Quyết định 2032/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Chương trình phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 2032/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/11/2007
Ngày có hiệu lực 07/11/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Văn Cường
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 2032/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 07 tháng 11 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVI;
Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 13/07/2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI về Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010;
Xét đề nghị của Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 477/TTr-SCN ngày 16/08/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010, với những nội dung chủ yếu sau:

I- QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1 - Quan điểm:

- Phát triển công nghiệp tỉnh phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và quy hoạch phát triển công nghiệp của vùng. Gắn phát triển công nghiệp với việc hình thành các khu công nghiệp và khu đô thị mới làm thay đổi mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển công nghiệp nhằm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

- Góp phần thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Coi trọng hàng đầu việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án lớn, công nghệ cao, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia.

- Tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững.

2 - Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

Tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ và đồng bộ, khai thác tốt lợi thế, huy động mọi nguồn lực, chủ động hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Phấn đấu đến năm 2010, Hưng Yên trở thành tỉnh khá trong cả nước, tạo cơ sở để trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại trước năm 2020.

b) Mục tiêu cụ thể:

Đảm bảo tốc độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 ổn định ở mức trên 22,31%/năm về giá trị gia tăng, trên 25%/năm về giá trị sản xuất công nghiệp, trong đó: công nghiệp khai thác 17%/năm, công nghiệp chế biến trên 25%/năm, công nghiệp phân phối điện nước 20%/năm. Đến năm 2010, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (GO) phấn đấu đạt trên 23.000 tỷ đồng, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp (VA) đạt trên 4.400 tỷ đồng, hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp 20% - công nghiệp, xây dựng 47% - dịch vụ 33%, góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

II- NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1 - Ngành cơ khí, luyện kim, gia công kim loại, chế tạo máy, động cơ:

Đến năm 2010 ngành cơ khí luyện kim chế tạo máy và gia công kim loại chiếm 41,03% tổng giá trị sản xuất và 42,57% giá trị gia tăng toàn ngành.

Ưu tiên đầu tư phát triển các dự án sản xuất thép dải cán nguội và sản xuất băng cuộn cán nóng, kết hợp hiện đại hoá các cơ sở hiện có với xây dựng mới các nhà máy hiện đại, sản xuất theo hướng tăng dần tỷ trọng thép chất lượng cao.

Ưu tiên các dự án đầu tư ngành cơ khí chế tạo thiết bị và phụ tùng như các thiết bị cho sản xuất ô tô, xe máy, sản xuất động cơ nổ, động cơ điện. Nhất là các dự án sản xuất ô tô khách, ô tô tải, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành ô tô của cả nước.

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong nước, ngoài nước tham gia sản xuất vào lĩnh vực này nhằm đa dạng hoá các sản phẩm cơ khí, đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất, sửa chữa máy móc động lực, thiết bị phục vụ cho các ngành giao thông vận tải, ngành dệt may, sản xuất đồ gia dụng, nhất là các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn.

Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các huyện phía bắc của tỉnh như huyện Văn Giang, Văn Lâm, Mỹ Hào…

2 - Ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử, tin học:

Đến năm 2010 ngành sản xuất thiết bị điện tử tin học chiếm 26,53% tổng giá trị sản xuất và chiếm 15,14% giá trị gia tăng toàn ngành.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, cũng như ngoài nước, đa dạng hóa loại hình đầu tư, huy động nội lực cho phát triển lĩnh vực ngành đầy tiềm năng này.

Phát triển ngành theo hướng ứng dụng công nghệ cao chiếm lĩnh thị trường trong khu vực và trong nước, tiến tới xuất khẩu cho các sản phẩm phần mềm, sản phẩm công nghệ thông tin.

Ưu tiên phát triển các dự án đầu tư vào sản xuất linh kiện, phụ tùng, các thiết bị công nghệ thông tin, nhất là các sản phẩm thiết bị điện, điện tử, tin học (bao gồm cả phần mềm) trong nhóm hàng hoá trọng điểm xúc tiến thương mại quốc gia năm 2005.

[...]