Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1951/QĐ-TTg năm 2011 về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề tỉnh Tây Nguyên và huyện miền núi của tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1951/QĐ-TTg
Ngày ban hành 02/11/2011
Ngày có hiệu lực 02/11/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1951/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO VÀ DẠY NGHỀ CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN VÀ CÁC HUYỆN MIỀN NÚI CỦA CÁC TỈNH GIÁP TÂY NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại tờ trình số 933/TTr-BGDĐT ngày 08 tháng 9 năm 2011 về việc ban hành Quyết định về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên (gọi tắt là vùng Tây Nguyên, có danh sách kèm theo) giai đoạn 2011 - 2015 nhằm tạo bước phát triển toàn diện ở các cấp học, nhất là giáo dục mầm non, phổ thông vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Điều 2. Các chỉ tiêu cụ thể:

1. Giáo dục mầm non: Đến năm 2015, huy động từ 12 - 15% số trẻ dưới 3 tuổi đi nhà trẻ; từ 75 -80% số trẻ 3 - 5 tuổi học mẫu giáo, trong đó trên 98% trẻ 5 tuổi học mẫu giáo để chuẩn bị vào lớp 1; tất cả các các tỉnh trong vùng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

2. Giáo dục phổ thông: Đến năm 2015, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 98 - 99% ở tiểu học, 87 - 90% ở trung học cơ sở và 60% ở trung học phổ thông.

3. Giáo dục dân tộc: Đến năm 2015, 100% số huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường phổ thông dân tộc nội trú; có từ 7 - 9% học sinh dân tộc thiểu số trong tổng số học sinh dân tộc đang học ở giáo dục trung học được học nội trú; 96 - 98% trẻ em 5 tuổi người dân tộc thiểu số được chuẩn bị tốt tiếng Việt trước khi vào lớp 1.

4. Giáo dục trung cấp chuyên nghiệp: Đến năm 2015 thành lập thêm từ 5 - 7 trường trung cấp chuyên nghiệp; phấn đấu nâng số lao động có trình độ trung cấp chuyên nghiệp đến năm 2015 đạt 14% trong tổng số lao động qua đào tạo; thu hút từ 5 - 8% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp.

5. Dạy nghề: Đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 35%; toàn vùng có 05 trường cao đẳng nghề, 15 trường trung cấp nghề, mỗi đơn vị cấp huyện có ít nhất một trung tâm dạy nghề; thực hiện tốt công tác hướng nghiệp để thu hút từ 5 - 7% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề.

6. Giáo dục đại học: Đến năm 2015, bình quân đạt 180 sinh viên/1 vạn dân; thành lập thêm 02 trường đại học (trong đó có 01 trường đại học tư thục) và 04 trường cao đẳng; tỷ lệ sinh viên người dân tộc thiểu số đạt từ 18 - 20% trở lên trong tổng số sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trong vùng.

7. Giáo dục thường xuyên: Đến năm 2015 thành lập thêm các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, trung tâm học tập cộng đồng để tất cả đơn vị cấp huyện đều có trung tâm giáo dục thường xuyên, 90% xã, phường có trung tâm học tập cộng đồng; phấn đấu tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 96%.

Điều 3. Các giải pháp chủ yếu phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên.

1. Hoàn thiện mạng lưới trường học, thực hiện kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học ở các cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

a) Giáo dục mầm non:

- Thực hiện đầy đủ chính sách đối với các cơ sở giáo dục mầm non theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 - 2015 nhằm bảo đảm quỹ đất và tăng vốn đầu tư để phát triển mạng lưới trường mầm non đến tất cả các xã; trước hết ưu tiên xây dựng các điểm trường ở các thôn, buôn vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng mới để phủ kínn trường mầm non ở các xã chưa có trường.

- Xây dựng đủ phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ thiết yếu theo hướng chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học; bảo đảm đủ thiết bị, đồ chơi theo tiêu chuẩn quy định; ưu tiên các điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

b) Giáo dục phổ thông:

- Các tỉnh, các huyện trong vùng tiến hành rà soát để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp với yêu cầu phát triển của giai đoạn 2011 - 2015, bảo đảm tạo thuận lợi cho học sinh đến trường và tăng tỷ lệ huy động học sinh đi học.

- Tiếp tục thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học; Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo; huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để thực hiện hóa quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học, tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia.

- Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục để củng cố, mở rộng quy mô trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, huyện ở những nơi có nhiều đồng bào dân tộc; ưu tiên đầu tư cho trường phổ thông dân tộc bán trú, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho học sinh bán trú; xây dựng nhà ở nội trú cho học sinh dân tộc học trung học phổ thông ở những địa bàn khó khăn. Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất cho các trường học, nhà công vụ giáo viên tại các xã biên giới, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phát triển dân sinh, ổn định chính trị và quốc phòng - an ninh.

c) Giáo dục thường xuyên:

Hoàn thiện mạng lưới trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện theo hướng thực hiện nhiều chức năng, tổ chức trung tâm riêng hoặc kết hợp giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương; tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho các trung tâm giáo dục thường xuyên. Đa dạng nội dung hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng theo hướng thiết thực và hiệu quả.

d) Giáo dục trung cấp chuyên nghiệp:

- Huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thành lập trường trung cấp chuyên nghiệp, ưu tiên các ngành đào tạo về y tế, nông lâm, công nghiệp và xây dựng dân dụng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tại chỗ.

[...]