QUY CHẾ
"TỔ CHỨC VÀ HOẠT
ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN"
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2020/1998/QĐ.UBT ngày 14 tháng 8 năm 1998 của
UBND tỉnh Cần Thơ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tổ chức tiếp công dân có chức năng
tham mưu giúp Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực
HĐND, UBND tỉnh và các Sở, Ban, ngành thực hiện việc tiếp công dân, nhận và xử
lý đơn thư kiếu nại, tố cáo và ý kiến kiến nghị, phản ánh của công dân và tổ
chức thuộc thẩm quyền.
Điều 2. Tổ chức và hoạt động tiếp công dân
theo nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa
các cơ quan Thường trực của Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực
HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng hữu quan trong quá trình hoạt động.
Điều 3. Tổ chức tiếp công dân nói tại Quy
chế này bao gồm:Phòng tiếp dân tỉnh, tiếp dân các Sở, Ban,ngành, tiếp dân thành
phố Cần Thơ và các huyện, xã ( phường, thị trấn).
Điều 4. Mọi tổ chức, hoạt động và phối hợp
hoạt động, điều hành công tác tiếp dân trong tỉnh đều phải tuân theo quy định
tại Quy chế này và những quy định của pháp luật hiện hành về công tác tiếp công
dân.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN
Điều 5. Tổ chức tiếp công dân có nhiệm vụ,
quyền hạn:
1- Tiếp công dân, nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo
của công dân thuộc thẩm quyền và các ý kiến kiến nghị, phản ánh của công dân và
tổ chức về những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật
của Nhà nước; hướng dẫn, giải thích chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật
của Nhà nước cho tổ chức, tập thể và cá nhân nơi tiếp công dân.
2- Nhắc nhỡ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên
quan trả lời kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và các ý kiến kiến nghị,
phản ánh của công dân và tổ chức.
Kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện tiếp
công dân đối với các Sở, Ban, ngành tỉnh và địa phương.
3- Kiến nghị, đề xuất biện pháp giải quyết đơn thư
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và tổ chức đến cấp thẩm quyền
và thông báo kết quả giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 6. Ngoài những nhiệm vụ quyền hạn quy
định tại Điều 5 Quy chế này, tổ chức tiếp công dân còn phải thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 89/CP ngày 07-8-1997 của Chính phủ,
các văn bản pháp luật liên quan và những nhiệm vụ cụ thể khác được UBND các cấp
giao.
Chương III
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG TIẾP CÔNG DÂN
Điều 7. Tổ chức tiếp công dân bố trí nơi tiếp
công dân tại địa điểm thuận tiện, khang trang, lịch sự, có cơ sở vật chất đảm
bảo phục vụ cho công tác tiếp dân.
Nơi tiếp công dân phải có bảng thông báo các điều
quy định liên quan đến trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và
bảng nội quy cơ quan.
Điều 8. Cơ quan Công an cùng cấp phụ trách
địa bàn có trách nhiệm phối hợp tổ chức bảo vệ, bảo đảm trật tự, an toàn nơi
tiếp công dân, kịp thời ngăn chặn mọi hành vi vi phạm trật tự an toàn xã hội.
Điều 9. Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban, ngành
tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức, bố trí cán bộ và địa điểm
tiếp công dân.
Điều 10. Cán bộ, công chức được giao nhiệm
vụ tiếp công dân phải thực sự có phẩm chất chính trị tốt, liêm khiết, trung
thực, có nghiệp vụ chuyên môn, am hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, pháp
luật Nhà nước.
MỤC 1. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA PHÒNG CHỨC NĂNG
TỈNH
Điều 11. Phòng tiếp dân tỉnh là cơ quan tham
mưu giúp Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND,
UBND tỉnh và các Sở, Ban, ngành giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và các ý
kiến, kiến nghị, phản ánh của công dân và tổ chức có liên quan đến chủ trương,
chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Điều 12. Trưởng phòng tiếp dân thực hiện nhiệm
vụ quản lý điều hành mọi công việc của cơ quan, thực hiện chế độ báo cáo thường
xuyên và định kỳ và chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu
Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các Sở, Ban, ngành về các ý kiến
đề xuất và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, các ý kiến, kiến nghị, phản
ánh của công dân và tổ chức.
Điều 13. Theo dõi, kiểm tra đôn đốc các cơ
quan, đơn vị tiếp dân tổ chức và thực hiện tốt công tác tiếp dân.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị trả lời kết quả giải
quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, ý kiến kiến nghị, phản ánh của công dân và tổ chức.
Điều 14. Phó trưởng phòng tiếp dân giúp trưởng
phòng tiếp dân phụ trách lĩnh vực công tác theo sự phân công và chịu trách
nhiệm trước trưởng phòng tiếp dân.
Điều 15. Các chuyên viên, cán bộ chịu sự phân
công của trưởng, phó phòng tiếp dân. Tham mưu giúp trưởng, phó phòng tiếp dân
thực hiện mọi công tác chuyên môn. Báo cáo, phản ánh kịp thời cho trưởng, phó
phòng tiếp dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công.
MỤC 2. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ TIẾP CÔNG DÂN CỦA UBND
THÀNH PHỐ CẦN THƠ VÀ CÁC HUYỆN
Điều 16. Tổ chức tiếp công dân của UBND thành
phố Cần Thơ và UBND các huyện là cơ quan tham mưu giúp Thường trực Thành ủy
(huyện ủy) Thường trực HĐND, UBND thành phố Cần Thơ và các huyện. Chức năng, nhiệm
vụ như niêu ở điểm 1, 2 và 3 tại Điều 5 Quy chế này.
Điều 17. Tổ chức tiếp công dân của UBND thành
phố Càn Thơ và UBND các huyện do Chánh hoặc Phó Văn phòng UBND thành phố Cần
Thơ và các huyện phụ trách và chịu trách nhiệm trực tiếp với cấp ủy Đảng, HĐND
và UBND.
Mỗi đơn vị có từ 2 đến 3 cán bộ, công chức chuyên
trách đảm nhiệm công tác tiếp dân.
MỤC 3. TIẾP CÔNG DÂN SỞ, BAN, NGÀNH TỈNH
Điều 18. Tiếp công dân của Sở, Ban, ngành
tỉnh được tổ chức bố trí ngay tại trụ sở cơ quan ở vị trí phù hợp, thuận tiện trong
quan hệ giao tiếp với công dân; đảm bảo đủ điều kiện phương tiện cho hoạt động
tiếp công dân thường xuyên.
Điều 19. Cán bộ tiếp công dân do Thủ trưởng
Sở, Ban, ngành phân công và trực tiếp quản lý điều hành.
Chương IV
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TIẾP CÔNG
DÂN
Điều 20. Khi làm nhiệm vụ, cán bộ công chức
tiếp công dân phải mặt trang phục chỉnh tề, đeo thẻ công chức theo quy định, tự
giới thiệu chức vụ của mình để người được tiếp biết.
Cán bộ, công chức chỉ được tiếp công dân đến khiếu
nại, yêu cầu tại công sở (trụ sở cơ quan làm việc) trong thời gian làm việc của
Nhà nước. Không được giao tiếp với công dân ngoài công sở, ngoài giờ làm việc
có liên quan đến vấn đề khiếu nại, tố cáo.
Điều 21. Khi tiếp công dân, cán bộ công chức
tiếp công dân có nhiệm vụ:
1- Lắng nghe, ghi chép đầy đủ nội dung công dân
trình bày.
2- Tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo đúng thẩm quyền
của đơn vị, cơ quan cấp mình để báo cáo, trình thủ trưởng xem xét , giải quyết.
Những nội dung khiếu nại, tố cáo cần thiết phải yêu
cầu công dân ký xác nhận. Phải viết biên nhận liệt kê đầy đủ các tài liệu, giấy
tờ liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo do công dân cấp.
3- Hướng dẫn, giải thích, phân tích chủ trương đường
lối và chính sách pháp luật hiện hành để công dân tuân thủ chấp hành hoặc đến
đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Điều 22. Khi tiếp công dân cán bộ, công chức
có quyền:
1- Từ chối không tiếp nhận những trường hợp đã được
kiểm tra, xem xét, xác minh đúng đắn chính xác và đã có quyết định giải quyết
của cơ quan có thẩm quyền theo đúng qui định của pháp luật và trả lời đầy đủ
cho đương sự.
2- Từ chối không tiếp người đang trong tình trạng
say (rượu và các chất kích thích khác), tâm thần và những vi phạm Quy chế, nội
quy nơi tiếp công dân.
3- Yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ tùy thân,
nếu người được ủy quyền phải có giấy ủy quyền được chứng nhận của một trong các
cơ quan có thẩm quyền: UBND cấp huyện, xã, phòng Công chứng Nhà nước.
4- Yêu cầu cử đại diện khi có nhiều người đến nếu
tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo cùng một nội dung.
5- Yêu cầu tuân thủ, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy
nơi tiếp công dân và sự hướng dẫn của cán bộ, công chức tiếp công dân.
6- Yêu cầu công dân phải trình bày trung thực sự
việc, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo và phải ký tên
xác nhận những nội dung đó.
7- Công dân không được lợi dụng quyền khiếu nại,
tố cáo gây rối trật tự tại nơi tiếp dân, vu cáo xúc phạm đến người thi hành công
dụng.
Chương V
QUAN HỆ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG VÀ HỘI HỌP
Điều 23. Các cơ quan Thường trực Tỉnh ủy,
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND và UBND tỉnh có trách nhiệm:
1- Cử cán bộ, công chức tham gia tiếp công dân tại
trụ sở Phòng tiếp dân theo lịch tiếp dân.
2- Quyết định việc trả lời các kiến nghị, yêu cầu,
các khiếu nại, tố cáo của công dân.
3- Đối với các vấn đề, vụ việc phức tạp thuộc trách
nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan, đơn vị thì chủ động làm việc với các cơ
quan, đơn vị có liên quan để cùng giải quyết.
4- Thực hiện việc trả lời, giải quyết các kiến nghị,
yêu cầu, các khiếu nại, tố cáo của công dân đúng quy định của pháp luật và các
quy định của quy chế tổ chức và hoạt động của tổ chức tiếp dân.
Điều 24. Phòng tiếp dân tỉnh phối hợp với
Thanh tra tỉnh, các Sở, Ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, UBND thành phố
Cần Thơ, UBND huyện thực hiện tốt công việc tiếp công dân, phản ánh đề xuất giải
quyết kịp thời các yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của mọi công dân
đúng pháp luật qui định.
Điều 25. Trưởng phòng tiếp dân triệu tập các
cuộc hợp do Phòng tiếp dân tổ chức theo yêu cầu thức tế, định kỳ tuần, tháng,
quý, đảm trách việc chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc các cuộc hợp trên.
Chương VI
MỐI QUAN HỆ GIỮA NƠI TIẾP CÔNG DÂN VÀ CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN
GIẢI QUYẾT
Điều 26. Khi nhận được các khiếu nại, tố cáo,
kiến nghị, phản ánh của công dân do những nơi tiếp công dân chuyển đến, thì Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết phải thực
hiện việc giải quyết kịp thời, đúng thủ tục,trình tự, thời hạn và đúng pháp
luật.
Điều 27. Đối với những trường hợp, vụ việc
đã có quyết định hoặc kết luận giải quyết thì trả lời cho đương sự theo quy
định của pháp luật và báo cáo bằng văn bản cho nơi tiếp công dân đã chuyển vụ
việc đó biết.
Điều 28. Cán bộ, công chức tiếp công dân của
phòng Tiếp dân tỉnh, các Sở,Ban, ngành, UBND thành phố Cần Thơ, các huyện chuyển
đến cơ quan, đơn vị có trách nhiềm và thẩm quyền giải quyết mà thủ trưởng cơ
quan đó không tuân thủ, chấp hành pháp luật về thời hạn giải quyết, trả lời thì
sau nhiều lần nhắc nhở nếu không thực hiện thì báo cáo cho thủ trưởng cấp mình
có biện pháp xử lý về trách nhiệm hoặc thông báo công khai trên các phương tiện
thông tin đại chúng.
Chương VII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 29. Trưởng phòng Tiếp dân tỉnh phối hợp
với Thanh tra tỉnh, Văn phòng các cơ quan Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu
Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND, UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai,
thực hiện và theo dõi việc thực hiện Quy chế này.
Điều 30. Quá trình thực hiện Quy chế này,
cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích sẽ được biểu dương khen thưởng kịp thời.
Cơ quan, đơn vị và cá nhân vi phạm các quy định của
Quy chế này thì tùy mức độ vi phạm mà xử lý theo đúng qui định của pháp luật./.