Có bắt buộc phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng chợ không?
Nội dung chính
Có bắt buộc phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng chợ không?
Khoản 2 Điều 4 Nghị định 115/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như sau:
Dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai
...
2. Dự án đầu tư có sử dụng đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 126 của Luật Đất đai gồm:
a) Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
c) Dự án đầu tư xây dựng chợ theo quy định của pháp luật về phát triển và quản lý chợ;
d) Dự án đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ theo quy định của pháp luật quản lý ngành về đường bộ;
đ) Dự án đầu tư xây dựng công trình dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng;
e) Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về khuyến khích xã hội hóa khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện, trừ dự án quy định tại điểm a và điểm b khoản này;
g) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về nhà ở khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện. Quy định tại điểm này không bao gồm dự án nhà ở xã hội quy định tại các khoản 1,2,3 và điểm c khoản 4 Điều 84 của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 68 của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân quy định tại khoản 1 Điều 106 của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15;
h) Dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định pháp luật về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý ngành, lĩnh vực;
i) Dự án đầu tư xây dựng công trình năng lượng thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về điện lực khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện;
k) Các dự án khác thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 và điểm b khoản 1 Điều 126 của Luật Đất đai.
...
Căn cứ quy định trên, dự án đầu tư xây dựng chợ là dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Có bắt buộc phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với
dự án đầu tư xây dựng chợ không? (Hình từ internet)
Việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải thực hiện trên những nguyên tắc nào?
Căn cứ quy định tại Điều 20 Nghị định 115/2024/NĐ-CP, việc đánh giá hồ sơ dự thầu được thực hiện trên các nguyên tắc như sau:
(1) Việc đánh giá hồ sơ dự thầu căn cứ vào phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư để bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm, có phương án kỹ thuật, tài chính khả thi để thực hiện dự án.
(2) Việc đánh giá hồ sơ dự thầu được thực hiện trên bản chụp, nhà đầu tư chịu trách nhiệm về tính thống nhất giữa bản gốc và bản chụp. Trường hợp có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp nhưng không làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà đầu tư thì căn cứ vào bản gốc để đánh giá. Trường hợp có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp dẫn đến kết quả đánh giá trên bản gốc khác kết quả đánh giá trên bản chụp, làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà đầu tư thì hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư đó bị loại.
(3) Khi đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu phải kiểm tra các nội dung về kỹ thuật, tài chính của hồ sơ dự thầu để xác định hồ sơ dự thầu không có những sai khác, đặt điều kiện hay bỏ sót các nội dung cơ bản, trong đó:
- Sai khác là các khác biệt so với yêu cầu quy định tại hồ sơ mời thầu; đặt điều kiện là việc đặt ra các điều kiện có tính hạn chế hoặc thể hiện sự không chấp nhận hoàn toàn đối với các yêu cầu quy định tại hồ sơ mời thầu; bỏ sót nội dung là việc nhà đầu tư không cung cấp được một phần hoặc toàn bộ thông tin hay tài liệu theo yêu cầu quy định tại hồ sơ mời thầu;
- Với điều kiện hồ sơ dự thầu đáp ứng cơ bản yêu cầu quy định tại hồ sơ mời thầu thì bên mời thầu có thể chấp nhận các sai sót mà không phải là những sai khác, đặt điều kiện hay bỏ sót nội dung cơ bản trong hồ sơ dự thầu;
- Với điều kiện hồ sơ dự thầu đáp ứng cơ bản hồ sơ mời thầu, bên mời thầu có thể yêu cầu nhà đầu tư cung cấp các thông tin hoặc tài liệu cần thiết trong một thời hạn hợp lý để sửa chữa những điểm chưa phù hợp hoặc sai khác không nghiêm trọng trong hồ sơ dự thầu liên quan đến các yêu cầu về tài liệu. Yêu cầu cung cấp các thông tin và các tài liệu để khắc phục các sai sót này không được làm ảnh hưởng đến đề xuất về hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương của nhà đầu tư. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu của bên mời thầu thì hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư sẽ bị loại.
Có các hình thức lựa chọn nhà đầu tư nào?
Điều 34 Luật Đấu thầu 2023 quy định:
Hình thức lựa chọn nhà đầu tư
1. Đấu thầu rộng rãi:
Đấu thầu rộng rãi được áp dụng đối với dự án đầu tư kinh doanh mà không hạn chế số lượng nhà đầu tư tham dự.
2. Đấu thầu hạn chế:
Đấu thầu hạn chế được áp dụng đối với dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ hoặc có tính đặc thù theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực mà chỉ có một số nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu của dự án được mời tham dự thầu.
Căn cứ quy định trên, có 02 hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế.