Chương trình số 03/CTr-UBND về việc bảo tồn và phát triển làng nghề ttcn tỉnh an giang giai đoạn 2008-2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 03/CTr-UBND
Ngày ban hành 17/12/2007
Ngày có hiệu lực 17/12/2007
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Huỳnh Thế Năng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 03/CTr-UBND

Long Xuyên ngày 17 tháng 12 năm 2007

 

CHƯƠNG TRÌNH

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2008-2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020.

Phần 1:

THỰC TRẠNG BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ

I. THỰC TRẠNG BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ:

1. Vai trò bảo tồn và phát triển làng nghề.

Làng nghề truyền thống, địa bàn nghề thủ công là loại hình sản xuất có mặt ở mọi địa phương (bao gồm làng nghề thủ công truyền thống và địa bàn nghề thủ công), gắn bó và có vai trò rất quan trọng đối với nhu cầu đời sống sinh hoạt, lao động của người dân. Trong quá trình tồn tại và phát triển; làng nghề truyền thống, nghề thủ công đã góp phần vào sự phát triển của kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị cho xã hội, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và tăng trưởng kinh tế nông thôn.

Hiện nay,vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống và phát huy vai trò ngành nghề thủ công truyền thống là một trong những giải pháp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người nghèo, tăng thu nhập người lao động, phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

2. Tình hình bảo tồn và phát triển làng nghề.

Tỉnh An Giang có 29 làng nghề tiểu thủ công nghiệp  (trong đó 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được UBND tỉnh công nhận) và 49 nghề tiểu thủ công nghiệp ở 78 địa bàn trong tỉnh, với 11.642 hộ, giải quyết việc làm cho 30.496 lao động.

Năm 2006, giá trị sản xuất ước đạt 580,048 tỷ đồng; xuất khẩu 1.983.900 USD, trong đó, xuất khẩu ủy thác 1.688.900 USD (tương đương 27 tỷ đồng), xuất khẩu trực tiếp 295.000 USD (tương đương 4,75 tỷ đồng). (đính kèm mẫu biểu hiện trạng làng nghề)

3. Tiềm năng phát triển của các làng nghề.

Thực tiễn cho thấy, làng nghề truyền thống, địa bàn có nghề thủ công đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động không chỉ mùa vụ mà cả lao động ổn định lâu dài, sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị cho xã hội, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và tăng trưởng kinh tế nông thôn. Những sản phẩm thủ công truyền thống như: đường thốt nốt, dệt thổ cẩm hoạt động ổn định và giữ được thị trường vì các sản phẩm này không thể thay thế được và yếu tố cạnh tranh ở mức chấp nhận được.

Có thể khẳng định, sản phẩm đường thốt nốt là đặc hữu duy nhất chỉ có ở vùng Bảy Núi An Giang với sản lượng sản xuất ổn định hàng năm trên 6.000 tấn/năm, hiện đã, đang và sẽ giới thiệu những nét đặc thù của tỉnh đi khắp cả nước và vươn ra thế giới. Những sản phẩm như: mắm Châu Đốc có truyền thống lâu đời đã nổi tiếng khắp miền và giờ đây đã từng bước thâm nhập vào các siêu thị lớn và tham gia xuất khẩu; khô cá tra phồng tuy đã có từ lâu nhưng mới phát triển những năm gần đây và hiện nay đã tham gia xuất khẩu hàng năm thu về nhiều ngoại tệ cho địa phương, tuy mới ở dạng ủy thác.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

1. Thuận lợi:

- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thônNghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn.

- Tỉnh đang xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm, trong đó bao gồm cả phát triển ngành nghề truyền thống.

- Các làng nghề, nghề tiểu thủ công nghiệp luôn gắn kết chặt chẽ với các ngành, đoàn thể và được sự quan tâm của chính quyền địa phương, về việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương.

- Môi trường hoạt động sản xuất của các làng nghề phù hợp với nông thôn, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp – nông thôn.

- Nguồn nguyên liệu sẵn có, lao động tại chỗ, sản phẩm làm ra mang tính đặc thù của địa phương.

2. Khó khăn:

- Do chậm thích ứng với thị trường và thị hiếu người tiêu dùng làm cho làng nghề truyền thống, nghề thủ công giảm sút dần cả về quy mô và năng lực sản xuất, chỉ còn hoạt động cầm chừng, thậm chí mai một hoàn toàn; năng suất thấp, thu nhập của người lao động tuy ổn định nhưng không cao

- Các chính sách hỗ trợ có tác động tích cực đến hoạt động ngành nghề nông thôn theo diện rộng, thông qua việc cho vay vốn ngắn hạn đối với tổ hợp tác theo mức bình quân, tuy nhiên chưa có chiều sâu để thúc đẩy đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm; công tác thông tin quảng cáo chưa thật sự mang lại hiệu quả cao; chưa đào tạo được thợ chuyên sâu về nghề ...

- Việc hỗ trợ vốn cho làng nghề truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất, do thiếu tài sản thế chấp, nên chỉ giải quyết cho vay đối với loại hình tổ sản xuất, hợp tác xã hoặc cơ sở sản xuất mang tính đặc thù với mức cho vay thấp.

- Trình độ quản lý của làng nghề truyền thống còn hạn chế, quen kiểu làm ăn nhỏ lẻ hoặc theo hộ gia đình nên việc tổ chức sản xuất theo mô hình tập thể (tổ liên kết sản xuất, HTX) còn chậm. Lao động qua đào tạo rất ít, chưa quen vói tác phong công nghiệp, sản xuất còn phân tán, theo thời vụ. Qui mô sản xuất nhỏ, khả năng về vốn còn quá ít so yêu cầu, nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, khả năng tích lũy vốn phục vụ phát triển lâu dài không cao.

- Các làng nghề truyền thống chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất; sản phẩm còn đơn điệu, năng suất thấp, khả năng cạnh tranh kém; chưa đa dạng hóa mẫu mã và chậm cải tiến kiểu dáng theo nhu cầu của khách hàng; thị trường sản phẩm chưa ổn định. Hoạt động thiếu linh hoạt, sợ rủi ro; trông chờ  vào sự hỗ trợ của Nhà nước; thiếu mạnh dạn vươn lên trong nền kinh tế thị trường.

- Các làng nghề truyền thống thường nằm đan xen trong các khu dân cư nên việc phát triển SX và xử lý môi trường gặp nhiều khó khăn. Việc quy hoạch và đầu tư các cụm tiểu thủ công nghiệp ở các huyện, thị, thành do thiếu vốn nên triển khai còn chậm.

[...]