Quyết định 70/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 70/2003/QĐ-TTg
Ngày ban hành 29/04/2003
Ngày có hiệu lực 05/06/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 70/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 70/2003/QĐ-TTG NGÀY 29 THÁNG 04 NĂM 2003 PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THANH NIÊN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010, với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu của Chiến lược.

a) Mục tiêu tổng quát:

Giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, trở thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao và phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

b) Các mục tiêu cụ thể:

- Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức trách nhiệm công dân, xây dựng phẩm chất tốt đẹp và đạo đức cách mạng cho thanh niên;

- Mục tiêu 2: Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, năng lực khoa học, công nghệ cho thanh niên; xây dựng phong cách làm việc văn minh, khoa học; nhanh chóng hình thành một đội ngũ thanh niên ưu tú tiêu biểu cho thế hệ trẻ;

- Mục tiêu 3: Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

- Mục tiêu 4: Giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên, nâng cao thu nhập cho thanh niên;

- Mục tiêu 5: Nâng cao sức khoẻ, đời sống tinh thần, xây dựng nếp sống văn hoá và ý thức tuân thủ pháp luật, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tình trạng phạm pháp trong thanh niên;

- Mục tiêu 6: Nâng cao năng lực giao lưu, hợp tác quốc tế của thanh niên, nâng cao vị thế của thanh niên Việt Nam trong hoạt động giao lưu quốc tế, góp phần bảo vệ, củng cố hoà bình, tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết với thanh niên các nước.

2. Các giải pháp chủ yếu:

a) Đổi mới việc xây dựng và thực hiện chính sách đối với thanh niên, chú trọng phát huy vai trò của thanh niên và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách thanh niên. Lồng ghép các mục tiêu phát triển thanh niên trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng lộ trình bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách đối với thanh niên, trong đó có chính sách phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, trình độ khoa học và công nghệ cho sinh viên; chính sách về dạy nghề, hướng thanh niên vào các ngành nghề mũi nhọn; chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi cho các đối tượng thanh niên lầm lỗi, sai phạm được hòa nhập với cộng đồng.

b) Phát triển phong trào thanh niên và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn Thanh niên các cấp. Tăng cường đầu tư cho công tác thanh niên và xây dựng môi trường xã hội thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của thanh niên.

c) Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - tinh thần cho thanh niên, quan tâm đến các đối tượng thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các vùng đặc biệt khó khăn.

d) Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp chính quyền, các tổ chức kinh tế, xã hội, lực lượng vũ trang trong công tác giáo dục, bồi dưỡng, phát huy vai trò của thanh niên, đẩy mạnh xã hội hóa công tác thanh niên.

đ) Tăng cường công tác đối ngoại Nhà nước trong lĩnh vực thanh niên, mở rộng quan hệ giao lưu, quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong quan hệ đối ngoại thanh niên, tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ quốc tế cho công tác thanh niên. Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền vận động thanh niên và người Việt Nam ở nước ngoài.

e) Tăng cường và đổi mới quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, các Bộ, ngành và có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết các nhiệm vụ liên ngành về công tác thanh niên. Tăng cường công tác nghiên cứu, thông tin về thanh niên.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

Để tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu của Chiến lược, phân công trách nhiệm đối với các Bộ, ngành và địa phương như sau:

1. Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá - Thông tin, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tư pháp, Tài chính, Nội vụ, Uỷ ban Thể dục Thể thao, các cơ quan khác có liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược thanh niên. Tổ chức sơ kết vào năm 2005 và tổng kết vào năm 2010 về tình hình thực hiện Chiến lược thanh niên.

2. Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá - Thông tin, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Y tế, Nội vụ, Uỷ ban Thể dục Thể thao và các cơ quan khác có liên quan căn cứ vào Chiến lược này xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hàng năm và 5 năm nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược; lồng ghép các hoạt động của Chiến lược này với các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khác có liên quan; hàng năm có báo cáo định kỳ gửi Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch tài chính hàng năm, hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược thanh niên.

[...]