảng biển để đáp ứng nhu cầu
vận chuyển đối với các khu vực có khối lượng sản phẩm VLXD lớn.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Lập phương án đẩy mạnh các hoạt
động khoa học công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng: Tiếp thu,
ứng dụng công nghệ tiên tiến ở trong và ngoài nước, nhất là công nghệ sạch,
công nghệ ít tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu để thay thế
các công nghệ lạc hậu trong sản xuất vật liệu xây dựng.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường, Sở Công Thương, Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất
các chính sách về khuyến khích đầu tư, huy động vốn, khoa
học - kỹ thuật để phát triển VLXD hiệu quả và bền vững.
- Khuyến khích phát triển công nghệ
sản xuất gạch không nung.
- Đề xuất giải pháp về hỗ trợ ứng
dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất sản phẩm mới.
6. Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục thuế và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bạc
Liêu
- Nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế hỗ
trợ vốn có hiệu quả cho các dự án đầu tư về vật liệu xây dựng.
- Nghiên cứu đề xuất chính sách về
thuế tài nguyên trong đó có thuế tài nguyên đất sét sản
xuất gạch ngói nung để giảm dần việc khai thác đất, bảo vệ
môi trường.
- Nghiên cứu và xây dựng chính sách
ưu đãi về vốn vay đối với phát triển vật liệu không nung
và chuyển đổi công nghệ tiên tiến đối
với sản xuất gạch đất sét nung thủ công, phù hợp với thực tế của Tỉnh.
- Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính
sách thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư tư nhân, tổ chức hoạt
động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong đó có ngành VLXD.
7. Các Sở, ban, ngành liên quan
Tùy theo chức năng và nhiệm vụ được
giao chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham gia, đề xuất
giải quyết các vụ việc liên quan đến công tác quản lý Quy hoạch phát triển VLXD
trên địa bàn tỉnh.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố
- Phối hợp cùng Sở, Ban, ngành trong
việc phổ biến và thực hiện Quy hoạch đến được với người
dân và doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.
- Quản lý, chỉ đạo các tổ chức, cá
nhân tham gia đầu tư phát triển vật liệu xây dựng trên địa
bàn theo đúng quy hoạch, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã,
phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình
thực hiện quy hoạch tại địa phương và định kỳ hàng năm báo cáo về Ủy ban nhân
dân huyện, thị xã, thành phố. Sở Xây dựng tổng hợp từ các
địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo
vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, an toàn lao động, an
ninh trật tự tại các khu vực có khoáng sản làm VLXD và có cơ sở sản xuất VLXD
theo quy định của pháp luật và của Ủy ban nhân dân tỉnh. Giải quyết theo thẩm
quyền quy định các thủ tục giao đất, cho thuê đất, sử dụng cơ sở hạ tầng và các vấn đề khác có liên quan cho các tổ
chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại địa phương. Đặc biệt chú trọng việc rà soát, kiểm tra, tuyên
truyền vận động và ban hành kế hoạch thực hiện lộ trình xóa bỏ sản xuất gạch
ngói nung thủ công và việc sử dụng đất sét làm gạch ngói trên địa bàn.
9. Các doanh nghiệp sản xuất và khai
thác chế biến khoáng sản làm VLXD
- Các doanh nghiệp có trách nhiệm
thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình trên cơ sở pháp
luật ban hành. Đặc biệt phải thường xuyên quan tâm tới việc bảo vệ môi trường.
Đối với các cơ sở khai thác tài nguyên phải thực hiện hoàn
nguyên môi trường hàng năm hoặc trong từng thời gian khai thác.
- Các doanh nghiệp khai thác chế biến
khoáng sản và sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh phải có
trách nhiệm báo cáo bằng văn bản tình hình sản xuất kinh
doanh của đơn vị về Sở Xây dựng để thực hiện chức năng quản lý ngành dọc.
- Thực hiện nghiêm túc các quy định
về khoáng sản, đất đai, đầu tư, bảo vệ môi trường,... trong thời gian được cấp
phép khai thác.
- Thực hiện đóng góp kinh phí sửa
chữa, bảo dưỡng đường giao thông tại nơi tham gia hoạt động sản xuất và khai
thác khoáng sản làm VLXD.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Xây dựng;
Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố nêu tại Điều 2; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá
nhân có liên quan ở địa phương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
ký./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (báo
cáo);
- Như Điều 3;
- CT; các PCT;
- CVP; PCVP: TB, TH;
- Lưu VT, T (QH22).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Dũng
|