Thông báo 02/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 02/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 06/01/2014 |
Ngày có hiệu lực | 06/01/2014 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Quang Thắng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC ĐẾN NĂM 2020
Ngày 28 tháng 12 năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Cùng dự có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Nội vụ, Quốc phòng, Công an, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ban Dân vận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; đại diện một số tổ chức quốc tế; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sau khi nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, ý kiến phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc.
Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển vùng dân tộc và miền núi. Ủy ban Dân tộc với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đã cùng các Bộ, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện nhiều chương trình, chính sách quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua hệ thống chính sách, với sự quan tâm đầu tư từ ngân sách nhà nước, tài trợ của các tổ chức quốc tế, cùng với sự cố gắng vươn lên của người dân đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi vẫn còn chậm phát triển, khoảng cách chênh lệch còn lớn so với các vùng miền khác trong cả nước. Công tác dân tộc nói chung và hệ thống chính sách dân tộc nói riêng vẫn còn hạn chế, bất cập. Một số chính sách còn mang tính giải pháp tình thế, nhằm giải quyết khó khăn trước mắt, ngắn hạn; việc phối hợp, lồng ghép các chính sách của các Bộ, ngành, địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tế và hiệu quả còn thấp.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Quyết định về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc. Hai quyết định của Thủ tướng Chính phủ là sự cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước 10 năm 2011 - 2020 đã được Đại hội Đảng XI thông qua; là kế hoạch dài hạn 10 năm đầu tiên về công tác dân tộc, thể hiện tính toàn diện, đồng bộ, ổn định, thông qua mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Chiến lược, Chiến lược này có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đó cũng là sự thể hiện cam kết của Nhà nước ta với Liên hiệp quốc về quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành địa phương cần quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc nói chung, của Chiến lược công tác dân tộc nói riêng; nhận rõ trách nhiệm và đề cao quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.
Để triển khai Chiến lược công tác dân tộc thiết thực và hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và vững chắc đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Chiến lược, nhấn mạnh một số nội dung sau:
1. Thực hiện Chiến lược công tác dân tộc phải ưu tiên trước hết cho các mục tiêu:
a) Nâng cao dân trí; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, qua đó nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đây là tiền đề để làm tốt các công tác khác.
b) Tỷ lệ giảm hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải đạt năm sau cao hơn năm trước và cao hơn tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân chung cả nước.
2. Căn cứ Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, thực hiện rà soát, đánh giá cơ chế quản lý, điều hành các chính sách dân tộc, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh kịp thời cơ chế quản lý một số chương trình, dự án vùng dân tộc và miền núi, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, địa bàn và đối tượng quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách vùng dân tộc và miền núi.
3. Trên cơ sở hệ thống chính sách dân tộc được xây dựng và hoàn chỉnh, cần ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để thực hiện có kết quả và hiệu quả cao.
4. Khẩn trương triển khai thực hiện Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013; sử dụng có hiệu quả cao các nguồn vốn ODA, NGO cho thực hiện các chính sách dân tộc.
5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; biểu dương các tấm gương người tốt, việc tốt, người có uy tín là đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện chính sách dân tộc; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu làm giàu và khắc phục tính ỷ lại của đồng bào để giảm nghèo nhanh, bền vững.
III. VỀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban Dân tộc:
a) Theo nhiệm vụ được phân công chủ trì trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc, khẩn trương xây dựng các chính sách dân tộc theo tiến độ quy định.
b) Tăng cường phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trong việc xây dựng cơ chế, chính sách; đảm bảo các cơ chế, chính sách được xây dựng vừa bao quát, toàn diện, đồng bộ, vừa không chồng chéo.
c) Đẩy mạnh công tác đôn đốc, kiểm tra các Bộ, cơ quan liên quan trong việc xây dựng và thực hiện các đề án được phân công trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
d) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch vốn trung hạn, dài hạn để phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các chính sách dân tộc đồng bộ và hiệu quả.
đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và xã hội và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số đến năm 2020, trình duyệt theo quy định.
e) Xây dựng và hoàn chỉnh Đề án thành lập Học viện dân tộc đáp ứng yêu cầu theo quy định hiện hành, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính: Ưu tiên bố trí vốn từ năm 2014 để thực hiện các chính sách dân tộc đã ban hành; chủ động bố trí vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.