Quyết định 201/2006/QĐ-UBND về Chương trình phát triển Thanh niên tỉnh Bình Dương đến năm 2010

Số hiệu 201/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/08/2006
Ngày có hiệu lực 26/08/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Hoàng Sơn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 201/2006/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 16 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THANH NIÊN TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thanh niên (đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2006);

Căn cứ Quyết định số 70/2003/QĐ-TTg ngày 29/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển Thanh niên Việt Nam đến năm 2010;

Xét đề nghị của Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương tại Tờ trình số 240/TTr-TĐ ngày 6/6/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển Thanh niên tỉnh Bình Dương đến năm 2010.

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2010
( Ban hành kèm theo Quyết định số 201/2006/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2006 của UBND tỉnh Bình Dương )

Phần thứ I

TÌNH HÌNH THANH NIÊN VÀ CÔNG TÁC THANH NIÊN

I. TÌNH HÌNH THANH NIÊN:

Thanh niên Bình Dương tính đến ngày 31/12/2005 có khoảng 409.398 người, chiếm 37,7% tổng dân số trong toàn tỉnh, nữ thanh niên chiếm khoảng 51,8% tổng số thanh niên. Những năm qua, do sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp tập trung và tốc độ đô thị hóa nhanh nên tỷ lệ thanh niên theo địa bàn có sự thay đổi theo hướng tăng ở khu vực đô thị và giảm ở khu vực nông thôn. Cơ cấu ngành nghề của thanh niên đã có những bước chuyển tích cực theo hướng giảm nhanh số lượng lao động trong nông nghiệp, tăng nhanh lao động công nghiệp và dịch vụ. Cơ cấu lao động hiện nay của tỉnh có tỷ lệ là: Công nghiệp và xây dựng 60,5% - Dịch vụ 18,5% - Nông nghiệp 21%; số lao động công nghiệp làm việc trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 61,4% tổng số lao động công nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay đạt khoảng: 38%.

Những năm qua, tư tưởng, thái độ chính trị của thanh niên tiếp tục chuyển biến tích cực. Phần lớn thanh niên gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Tinh thần xung phong tình nguyện, tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội của thanh niên tiếp tục được khơi dậy và phát huy. Niềm tin của thanh niên vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được củng cố và tăng cường. Bên cạnh những mặt mạnh, ưu điểm vẫn còn có một bộ phận thanh niên tỏ ra thờ ơ, ít quan tâm về chính trị; có một bộ phận thanh niên không tham gia các hoạt động, phong trào do Đoàn, Hội tổ chức và các hoạt động xã hội khác mà chỉ chạy theo lối sống vật chất tầm thường, sống thực dụng, mắc phải các tệ nạn xã hội…

Trong những nhu cầu thiết yếu của thanh niên hiện nay, nhu cầu về an toàn, ổn định và phát triển trong cuộc sống vẫn là nhu cầu quan trọng nhất, kế đến là những nhu cầu về sức khỏe, học tập, nhu cầu về việc làm, thành đạt trong cuộc sống. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, mức sống, các nhu cầu của thanh niên ngày càng đa dạng, đặc biệt là nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa. Tình hình các đối tượng thanh niên trên địa bàn tỉnh như sau:

*Thanh niên khu vực nông thôn: chiếm khoảng 42% tổng số thanh niên toàn tỉnh. Nhìn chung trình độ học vấn của thanh niên nông thôn cũng đã được nâng lên, nhưng vẫn còn số ít mù chữ, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hơn so với khu vực thành thị nhiều lần, tỷ lệ thiếu việc làm vẫn còn. Thanh niên nông thôn hiện nay mong muốn được học tập để mang những hiểu biết và tiến bộ khoa học mới vào phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế ở nông thôn và cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

* Thanh niên khu vực đô thị - công nghiệp: chiếm khoảng 58% tổng số thanh niên toàn tỉnh, có nhiều thế mạnh về học vấn, chuyên môn, kỹ thuật và họ mong muốn có nghề nghiệp, việc làm và thu nhập ổn định. Thanh niên khu vực đô thị - công nghiệp sống trong môi trường văn hóa đa dạng, điều này giúp cho thanh niên có điều kiện nâng cao kiến thức, sự hiểu biết về văn hóa...

* Lực lượng Thanh niên ngoài tỉnh: đang làm việc, tạm trú trong tỉnh hiện nay khoảng 210.000 người, chiếm 41% thanh niên toàn tỉnh, riêng làm việc trong ngành công nghiệp – xây dựng đã chiếm 35,5%. Đây là lực lượng đang tăng nhanh về số lượng, là nguồn nhân lực rất quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, thanh niên công nhân phần lớn là lao động phổ thông, có nhận thức pháp luật và tác phong công nghiệp chưa cao, họ mong muốn có được việc làm, thu nhập, chỗ ở ổn định; được vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa và học tập nâng cao trình độ.

* Thanh niên học sinh, sinh viên: chiếm 12,76% tổng số thanh niên trong tỉnh, trong đó học sinh phổ thông chiếm 8,3%. Nhận thức về các vấn đề xã hội của thanh niên học sinh, sinh viên ngày nay càng mở rộng, đa dạng, phong phú, không chỉ quan tâm đến tình hình thời cuộc, nhiệm vụ chính trị… mà còn có ý thức nâng cao hiểu biết về lịch sử, truyền thống, chủ nghĩa Mác – LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

* Thanh niên khối hành chính sự nghiệp: là những người được đào tạo cơ bản, có trình độ học vấn ngày càng cao, chiếm tỷ lệ 0,78% thanh niên trong tỉnh. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn cũng rất cần đào tạo cơ bản hơn, nhiều trường hợp trái ngành nghề cần phải đào tạo lại. Họ có khát vọng chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu; Đề cao học vấn và mong muốn được đào tạo nâng cao trình độ.

* Thanh niên khối lực lượng vũ trang tỉnh: là lực lượng chủ yếu trực tiếp chấp hành các nhiệm vụ của lực lượng Công an, Quân đội, chiếm tỷ lệ khoảng 0,34% trong tổng số thanh niên trong tỉnh, trình độ học vấn khá cao và tương đối đồng đều. Thanh niên mong muốn được học thêm văn hóa, học nghề trong thời gian tại ngũ để tích lũy được kiến thức, nghề nghiệp cho lập thân, lập nghiệp; Có nhu cầu cao về hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu phối hợp hoạt động với thanh niên địa phương.

II. CÔNG TÁC THANH NIÊN:

[...]